Blog Oliver Kahn: 40 triệu euro cho Martinez không phải là thương vụ điên rồ

08/09/2012 13:24 GMT+7 | Bóng đá Đức

(TT&VH) - Dưới đây là bài viết nêu lên quan điểm của cựu thủ môn Oliver Kahn về vụ Bayern mua Javier Martinez với giá chuyển nhượng kỷ lục 40 triệu euro, được đăng trong chuyên mục Blog bóng đá do anh phụ trách. Quan điểm của Kahn: Đây không hề là một thương vụ điên rồ.

Các đội bóng Đức đã chi ra tổng cộng 240 triệu euro trong kỳ chuyển nhượng Hè vừa qua. Dortmund mua Marco Reus mất 17 triệu. Rafael van der Vaart đến Hamburg với giá 13 triệu, chưa kể trước đó đội bóng này đã bỏ ra 12 triệu mua Luuk de Jong. Bayern là tác giả của thương vụ đắt giá nhất, với 40 triệu mua Javi Martinez từ Athletic Bilbao.

Phí chuyển nhượng ở mức này thực tế đã trở nên bình thường từ lâu trong bóng đá hiện đại. Tuy nhiên, chúng thường bị mô tả là “điên rồ” hoặc “trái với các phạm trù đạo đức”. Tại sao đây?



40 triệu euro cho Javi Martinez không hề là con số điên rồ?

Các hoạt động kinh doanh trong bóng đá ngày càng được mở rộng quy mô và lợi nhuận, giúp các câu lạc bộ dễ dàng kiếm tiền hơn. Từ mùa bóng tới, các đội ở Bundesliga sẽ nhận được tiền bản quyền truyền hình gia tăng từ 30-40% so với bây giờ. CLB Manchester United ở giải Premier League thậm chí còn vừa ký một hợp đồng nhận tài trợ từ General Motors đến mùa 2014-2015 có giá trị lên đến nửa tỉ euro. Mức lợi nhuận tăng cao dẫn đến việc ngân sách chuyển nhượng trở nên hào phóng hơn.

Thêm vào đó, mức phí chuyển nhượng còn được thúc đẩy chóng mặt bởi sự chịu chơi của các tài phiệt đầu tư vào bóng đá như ông chủ của Chelsea, Roman Abramovich, hay ông chủ của Manchester City, Sheikh Mansour. Những khoản đầu tư thuộc dạng bóp méo thị trường chuyển nhượng như thế đã buộc UEFA phải ban hành Luật công bằng tài chính, và nó cũng tác động nhất định đến việc nhận thức về sự hợp lý của mức phí chuyển nhượng cầu thủ.

Ngoài ra, các cầu thủ hiện nay không còn cảm thấy quá căng thẳng về phí chuyển nhượng đắt đỏ dành cho họ nữa. Đó không phải là biểu hiện của một thị trường “nô lệ hiện đại”, mà đơn giản là một sự khuyến khích. Manuel Neuer, Marco Reus, và cả Javi Martinez đều hoàn toàn có thể thoải mái với vị thế hiện nay của họ. Các cầu thủ ở đẳng cấp của họ thực sự cũng còn không nhiều, và bây giờ thì ngoài các đội bóng lớn ở châu Âu, các CLB từ Nga hay Trung Quốc cũng sẵn sàng bày tỏ sự quan tâm đến những cầu thủ ở đẳng cấp này. Đó là một lý do khiến giá chuyển nhượng bị “đội” lên.

Thêm vào đó, các CĐV dường như chẳng quan tâm đến chuyện một cầu thủ được mua về với giá bao nhiêu. Họ chỉ quan tâm là anh ta sẽ trình diễn như thế nào, xem các cầu thủ hay nhất chơi bóng và cảm nhận được thứ bóng đá hấp dẫn. Tôi nghĩ rằng chắc chắn rất ít CĐV Manchester City phàn nàn về tình trạng tài chính của đội bóng sau những vụ chuyển nhượng đắt giá, và khi Man City vô địch, thì ai còn bận tâm về điều ấy làm gì.

Chừng nào bóng đá còn tạo ra lợi nhuận và các CLB có đủ tiền để tham gia vào vòng quay chuyển nhượng hiện tại, thì mức phí cao không phản ánh sự mất trì của các chuyên gia chuyển nhượng. Đơn giản đó là hệ quả của cả một hệ thống, và những tranh cãi về luân lý của những vụ chuyển nhượng sẽ chẳng dẫn đến đâu. Với các đội bóng ở Bundesliga, điều này chỉ có lợi, bởi nó cho thấy sự tích cực và khả năng cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường chuyển nhượng. Điều này khiến giải đấu thu hút và hấp dẫn hơn, và kết quả có thể là một danh hiệu ở đấu trường châu lục cho chúng ta.

Nhưng có một điểm mà chúng ta cần phải nhận thức rõ ràng: Các CLB sẽ không được phép sai lầm trong các phép tính của mình, khi giá trị bị đẩy lên cao như hiện tại. Hơn bao giờ hết, đặt ra câu hỏi rằng liệu một cầu thủ mới được mua về với phí chuyển nhượng cao có thực sự cần thiết và đạt được hiệu quả như mong muốn sẽ rất quan trọng.

Ban Cầm (dịch từ Bild)



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm