“Hậu” cuộc săn lùng Bin Laden: Những "con tốt" bị lãng quên

27/04/2013 06:45 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Ít cuộc điện thoại lại mang tới nhiều điểm gở như cuộc điện thoại mà Mumtaz Begum, 35 tuổi, đã nhận vào ngày 15/3/2011. Khi cầm máy lúc đó, cô tưởng như đây chỉ là một cuộc điện thoại từ một quan chức giám sát y tế mời mình tới dự một buổi họp về chương trình tiêm phòng thông thường. Nhưng rốt cuộc sau cú điện thoại, Begum và 16 nữ y tá khác đã vô tình trở thành các con tốt trong cuộc săn lùng trùm khủng bố Osama Bin Laden.

Mumtaz Begum, một trong 2 y tá đã dũng cảm tiếp xúc với phóng viên hãng tin BBC để kể về thảm cảnh của họ

Sau khi cuộc săn lùng kết thúc và trong khi nước Mỹ tự hào phô ra chiến tích của mình, các nữ y tá này đã thường xuyên phải sống trong nỗi sợ hãi bị tấn công. Họ bị một số kẻ gọi là phản quốc và họ cũng mất luôn công việc trong ngành y tế.

Đảo lộn cuộc sống

Bin Laden đã bị giết trong một chiến dịch mật do đặc nhiệm SEAL của Hải quân Mỹ thực hiện ở Abbottabad, một thành phố nằm ở tỉnh Khyber Pakhtunkhwa (KP) ở Tây Bắc Pakistan, vào ngày 2/5/2011.

Cuối tháng đó, tình báo Pakistan đã bắt giữ một quan chức y tế cấp tỉnh là tiến sĩ Shakeel Afridi. Ông này bị buộc tội giúp Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA), lần ra Bin Laden, thông qua việc thu thập mẫu ADN từ nơi ẩn náu của trùm khủng bố ở Abbottabad, dưới lớp vỏ một chương trình tiêm chủng vắc xin.

Tháng 2/2012, cơ quan y tế KP đã ra lệnh sa thải 17 nhân viên y tế đã tham gia chiến dịch của Mỹ, cáo buộc họ hành động chống lại "lợi ích quốc gia".

Thế nhưng những con người như Mumtaz Begum trông chẳng giống điệp viên một chút nào. Cô sống tại một căn nhà hai phòng ở Abbottabad, với các bức tường đã bong vữa và mái nhà dột nát. Một trong các căn phòng còn không có cửa.

Trong căn phòng thứ hai, một mảng tường đã được dán các bức poster khuyến khích kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc y tế cơ bản và tuyên truyền cho hoạt động tiêm chủng. Đây là các dấu hiệu cho thấy công việc đã đóng vai trò lớn như thế nào trong đời cô.

Là con út trong một gia đình có 5 anh chị em, cô lại là người duy nhất kiếm tiền nuôi cả nhà. Tất cả những người còn lại đều đang thất nghiệp. Tất cả các anh chị em đều chưa lập gia đình, một điều bất thường ở Pakistan, cho thấy phần nào sự khó khăn về tiền bạc của họ.

Kể từ năm 1996, khi Begum gia nhập cơ quan y tế KP trong vai trò y tá, cô đã có tiền để mua thực phẩm và quần áo cho các anh chị em trong gia đình. Nhưng cô không có đủ tiền để chữa bệnh cho mẹ, người bị mù vì viêm giác mạc. Cô cũng không có tiền để chữa bệnh động kinh cho một người chị gái. "Giờ tôi đã mất việc và chúng tôi còn không thể ăn 2 bữa mỗi ngày" - cô vừa nói vừa bật khóc.

Nhưng trong khi Begum chỉ lâm vào cảnh phá sản về tài chính, các y tá khác đã vừa mất thu nhập, vừa mất sức khỏe. "Tôi đã từng rất khỏe, có sức mạnh bằng 7 người đàn ông. Nhưng giờ tôi sợ rằng nếu vấp chân, tôi sẽ ngã xuống" - nữ y tá Akhtar Bibi nói đầy ẩn ý.

 Tiến sĩ Afridi, người đã giúp CIA lần ra Bin Laden

Những “con tốt” bị “thí”

Cô được xem là một phần trong "vòng tròn thân tín" của tiến sĩ Afridi trong chiến dịch săn lùng Bin Laden. Cô là một trong hai người đã đi vào trong nơi ẩn náu của Bin Laden để lấy mẫu máu của những người sống ở trong khu nhà.

Cô và người còn lại cũng được cho là đã bị tình báo ISI của Pakistan thẩm vấn sau khi Afridi bị bắt. Bibi đã bác bỏ cả hai tin trên, nhưng thừa nhận cô có bị các nhân viên mật thẩm vấn vài lần ở nhiều nơi, tại trung tâm y tế, ở nhà riêng và ở nhà chú cô.

"Trong những ngày đó, tôi bắt đầu bị căng thẳng quá mức. Tình hình tệ hơn khi chồng tôi bỏ tôi để tới sống với người vợ thứ hai. Anh ấy nói rằng tôi đã bị nhơ bẩn" - cô kể. Giờ Bibi làm nghề giúp việc, với thu nhập chưa đầy 1 USD mỗi ngày để kiếm sống.

Câu hỏi đặt ra là các y tá đã làm gì sai? "Tiến sĩ Afridi không lôi kéo chúng tôi. Chúng tôi đã bị cơ quan y tế KP gửi đi làm việc với ông ấy" - Bibi kể - "Tại cuộc họp diễn ra vào ngày 16/3/2011, vài quan chức cao cấp của cơ quan y tế đã hiện diện, gồm cả người giám sát chúng tôi và điều phối viên cấp quận. Họ giới thiệu tiến sĩ Afridi là người tham gia điều phối chương trình".

Afridi đã cung cấp thông tin chi tiết cho họ về những việc phải làm. Ông ta muốn họ đi từng nhà để tiêm chủng cho những người phụ nữ từ 15-49 tuổi chống lại căn bệnh viêm gan B. Ông ta nói rằng chiến dịch sẽ tập trung vào các cộng đồng dân ở khu vực Nawanshehr và Bilal thuộc Abbottabad.

Akhtar Bibi cho biết đợt đầu của chiến dịch tiêm chủng tổ chức vào ngày 16-17/3, gồm 15 y tá, đã chủ yếu hoạt động tại Nawanshehr. Đây là khu vực nơi một thủ lĩnh khác của Al Qaeda là Abu Faraj al-Libbi, đã trốn thoát khỏi việc bị tình báo Pakistan bắt giữ hồi năm 2004.

Hai đợt tiếp theo của chiến dịch diễn ra từ ngày 12-14/4/2011 và từ 20-21/4/2011. Đợt cuối cùng chỉ tập trung vào Bilal, nơi có hang ổ của Bin Laden.

"9 y tá làm việc theo nhóm 3 người một để xử lý xong Bilal trong 2 ngày. Tiến sĩ Afridi trực tiếp giám sát chiến dịch. Ông đã thuê hai chiếc xe tải chở chúng tôi và bản thân ông sử dụng một chiếc xe của cơ quan y tế KP" - cô kể.

Cô là một trong hai nhân viên y tế đã tới khu nhà của Bin Laden theo lệnh của Afridi và gọi cửa vào ngày 21/4, nhưng không ai ra mở cửa. Cô không biết liệu Afridi có mẫu thử hay không, nhưng nói rằng ông ta đã dặn dò việc "tiêm chủng cho những người sống trong ngôi nhà là điều hết sức quan trọng" .

"Cuộc sống đang gặp nguy hiểm"

Trong một kiến nghị gửi tới chính quyền KP vào năm ngoái, các nữ y tá kêu gọi việc khôi phục việc làm cho họ, nói rằng các quan chức cao cấp ở cơ quan y tế đang đưa họ ra làm vật thế mạng. Tháng trước, tòa án yêu cầu việc đưa họ trở lại làm việc. Tuy nhiên, cơ quan y tế địa phương chưa nói rõ rằng họ sẽ chống lại hay tuân thủ quyết định của tòa.

Có thể các nữ y tá sẽ có việc làm trở lại hoặc không. Điều chắc chắn là họ sẽ phải sống trong sợ hãi suốt một thời gian dài tới đây. Nhiều nữ y tá được phóng viên BBC đề nghị tiếp xúc đã từ chối gặp. Những người trả lời phóng vấn thì không cho chụp ảnh.

Chỉ có Akhtar Bibi dũng cảm tới gặp phóng viên ở một địa điểm bí mật. "Cuộc sống của tôi đang gặp nguy hiểm" - cô giải thích.

Tường Linh (Theo BBC)
Thể thao & Văn hóa




Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm