Lợi thế chủ nhà của Ba Lan: Lợi bất cập hại

08/06/2012 09:31 GMT+7 | Bảng A

(TT&VH) - Ai cũng nói rằng Ba Lan có nhiều lợi thế. Từ lực lượng khán giả áp đảo trong mỗi trận đấu, những mặt sân đã quá quen thuộc đối với các cầu thủ, cho đến sự may mắn khi rơi vào một bảng đấu tương đối dễ. Nhưng có ở vào hoàn cảnh của Franciszek Smuda mới thấy ông đã và đang phải đối mặt với những khó khăn lớn như thế nào.

Khó khăn lớn nhất đối với Smuda ở thời điểm này có lẽ là thực tiễn thi đấu. Nghe có vẻ vô lý với một đội tuyển đã thi đấu đến 32 trận trong vòng hơn 2 năm qua, song đó lại là sự thực. Việc không phải trải qua vòng loại đã khiến Ba Lan thiếu hẳn cơ hội cọ xát ở những trận cầu mang tính cạnh tranh.

Những loạt giao hữu quốc tế đương nhiên vẫn là dịp để Smuda đưa ra thử nghiệm về con người và lối chơi, nhưng rõ ràng không phải cơ hội để trui rèn bản lĩnh chinh chiến, đó là chưa kể có những trận giao hữu còn khá vô bổ vì đối thủ quá yếu và không mang lại một bài học đáng kể nào. Còn nhớ ở Kings Cup 2010 tổ chức tại Bangkok, đội quân của Smuda dễ dàng hạ gục Thái Lan (3-1) và Singapore (6-1), nhưng khi gặp đội các ngôi sao giải vô địch Đan Mạch, vốn vừa mới tập trung, họ lại gây thất vọng tràn trề khi chịu thua 1-3.


HLV Smuda và Ba Lan đang phải chịu nhiều sức ép - Ảnh Getty

Thành tích gần đây của ĐT Ba Lan thuyết phục đến nỗi nhiều người phải giật mình: họ bất bại suốt 5 trận gần nhất, và giữ sạch lưới trong toàn bộ 4 trận đấu từ đầu năm. Tuy nhiên, con số ấy không hẳn đã nói lên sức mạnh của đội đồng chủ nhà EURO 2012. Thắng Latvia và Slovakia với tỷ số tối thiểu 1-0 chẳng phải chiến tích đáng kể gì cho lắm, trong khi trận đấu gần nhất với Andorra, hiện xếp hạng... 199 thế giới, rõ ràng không xứng đáng là một màn tập dượt cho ngày hội bóng đá châu lục, và chiến thắng 4-0 cũng chẳng nói lên điều gì. Kể từ đầu năm, chỉ có chiến tích cầm hòa Bồ Đào Nha 0-0 là đáng khen, nhưng kết quả ấy dựa phần lớn vào sự xuất sắc của cá nhân thủ thành Szczesny, người đã bay lượn suốt cả trận, còn những đồng đội của anh hầu như không tạo được ấn tượng đáng kể.

Ở 3 giải đấu lớn gần nhất (World Cup 2002, 2006, EURO 2008), Ba Lan đều dừng bước ở vòng bảng. Smuda tiếp quản đội bóng này hồi tháng 10/2009, sau khi họ không lọt được vào VCK World Cup 2010. Và ông đã phải xây dựng lại gần như hoàn toàn mới về mặt lực lượng, với vài ba cựu binh sót lại từ chiến dịch thất bại ấy. Ba Lan dự VCK lần này với một đội hình rất trẻ (tuổi trung bình xấp xỉ 25), và đối với những cầu thủ còn ít kinh nghiệm ở các giải đấu lớn, việc phải trải qua 969 ngày "ăn chay" suốt hơn hai năm qua hoàn toàn không phải một sự chuẩn bị tốt.

Và tất nhiên, không thể không nhắc đến vấn đề sức ép khi phải thi đấu trên sân nhà. Việc được phân vào một bảng đấu được coi là dễ dàng nhất càng khiến thầy trò Smuda phải chịu áp lực về mặt thành tích, khi yêu cầu bắt buộc mà LĐBĐ nước này đặt ra là phải lọt vào đến tứ kết. Trong bối cảnh ấy, nhiệm vụ giải mã một đối thủ khó nhằn như Hy Lạp sẽ lại trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Đúng là vạn sự khởi đầu nan!

T.C

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm