Golf không cần Olympic và Olympic không cần golf

15/11/2015 13:46 GMT+7 | Golf

(Thethaovanhoa.vn) – Từ thể thức thi đấu chắp vá tới những vấn đề về kinh tế và môi trường xung quanh sân golf tổ chức Thế vận hội mùa hè ở Rio (Brazil) năm 2016, người ta đã có thể hiểu được vì sao hơn 100 năm qua, golf không xuất hiện ở các kỳ Olympic.

Thử hỏi một sự kiện thể thao tầm cỡ thế giới như Olympic còn thiếu gì nữa để trở nên hấp dẫn hơn? Thử hỏi có môn thể thao nào không đáp ứng được những tiêu chí đặt ra về tinh thần Olympic truyền thống là “nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn” hay thu hút được một thế hệ khán giả trẻ hơn mà Uỷ ban Olympic quốc tế (IOC) đang hướng đến nhưng vẫn có mặt tại Olympic?     Thử hỏi có môn thể thao nào phức tạp hơn khi buộc nước chủ nhà phải đảm bảo, thậm chí là xây mới, một địa điểm rộng hơn 100 hecta, nghĩa là lớn hơn bất cứ địa điểm thi đấu nào khác? Và thử hỏi có môn thể thao nào mà người chơi đã kiếm được hàng triệu USD tiền thưởng trong một năm, chưa kể tiền quảng cáo, tài trợ, và sẵn sàng để thi đấu ở Olympic?

Môn thể thao đó là golf và là một trong những môn thể thao mới được IOC đưa vào chương trình thi đấu tại Olympic vào năm 2009. Nói một cách ví von, khi Olympic từ lâu đã có rất nhiều nội dung hấp dẫn, việc bổ sung golf trở nên thừa có hay không có golf, Olympic cũng đã được xem là một sự kiện thể thao thế giới rồi.

Bên cạnh đó, ở một thành phố như Rio de Janeiro, golf càng trở nên khó khăn hơn. Sau cùng thì IOC chọn thành phố đăng cai trước khi golf được đưa vào chương trình thi đấu. Giống như một số thành phố tổ chức Olympic ở bán cầu nam, Rio không có các sân golf. Đơn giản bởi golf không phải là môn thể thao được hâm mộ tại Brazil và giải thích tại sao trong tốp 1.000, Brazil chỉ có bốn golf thủ.


Olympic cũng chẳng hấp dẫn nên nhờ golf và ngược lại...

Với phần lớn những môn thể thao Olympic khác thì chuyện này đơn giản vì người ta có thể tạo ra một sân bóng chuyền bãi biển hay cải tạo nhà thi đấu thành một địa điểm tổ chức mới. Trong khi đó, ở Rio, một sân golf mới xây ở gần cửa sông tại vùng Barra da Tijuca đang mang lại những phiền toán về mặt kinh tế, môi trường và rất dễ dẫn đến những cuộc biểu tình do người dân bị thu hồi đất, môi trường bị đe dọa.

Ngược lại, lịch thi đấu truyền thống của golf sẽ bị đảo lộn vì Olympic. Năm nay, giải PGA Championship diễn ra giữa tháng 8 và vài tuần sau British Open nhưng sang năm 2016, sau khi lịch thi đấu sơ bộ ở Olympic được công bố vào ngày 11 đến 14/8, PGA Championship đã buộc phải đẩy lịch của mình lên ngày 28 đến 31/7, nghĩa là chỉ hai tuần sau khi British Open kết thúc. Rồi một vài tuần sau Olympic playoff của FedEx Cup và ngay sau đó, thế giới golf sẽ hướng cả về Ryder Cup, một giải đấu truyền thống giữa Mỹ và châu Âu.

Trong trường hợp này, thử hỏi một golf thủ sẽ thi đấu hết mình vì tấm HCV Olympic hay vì một danh hiệu có ý nghĩa hơn ở PGA Championship, FedEx Cup và Ryder Cup? Nói như golf thủ Adam Scott, “Liệu tôi có giành huy chương Olympic hay không sẽ không quyết định sự nghiệp của tôi. Với các golf thủ, chỉ bốn major là có ý nghĩa.”

Nếu chưa đủ rắc rối, thể thức thi đấu phức tạp và quy định xét chọn cao sẽ còn khiến các golf thủ nản lòng hơn. Số golf thủ ở giải nam và nữ sẽ chỉ là 60 người (US Open có tới 156 golf thủ). Mỗi quốc gia sẽ có tối đa bốn golf thủ - và họ chỉ có cả bốn người nếu tất cả đứng trong tốp 15 thế giới. Nếu thế, dựa trên bảng xếp hạng đầu tháng 11 này, Mỹ sẽ không có Jim Furyk đang đứng thứ 9 và Zach Johnson đang đứng thứ 10 hay Phil Mickelson ở đâu đó ngoài tốp 10 bởi trên họ còn có bốn tay golf đồng hương khác là Jordan Spieth (1), Bubba Watson (4) và Rickie Fowler (5). Rồi những quốc gia rất mạnh khác như Anh, Australia, Nam Phi… sẽ chỉ có tối đa hay tay golf mỗi nước nếu họ không có đủ bốn người trong tốp 15. Trong trường hợp này, rất có thể những golf thủ xuất hiện ở Rio là Ricardo Gouveia (Bồ Đào Nha), Angelo Que (Philippines), Thomas Pieters (Bỉ), Chan Shih-chang (Đài Loan-TQ) và rất nhiều cái tên chưa từng được nghe đến, để rồi có thể khiến người xem chả buồn bật tivi lên để theo dõi.

Tương tự như vậy là bên giải nữ, khi một nửa trong số tốp 18 thế giới là những golf thủ của Hàn Quốc. Theo số 1 thế giới Inbee Park, quy định xét chọn của IOC là quá thất vọng bởi thay vì tốp 50 thế giới xứng đáng được thi đấu ở Olympic, một số quốc gia có golf thủ xếp hạng 300 hay 400 vẫn có thể góp mặt.

Việc thiếu vắng những golf thủ hàng đầu như vậy, khi phần lớn đều khẳng định đây là sự kiện có một không hai trong đời và họ rất muốn góp mặt, sẽ khiến golf ở Olympic không giống với một giải golf thực sự, về chất lượng, danh tiếng, và cũng không giống với một môn thể thao của Olympic khi thể thức thi đấu buộc phải điều chỉnh cho phù hợp kích thước sân và thời gian.

Rốt cuộc, nói như Thomas Bach, chủ tịch của IOC thì “Nếu HCV Olympic không được xem là đỉnh cao sự nghiệp của một golf thủ, vậy thì golf có cần thiết có mặt ở Olympic?”

Phạm Hưng
Thể thao & Văn hóa cuối tuần


Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm