'Ý tưởng cải tiến tiếng Việt, chữ Quốc ngữ, chỉ là cơn bão trong tách trà'

28/11/2017 07:32 GMT+7 | Thế giới

Thăm dò ý kiến

Quan điểm của bạn về ý tưởng cải tiến chữ Quốc ngữ của PGS Bùi Hiền

 

(Thethaovanhoa.vn) - Không ai dám chính thức hóa đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ của PGS-TS Bùi Hiền, vì nếu chính thức hóa, nó sẽ xảy ra những đảo lộn xã hội khủng khiếp!

Đó là quan điểm của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân trong cuộc trò chuyện cùng Thể thao & Văn hóa (TTXVN). Ông nói: "Các thứ ngôn ngữ văn tự nói chung, không chỉ là hệ thống ký hiệu tồn tại trong hệ thống nhỏ mà nó là công cụ toàn xã hội, toàn cộng đồng và đã tồn tại trong thời gian rất dài."

* Nghĩa là theo ông cái công cụ ấy là "bất di, bất dịch"?

- Theo tôi, chỉ cần thay đổi dù chỉ là một yếu tố thôi thì cũng sẽ động đến rất nhiều người. Kinh nghiệm của các ngôn ngữ trên thế giới thì văn tự là cái mà người ta rất ít thay đổi. Một vài bạn cho biết: Tiếng Anh hay tiếng Pháp, cũng đã có lúc đứng trước những chất vấn của các chuyên gia rằng nó không hợp lý chỗ này chỗ khác. Nhưng rốt cuộc lại thì người ta không thay đổi mà vẫn giữ nguyên; hoặc nếu có thay đổi cũng chỉ thay đổi cực kỳ ít, như thay đổi cách viết của một từ. Hoặc tiếng Nga, sau Cách mạng tháng Mười, người ta có đổi một chút về cách viết nhưng cũng rất là lâu và từ từ, chỉ bỏ đi những dấu cứng ở cuối từ mà hầu như không ảnh hưởng gì đến việc đọc hay nhận dạng về nó.

Chú thích ảnh
Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân

* Còn đối với xã hội Việt Nam thì sao, thưa ông?

- Với xã hội Việt Nam, cái chữ viết để ghi tiếng Việt thì trong lịch sử có những khuất khúc của nó. Có thể, người Việt đã có chữ viết của mình phôi thai từ thời kỳ nào đó nhưng trong quá trình bị các đế quốc từ phương Bắc tràn xuống xâm lược và đô hộ suốt ngót cả ngàn năm, nếu có thì những văn tự ấy cũng đã bị mất hẳn rồi.

Người Việt vẫn nói tiếng Việt nhưng các thế lực xâm lược và đô hộ đã mang chữ viết của họ tới để ít nhất đào tạo một bộ máy nhân sự quản lý. Do đó một phần văn tự Hán và văn hóa Hán đã theo chữ Hán nhập vào Việt Nam, nhưng nó cũng chỉ tồn tại trong giới những người có đi học chữ nho, gồm nhà nho và giới quan chức, khá ít ỏi so với phần đông dân số vẫn chỉ biết nghe và nói tiếng Việt.

* Vậy ngược về lịch sử, thì quá trình người Việt đã "cải tiến" chữ Hán thành Nôm và từ Hán – Nôm sang Quốc ngữ như thế nào, thưa ông?

- Trong tình trạng tiếng Việt chưa có chữ viết tương ứng, những người biết chữ Hán đã dần dần tìm cách sử dụng những ký hiệu của chữ Hán hoặc tương tự chữ Hán để ghi lấy chữ Việt; đó là cách họ sáng tạo ra chữ Nôm, ít nhất chúng ta biết là từ khoảng thế kỷ 12 - 13. Chữ Nôm để ghi tiếng Việt nhưng nó lại dựa hẳn vào chữ Hán. Có nghĩa là phải biết chữ Hán thì mới biết được chữ Nôm. Thứ nữa là trong suốt quá trình chữ Nôm xuất hiện, được sử dụng ít nhiều, nhưng nó không hề được chính thức hóa, chuẩn mực hóa bởi các nhà nước quân chủ Việt Nam; thiếu hành động này từ phía nhà cầm quyền, chữ Nôm bị lép vế, chưa bao giờ là văn tự chính quy!

Trước khi Pháp vào Đông Dương thì từ thế kỷ 15 - 16, các giáo sĩ của đạo Thiên Chúa từ Âu Tây đã đến đây truyền giáo. Ở toàn bộ khu vực Đông Á này (Nhật Bản, Trung Hoa) họ đều đem văn tự la-tinh để ghi tiếng nói dân cư các xứ trong vùng, trước hết để hiểu các ngôn ngữ bản địa và để dùng trong giới thày giảng, con chiên. Tiếng Việt cũng đã được họ tìm tòi chế tác một bộ chữ ghi âm latinh hoàn chỉnh, được cộng đồng Ki-tô giáo sử dụng.

Chú thích ảnh
PGS Bùi Hiền, người đưa ra ý tưởng cải tiến chữ viết

Khi người Pháp vào xâm chiếm và tiến hành công cuộc thực dân thì chính sách ngôn ngữ ban đầu là lấy chữ Pháp làm công cụ giao tiếp và dạy học. Nhưng “Pháp ngữ hóa” có thể đã thất bại từ đầu nếu họ không điều chỉnh bằng cách sử dụng song song tiếng Pháp chữ Pháp với tiếng Việt chữ Việt la-tinh hóa, từ nay được gọi là chữ Quốc ngữ. Xã hội người Việt dần dần dùng chữ Quốc ngữ vào đời sống như báo chí, giấy tờ giao dịch. Như vậy, trên thực tế, chữ Quốc ngữ đã từ trong cộng đồng Thiên Chúa giáo phổ biến ra toàn xã hội. Giới văn thân ban đầu chống lại việc thực dân Pháp chính thức hóa chữ Quốc ngữ, song về sau lại nhận ra đây cũng là phương tiện truyền bá lòng yêu nước, quay sang ủng hộ chữ Quốc ngữ. Kết quả là hội Truyền bá chữ Quốc ngữ thành lập và hoạt động trước cả khi chính quyền về tay người Việt.  

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, chính quyền mới của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chính thức hóa chữ Quốc ngữ, dùng nó làm phương tiện ngôn ngữ chính thống của quốc gia.

* Việc chuyển đổi về chữ viết như ông vừa kể có làm đảo lộn phần nào cộng đồng?

- Ngày nay nghiên cứu lại thì thấy, với việc chuyển từ sử dụng hệ văn tự Hán-Nôm sang sử dụng chữ Quốc ngữ, văn hóa Việt Nam đã chịu một sự chuyển đổi đáng kể, và sự chuyển đổi này gây những hụt hẫng rất đáng kể. Công chúng của thời đại chỉ biết chữ Quốc ngữ đã không còn đọc được những văn bản bằng chữ Hán và chữ Nôm nữa, trừ một số ít chuyên gia được đào tạo riêng. Càng với thời gian ta càng thấy sự chuyển đổi ấy kéo theo những mất mát không hề nhỏ. Nói như vậy để thấy rằng có sự đứt gãy về văn hóa rất là lớn do sự chuyển đổi văn tự.

* Nói vậy, chắc ông sẽ không đồng tình với ý tưởng "cải tiến chữ Quốc ngữ của PGS-TS Bùi Hiền?

- Từ đầu thế kỷ 20 cho đến bây giờ thực ra đã có rất nhiều đề xuất phải cải tiến chỗ này, chỗ kia ở trong chữ Quốc ngữ hiện hành. Nhưng trên thực tế không có một cải tiến nào được đưa vào thực hiện.

Cải tiến theo cách của ông Hiền thì tôi không biết nó sẽ gây ra sự đảo lộn lớn đến như thế nào?! Nhưng tôi tin chắc rằng không có một nhà nước nào dám đưa phương án của ông Hiền ra thực hiện, vì cả loạt những thay đổi ấy sẽ gây ra những xáo trộn quá lớn, những chi tiêu quá lớn mà chưa chắc đã có kết quả như ý muốn.

Thời nay, tính chất bền vững của các hệ văn tự, trong đó có chữ Quốc ngữ hiện hành nó sẽ còn mạnh mẽ lên gấp nhiều lần vì nó đã đi sâu vào các hoạt động của con người gắn với kỹ thuật số (digital), với Internet. Cho nên càng khó thay đổi! Vì thế, ý tưởng cải tiến chữ Quốc ngữ như vừa nghe quả thật là một sự không tưởng, hay nói như một nhà ngôn ngữ học có thâm niên và trách nhiệm, đó chỉ là "cơn bão trong tách trà" gây tranh cãi trong dư luận mà thôi.

* Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện

Chữ Quốc ngữ đương nhiên là một di sản

"Chúng ta không cần phải có động tác phong tặng di sản đối với chữ Quốc ngữ vì nó đã tồn tại từ lâu rồi, đương nhiên nó đã là di sản đồng thời vẫn còn đang là tài nguyên cho chúng ta sử dụng khai thác" – Phát biểu của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân.

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Đừng vì không khả thi mà phản ứng thái quá với người đề xuất

Thật ra, ở góc độ khoa học, đề xuất này là hoàn toàn bình thường. Thậm chí, xét về mục đích, nó có thể mang lại những yếu tố tích cực nhất định trong việc hoàn thiện các quy tắc ngữ âm tiếng Việt, như lời tác giả đề xuất.

Tuy nhiên, ngôn ngữ và chữ viết không chỉ là một vấn đề khoa học thuần túy mà còn phụ thuộc rất nhiều vào thói quen sử dụng của xã hội. Việc thay đổi chữ viết là vấn đề rất lớn, và sẽ đòi hỏi tính hệ thống rất cao khi thực hiện.

Chú thích ảnh
Nhà sử học Dương Trung Quốc

Do vậy, thẳng thắn, đề xuất này là không khả thi. Và nếu được áp dụng, việc này sẽ gây đảo lộn rất lớn trong xã hội.

Thật ra, trong quá khứ, vấn đề cải cách, thay đổi kí tự khi viết cũng đã bước đầu được thử nghiệm một số lần, nhưng đều không thành công. Tôi có thể ví dụ về trường hợp Hồ Chủ tịch, với tác phẩm Đường kách mệnh. Thật ra, ở thời điểm ấy, các quy tắc viết Tiếng Việt còn đang ở giai đoạn hoàn thiện. Là người sống nhiều năm ở phương Tây, Bác Hồ sử dụng kí tự “k” (kách) theo hệ thống phiên âm quốc tế. Tuy nhiên, thực tế là sau này cách viết như vậy cũng không được sử dụng tiếp.

Tuy nhiên, tôi cũng muốn nhấn mạnh: Những gì được bàn tới chỉ là một ý tưởng. Và trong khoa học, những ý tưởng, đề xuất mới luôn rất cần thiết.Vậy nhưng, từ một ý tưởng, dư luận lại thổi phồng câu chuyện lên quá mức, thậm chí là có những phản ứng hơi thái quá khi nói về người đề xuất. Làm như vậy là không hay.

Cúc Đường (ghi)

Kỳ 3:  Thăng trầm và những cuộc cải cách bất thành của chữ Quốc ngữ

'Cải tiến' chữ Quốc ngữ: Buồn cười và kỳ cục

'Cải tiến' chữ Quốc ngữ: Buồn cười và kỳ cục

Dù rằng chữ Quốc ngữ có một số hạn chế cần khắc phục, nhưng “cải tiến” là chuyện không dễ, nhất là khi không thể áp đặt và phải thuyết phục được số đông người sử dụng.

Công cụ chuyển đổi nhanh tiếng Việt thành 'Tiếq Việt cải tiến'

Công cụ chuyển đổi nhanh tiếng Việt thành 'Tiếq Việt cải tiến'

Tại địa chỉ http://tieqviet.surge.sh, người sử dụng có thể tuỳ ý chép một đoạn văn bản tiếng Việt vào đó, công cụ sẽ chuyển văn bản đó sang dạng "tiếq Việt" - dựa theo đề xuất cách viết tiếng Việt mới của PGS-TS Bùi Hiền.

Huy Thông (ghi)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm