Xem phim và khoác ba lô lên đường

21/04/2012 07:02 GMT+7 | Văn hoá


(TT&VH Cuối tuần) - Nếu Việt Nam chưa tận dụng được lợi thế mà các bộ phim mang lại cho ngành du lịch thì nhiều quốc gia, du lịch từ dư chấn của các bộ phim nổi tiếng là một thú chơi được dân du lịch có kinh nghiệm ưa chuộng. Và mỗi năm, lượng khách du lịch bỏ tiền để đi trọn tour những địa điểm yêu thích từ một bộ phim luôn đem đến cho các công ty lữ hành quốc tế những khoản thu khổng lồ.

>> Chuyên đề Du lịch khắp thế giới

Bỏ tiền đi xem nhà ổ chuột

Chiếc máy bay của hãng hàng không Pháp đáp xuống phi trường Mumbai một ngày Hè nắng cháy da. 2/3 số hành khách ấy là người phương Tây, một số ít đến Mumbai làm ăn, thăm dò đầu tư, số lớn còn lại đội mũ, đeo kính và chui vào vài chiếc xe du lịch loại lớn, phía trên kính ghi rõ to hàng chữ “Công ty du lịch Reality Tours”. Sau khi chở khách về nghỉ tại khách sạn trung tâm để cho thở quen không khí đầy bụi và nóng bức, đầu giờ chiều, gần 100 khách phương Tây sẽ được bắt đầu vào vòng hành trình có tên… Tour ổ chuột.

Đền Ta Prohm (Campuchia) nổi tiếng nhờ bộ phim Tomb Raider (Bí mật ngôi mộ cổ)

Tất cả bắt đầu từ khi bộ phim Slumdog Millionaire giành giải Oscar năm 2009 và ngay lập tức trang web Expedia.com xếp Mumbai trở thành nơi đáng để du lịch nhất thế giới với… 2.000 khu nhà ổ chuột cùng khoảng 18 triệu cư dân, trong đó 10 triệu người sống dưới mức nghèo khổ. Từ cột mốc 2009, người ta chiếu lại 5 năm trước, Mumbai ngoài thành công về du lịch (vương quốc Bollywood, Khải hoàn môn, vườn quốc gia Boirvali, hang động Elephanta, đồi Malabar…) thì những khu ổ chuột đại loại như Dharvi (khu quay chính của bộ phim và cũng là khu ổ chuột “bự” nhất châu Á) hoàn toàn không có bóng dáng bước chân của ông bà Tây ba lô nào. Chỉ từ năm 2005 thì họa hoằn mỗi năm Dharvi đón khoảng 210 khách. Còn bây giờ thì khác hoàn toàn, mỗi tuần khu ổ chuột này đón 210 khách, hàng ngày có 4 tour và mỗi đoàn tour không ít hơn 8 người. Cho dù bị cấm chụp hình và quay phim nhưng dân du lịch vẫn nườm nượp kéo đến để tận mục sở thị xem từ phim bước ra đời thường giống nhau cỡ nào.

Chris Way, đồng sáng lập công ty lữ hành Reality Tours, xoa tay khoan khoái: “Tôi không thể nói rõ số tiền tôi nộp cho chính quyền để từ đó chính quyền sẽ giúp người dân xóa đói giảm nghèo như thế nào nhưng tôi có thể đảm bảo rằng trong vòng 5 năm nữa số lượng khách đến đây sẽ tiếp tục tăng. Người ta đến đây nhờ bộ phim và ra về với nước mắt. Nhiều người cứ bảo những công ty như chúng tôi là thể loại “khiêu dâm du lịch” nhưng phải đi thực tế như thế này mới hiểu được giá trị thật sự mà một bộ phim đem lại là như thế nào”. Công ty này khẳng định mục tiêu của “Slum Tours” là “phá vỡ hình ảnh tiêu cực của Dharavi và những cư dân tại đây” để người dân thuộc các nơi, các tôn giáo và các tầng lớp xã hội khác nhau hiểu rõ và cảm thông với những con người đang sống ở các khu phố nghèo. Reality Tours đã trích 80% lợi nhuận từ các tuyến “Slum Tours” cho một trung tâm trợ giúp cộng đồng người nghèo trong khu vực này.

Khu ổ chuột Dharvi ở Mumbai (Ấn Độ), nguyên mẫu trong bộ phim đoạt giải Oscar Slumdog Millionaire (Triệu phú ổ chuột)

Chuyện này làm nhớ đến một khu nhỏ ở New York có tên Little Italy, nơi vào tháng 9 hàng năm nổi tiếng với lễ hội kéo dài 11 ngày có tên lễ hội Gennaro. Lễ hội tưởng niệm Thánh San Gennaro (Feast Of San Gennaro) bắt đầu được tổ chức từ năm 1926 tại đường Mulberry gần chợ Tàu. Hội chợ lúc ấy chỉ có 4 gia đình người Ý cùng nhau tổ chức. Họ giăng đèn nối liền tiệm của họ, họ đặt bàn ngoài đường, tổ chức lễ hội vui chơi, và mời bà con lối xóm tham dự. Từ đó hàng năm họ lại giăng đèn màu và tiếp tục tổ chức lễ hội tưởng niệm Thánh San Gennaro. Nhưng San Gennaro chỉ tăng khách vùn vụt và trở thành điểm hút du lịch quan trọng của New York khi có… phim Bố già. Nhiều cảnh quan trọng của phim này đều lấy từ lễ hội Gennaro. Trong phim Bố già phần II, Vito Corleone đã ám sát ông trùm Don Fanucci trong lễ hội Gennaro vì ông trùm này đòi chia chác số tiền mà nhóm Vito kiếm được. Trong phần III, cháu nội của Bố già cũng ám sát đối thủ tại lễ hội này, làm xôn xao dư luận người Ý tham dự lễ hội, do đó Bố già ra lệnh không ai được ám sát trong thời gian lễ hội nữa. Sau này một vài bộ phim khác cũng lấy cảm hứng từ Bố già để thêm vào chi tiết lễ hội Gennaro như phim Mean Street, Soprano hay CSI: New York… Hiện hàng năm lễ hội này đón khoảng 300.000 khách du lịch ghé thăm.

Lễ hội Thánh San Gennaro ở New York (Mỹ) bắt đầu đông khách du lịch từ năm 1974 khi phần II của Bố già ra đời

Cơ hội làm giàu cho nhiều quốc gia

Có những khu du lịch nổi tiếng và sau đó lên phim nhưng cũng có những khu chỉ thật sự nổi tiếng khi bộ phim ra đời. Và điều này được các nhà hoạch định du lịch ở Hàn Quốc rất chú ý. Do sức ảnh hưởng của các bộ phim Hàn Quốc như Bản tình ca mùa Đông, Nàng Dae Jang Geum hay Ngôi nhà hạnh phúc, số lượng khách du lịch đổ về Hàn Quốc để tham quan những khu du lịch kiểu như khu giải trí Yongpyong Ski Resort (nằm cách Thủ đô Seoul 200km), đảo Nami, làng dân tộc Seongup ở đảo Jeju… đông nườm nượp. Những dịch vụ du lịch trọn gói mang tên “Hallyu tour” (Du lịch làn sóng Hàn) ngày càng đa dạng và phong phú. Tham gia các dịch vụ này du khách có thể đến thăm trường quay, những địa danh nổi tiếng, những món ăn ngon đã từng xuất hiện trong những bộ phim của Hàn Quốc.

Năm 2005, theo thống kê của Bộ Văn hóa và Du lịch Hàn Quốc, đã có khoảng 550.000 khách du lịch đến thăm địa điểm đóng các bộ phim của Hàn Quốc, trong đó phần lớn là khách Nhật Bản và Đài Loan. Đến năm 2011, con sốn này đã là 8,8 triệu người, một con số đáng mơ ước đối với bất kỳ quốc gia nào. Hàn Quốc giờ đây trở thành điểm đến đầu tiên của du khách Trung Quốc, đứng trước cả Hồng Kông và Ma Cao.

Đa phần du khách xem phim, yêu thích bộ phim sẽ mong muốn được trải nghiệm thực tế các bối cảnh trong phim bằng một chuyến du lịch đến tận nơi. Du khách Việt khi đăng ký tour tại TST Tourist thường rất thích một số điểm đến làm bối cảnh những phim nổi tiếng như: Cửu Trại Câu (Trung Quốc); Jeju (Hàn Quốc); Bali (Indonesia), Phuket (Thái Lan)...; trong nước là Ninh Bình, Điện Biên, Hội An...Trưởng phòng Du lịch nước ngoài công ty TST Tourist.

Bộ Du lịch Anh cũng không thể ngờ rằng những bộ phim nổi tiếng lại có thể mang lại nhiều tiền cho du lịch đến thế. Ví dụ như phim Harry Potter, chỉ riêng địa điểm lâu đài Alnwick ở Northumberland (trường của phù thủy và pháp sư) cũng đã làm tăng lượng người đến thăm hơn 120% và mỗi năm mang về cho du lịch gần 10 triệu bảng. Cho nên cuối tháng 3 vừa qua, ở London đã khai trương tour du lịch tham quan trường quay Warner Brothers Leavesden, trường quay bộ phim Harry Potter mới với những bối cảnh thực tế và nhiều đạo cụ từng xuất hiện trong các tập phim về cậu bé phù thủy này. Hiện mỗi ngày khoảng 5.000 người xếp hàng vào xem.

Theo thống kê của BBC thì hiện nay có rất nhiều địa điểm du lịch trở nên nổi tiếng nhờ các bộ phim như Chúa nhẫn, Harry Potter… Hàng trăm ngàn du khách đã đến đảo North And South ở New Zealand với mong muốn được đặt chân trên hành trình tương tự như các nhân vật Frodo Baggins, Gandalf The White trong Chúa Nhẫn, cũng số lượng tương tự đổ đến Sicilia (Italy) để thăm lại ngôi nhà của những bố già, thành phố tội ác và cũng là thành phố cực kỳ nên thơ trong bộ phim Melena. Hồ Jokulsarlon ở Iceland giờ cũng trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng nhờ bộ phim Die Another Day, đền Ta Prohm ở Campuchia cũng đông nghịt khách đến thăm sau thành công của bộ phim Tomb Raider…

Hoa Thiên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm