Vẽ Dế Mèn - Hành trình sáng tạo bất tận

03/10/2020 07:09 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Trong khuôn khổ Lễ trao Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn lần 1 - 2020 vừa tổ chức tại Hà Nội hôm 29/9/2020, họa sĩ Thành Chương đã mang tới bức tranh sơn dầu Hiệp sĩ Dế Mèn để bán đấu giá ủng hộ Giải thưởng.

Được phát triển từ bộ tranh minh họa Dế Mèn phiêu lưu ký, bản in tại Nhật Bản, bức tranh này còn được "phóng tác" thành logo của Giải thưởng. Trên thực tế "Dế Mèn" là một chủ đề lớn của hội họa Việt Nam trong hơn 50 năm qua, và cho đến hôm nay vẫn chưa bao giờ cũ. Dường như có cả một thế hệ mới vẽ Dế Mèn mà họa sĩ trẻ Đậu Đũa là một điển hình.

1. Trong bộ sách Dế Mèn phiêu lưu ký với 12 phiên bản minh họa khác nhau được NXB Kim Đồng phát hành nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà văn Tô Hoài (27/9/1920-27/9/2020), có một ấn phẩm đáng chú ý với phần minh họa của một nữ họa sĩ trẻ lần đầu tiên vẽ thế giới Dế Mèn góc nhìn mới lạ. Đó là họa sĩ Đậu Đũa!

Xuất phát từ ý tưởng vẽ minh họa Dế Mèn phiêu lưu ký từ năm 2014 cho đồ án tốt nghiệp, họa sĩ Đậu Đũa dành 6 năm đồng hành với NXB Kim Đồng để hoàn thiện hơn 100 bức tranh minh họa đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà văn Tô Hoài.

Chú thích ảnh
Họa sĩ trẻ Đậu Đũa (1992)

Họa sĩ Đậu Đũa cho hay: “Đề tài tốt nghiệp của tôi khi đó quy định sinh viên chỉ được phép chọn tác phẩm văn học Việt Nam để vẽ minh họa. Bạn bè xung quanh chọn nhiều tác phẩm văn học kinh điển như: Vợ nhặt, Hai đứa trẻ… Ban đầu, tôi cũng không biết chọn tác phẩm nào. Sau quá trình tìm đọc nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng tại nhà sách, bất chợt thấy cuốn Dế Mèn phiêu lưu ký do họa sĩ Tạ Huy Long vẽ minh họa, tôi đã rất thích cách thể hiện hình tượng Dế Mèn của họa sĩ và quyết định chọn Dế Mèn phiêu lưu ký để minh họa làm đồ án tốt nghiệp”.

“Tôi không thể lường trước được những khó khăn phải trải qua. Điển hình là qua nhiều phác thảo, tôi thật sự không tài nào thoát khỏi cái bóng của họa sĩ Tạ Huy Long khi vẽ Dế Mèn. Vẽ thế nào cũng hao hao giống đến nỗi giáo viên hướng dẫn khi duyệt đã khuyên nên đổi tác phẩm khác vì nghĩ tôi không thể có được tạo hình đột phá so với các họa sĩ đàn anh. Nhưng cuối cùng, sau quá trình tìm tòi, học hỏi và thử nghiệm rất nhiều phong cách vẽ khác nhau, tôi đã có được những hình tượng nhân vật trong thế giới Dế Mèn của riêng mình, thoát khỏi khuôn mẫu của những họa sĩ trước đó” - họa sĩ Đậu Đũa nói.

Chú thích ảnh
Ấn phẩm “Dế Mèn phiêu lưu ký” do Đậu Đũa minh họa, NXB Kim Đồng phát hành nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Tô Hoài. Ảnh: NXB Kim Đồng

Khác với hình ảnh chú dế mèn “trần trụi với thiên nhiên” trong khung cảnh đầm lầy, đồng cỏ trước đó, lần đầu tiên thế giới nhân vật trong Dế Mèn phiêu lưu ký được khoác lên mình những bộ Âu phục lịch lãm, chân đi giày... Yếu tố thể hiện cảm xúc hay hành động của từng tuyến nhân vật đặt trong từng bối cảnh theo nhịp truyện cũng được họa sĩ Đậu Đũa chú trọng khai thác để thể hiện gần hơn, giống với thế giới con người.

Với cách “tạo hình nhân vật qua trang phục và khung cảnh đậm chất trang trí”, họa sĩ Đậu Đũa đã mang đến một góc nhìn mới về thế giới Dế Mèn cho những độc giả đã quá quen với Dế Mèn phiêu lưu ký, đồng thời cũng tạo ra sự tiệm cận với đời sống của độc giả đương đại lần đầu biết và đọc tác phẩm qua một “dáng vẻ” mới nhưng gần gũi.

6 năm một hành trình, vẽ Dế Mèn “từ năm này qua năm khác, mỗi năm vẽ một chút, một chút” đúng thực như một cuộc phiêu lưu, sự yêu thích thực sự kết hợp với óc sáng tạo đầy tính thẩm mỹ hiện đại của người trẻ chính là yếu tố căn cốt để nữ họa sĩ 9X có thể vẽ một thế giới Dế Mèn phiêu lưu ký khác biệt.

Chú thích ảnh
Hơn 100 bức tranh minh họa màu nước “Dế Mèn phiêu lưu ký” được họa sĩ Đậu Đũa vẽ bằng tay kéo dài 6 năm để hoàn thiện

2. Là nữ họa sĩ đầu tiên vẽ minh họa Dế Mèn phiêu lưu ký, với góc nhìn của một họa sĩ trẻ thời hiện đại, Đậu Đũa đã mở ra một thế giới Dế Mèn phiêu lưu ký đúng như NXB Kim Đồng giới thiệu là “một thế giới sắc màu ngọt ngào quyến rũ, vừa xa lạ bí ẩn, vừa kích thích trí tưởng tượng và khát khao cất bước phiêu lưu”.

Thế giới nhân vật Dế Mèn phiêu lưu ký của họa sĩ Đậu Đũa vừa có yếu tố tả thực những loại côn trùng như: Dế Mèn, Dế Trũi, cào cào, bọ muỗm…với đầy đủ các đặc điểm sinh học:Chân cẳng, thân mình, cơ xương, cánh càng…vừa có tính nhân hóa bằng phương pháp tạo hình hóa trang cho những nhân vật qua trang phục hay qua cử chỉ, nét mặt… để thể hiện câu chuyện của thế giới loài người.

Chú thích ảnh
Tạo hình Dế Mèn đầu tiên của họa sĩ Đậu Đũa thực hiện năm 2014 trong đồ án tốt nghiệp

Qua quá trình “khoác áo mới” cho Dế Mèn phiêu lưu ký, họa sĩ Đậu Đũa cũng nghiệm ra rằng: “Vẽ minh họa làm mới tác phẩm văn học kinh điển là một vấn đề nên quan tâm đúng mức, đơn giản là tác phẩm văn học không thay đổi phần nội dung còn phần minh họa có thể thay đổi cho phù hợp với thời điểm, tâm lý tiếp nhận và thị hiếu của độc giả thời hiện đại, để tác phẩm tiếp tục được đón nhận qua năm tháng”.

Có thể nói, phiên bản minh họa Dế Mèn phiêu lưu ký của họa sĩ trẻ Đậu Đũa là sự chuyển mình trong hành trình vẽ Dế Mèn của các họa sĩ đương đại. Một hành trình sáng tạo không biên giới, mới mẻ hơn, hợp thời hơn và đặc biệt là “người hơn”.

Nhiều thế hệ họa sĩ vẽ Dế Mèn

Tên thật: Đậu Thị Ngọc Vinh, sinh năm 1992, với sở trường màu nước, họa sĩ Đậu Đũa nổi tiếng với tác phẩm Trái tim của mẹ (Giải Nhất Samsung KidsTime Author’s Award) và Mỗi ngày 15 phút yêu con.

Kể từ bản dịch tiếng Nga Dế Mèn phiêu lưu ký năm 1959 được vẽ minh họa bởi họa sĩ Ngô Mạnh Lân cho đến nay, hành trình vẽ về thế giới Dế Mèn từ sức gợi trong trang văn Tô Hoài vẫn được tiếp tục và kéo dài qua nhiều thế hệ họa sĩ.

Sau họa sĩ Ngô Mạnh Lân, nhiều họa sĩ minh họa và sáng tác tranh từ Dế Mèn phiêu lưu kýđã để lại dấu ấn đậm nét như: Thành Chương, Ngô Xuân Khôi, Trương Qua...; ở thế hệ họa sĩ mới thể kể đến: Tạ Huy Long, LinhRab… Mỗi họa sĩ minh họa đều tạo ra một phiên bản Dế Mèn khác nhau, phần nhiều là tạo hình thiên về mô phỏng đặc điểm sinh học của côn trùng.

Họa sĩ Tạ Huy Long - người được mệnh danh là “họa sĩ Dế Mèn” với nhiều ấn phẩm vẽ minh họa Dế Mèn cùng nhiều tác phẩm phái sinh lấy hình ảnh Dế Mèn như popup, điêu khắc, video art… cũng từng chia sẻ bí quyết tạo hình nhân vật Dế Mèn của mình, đó chính là “không lên gân”.

"Tôi đã từng trải qua sự lên gân và rồi rất sợ nó. Sau này, khi một số đơn vị đặt vấn đề làm phim 3D về Dế Mèn phiêu lưu ký nhưng với tinh thần của Hollywood, đưa nhân vật lên tầm anh hùng, nhân vật Dế Mèn giống như một võ sĩ giác đấu, mặc rất nhiều giáp... khiến cho tinh thần của chú Dế Mèn đi xa, không còn cái tinh thần bên trong của Dế Mèn như chúng ta từng đọc, từng xem tranh nữa" - họa sĩ Tạ Huy Long chia sẻ trong một cuộc tọa đàm về nghệ thuật truyện tranh.

Chú thích ảnh

Công Bắc

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm