Văn học thời sự đang ở đâu? (Bài kết)

29/07/2011 07:41 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH Cuối tuần) - Giảng viên văn Trần Ngọc Hiếu (ĐH Sư phạm Hà Nội): Văn học thời sự có khả năng ăn khách

Chỉ cần nhớ người ta đã từng xếp hàng mua báo Văn nghệ để đọc những phóng sự chấn động như Cái đêm hôm ấy đêm gì, Người đàn bà quỳ… hay các vở kịch của Lưu Quang Vũ những năm 1980. Tâm lý của số đông người Việt Nam, đến thời điểm này, vẫn kỳ vọng ở văn học như một hình thức “nói hộ” bức xúc của mình. Có lẽ vì thế mà người ta thường chú ý đến khả năng ám chỉ của các tác phẩm văn học dựa trên các sự kiện thời sự.

Nhưng, sức sống của một tác phẩm không thể chỉ dựa vào khả năng quy chiếu của nó với một sự kiện đã xảy ra. Theo quan niệm của tôi, thời sự được hiểu chủ yếu ở khía cạnh tác động đến nhận thức, tình cảm, chạm vào những bức xúc, trăn trở của con người ở thời điểm hiện tại. Nếu hiểu như thế này, ta sẽ thấy dù đã xảy ra cách đây 10 năm, sự kiện 11/9 vẫn là một đề tài thời sự trong văn học Mỹ và một cuốn tiểu thuyết của Dostoevsky, cuốn Lũ người quỷ ám, lấy chất liệu là cuộc Cách mạng tháng Chạp ở Nga thế kỷ XIX, cho đến giờ vẫn có tính thời sự khi nó được đọc trong bối cảnh chủ nghĩa khủng bố.

Tuy nhiên, đối với các sự kiện xảy ra ngay trong đời sống đương đại, thì sự nhạt dần của yếu tố thời sự trong văn học bây giờ là một điều dễ thấy, dễ quan sát, và có

1) Do đặc trưng, có lẽ văn học khác với báo chí ở cách ứng xử với thời sự: nó cần một độ giãn cách, một độ lùi để nghiền ngẫm, đánh giá thông tin chứ không chỉ cung cấp thông tin; cần tư duy độc lập để đánh giá sự kiện chứ không chỉ là tiếng nói hùa theo đám đông; nó nghi ngờ cả điều tưởng chừng như dễ bị coi là hiển nhiên... Chính ở phương diện này, viết về các hiện tượng thời sự đòi hỏi sự can đảm rất lớn của người cầm bút.

2) Văn học là can dự, song nó can dự vào ý thức của con người hơn là hành động. Để có thể can dự vào ý thức xã hội, viết về thời sự cần đến một tư duy phân tích, nghiền ngẫm sâu sắc mạnh mẽ, chứ không chỉ là nương theo cái thời sự, lấy độ nóng của sự kiện làm độ nóng của tác phẩm.

3) Trong hệ thống các thể loại văn học, phóng sự và bút ký là thể loại mà hạt nhân của nó là sự kiện thời sự. Nhưng thể loại này cũng đang suy yếu; phóng sự, bút ký đang bị hút mạnh về phía truyền thông với đặc thù là tốc độ săn tin, kích thích sự hiếu kỳ của dư luận hơn là phân tích thông tin. Và ngay cả trên truyền thông, phóng sự cũng rất nhạt. Một hiện tượng thời sự thường hàm chứa trong đó những xung đột quyền lực (chính trị, văn hóa, truyền thông…). Viết về thời sự lại còn là cuộc đương đầu giữa quyền lực của một cá nhân với những quyền lực của các tập đoàn nữa. Sự nhạt đi của thể loại phóng sự có lẽ cũng có thể lý giải phần nào cho sự nhạt tính thời sự của văn học nói chung.

Nhà thơ, nhà phê bình văn học Inrasara: Văn chương dòng chính né tránh hiện thực 

Việt Nam thiếu truyền thống triết học, là điều miễn bàn. Nhưng nói văn học không bám hiện thực cuộc sống có nguồn cội sâu xa từ sự thiếu khuyết ấy, thì sẽ bị phản đối. Trong khi đó là sự thật.

“Suốt đời tôi không làm gì hơn là đẩy cho đến cùng, cái mà quý vị chỉ dám làm có một nửa… - Dostoevsky nói thế. Còn ở ta: luôn luôn nửa chừng. Tiếp nhận trào lưu lãng mạn, nửa đường đứt gánh. Sáng tác hiện thực, Balzac đẩy sự thể đến cùng để dựng nên Tấn trò đời khổng lồ, ta thì nửa vời để rồi chẳng tới đâu. Chủ nghĩa hiện đại, ở ngoài kia thiên hạ làm nên bao nhiêu kiệt tác, ta cũng nửa vời. Chủ nghĩa hiện thực XHCN, nửa vời - thành “hiện thực phải đạo”. Ngay cả viết về sex, ta không thể có được các tác phẩm sâu thẳm, cao vời và mạnh bạo như Henry Miller, bởi ở đó vẫn cứ nửa vời… Thiếu triết học làm nền tảng, khiến không biết đâu là hiện thực, nhìn hiện thực một chiều, phiến diện, hời hợt, méo mó,…

Viết về đời sống cá nhân, đôi khi còn hiện thực hơn hiện thực phê phán. Một nhân vật thản nhiên suy đồi trên một nền tảng đời sống cũng nói lên một xã hội suy đồi. Tôi nghĩ nếu quá bám sát hiện trạng đời sống, thì nhà văn với nhà báo gộp làm một rồi còn gì? Nhà văn phải lướt trên đời sống một tầng một bậc nào đó, đủ để hình dung và quan sát toàn cảnh - Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.

Xét ở thượng tầng là vậy. Do đó ở hạ tầng xã hội là chuyện thời sự trực tiếp, văn học ta vẫn chưa thể chạm tới tận cùng của sự thể. Văn hóa văn chương ấy ưu ái và khuyến khích tính khái quát, chung chung nên dẫu có đụng đến hiện thực xảy ra trước mắt, nhà văn Việt Nam vẫn cứ mơ hồ, đại khái. Nhà văn không quan sát mọi khía cạnh của hiện thực, phân tích và mổ xẻ chúng tới nơi tới chốn. Từ đó dẫu không có ý né tránh, cũng thành né tránh.

Nhà văn Nguyễn Danh Lam: Giấc mơ con… cũng là thời sự

* Thưa anh, dưới góc độ người cầm bút, “thời sự trực tiếp” trong văn học phải chăng là một định nghĩa khá mơ hồ, cần minh định rõ?

- Thực ra cũng không đến nỗi mơ hồ, khó định nghĩa. Tôi tin, nhìn chung ai cũng hiểu thời sự theo nghĩa “từ điển” nhất của từ này. Song, thời sự có thể là một bản tin trên báo chí, truyền hình. Cũng có thể là nỗi cô đơn trong tâm trạng của một anh chàng nào đó, mà căn nguyên là... bồ anh ta mới lấy chồng Đài Loan, dù trong văn bản không đặt căn nguyên này ở vị trí trung tâm. Hoặc thời sự có thể phảng phất đâu đó trong hình ảnh một đôi mắt đang nhìn về phía biển Đông dậy sóng. Ý tôi là, khi đã được chắt lọc qua ngôn ngữ văn chương, thời sự không nhất thiết phải mang tính báo chí, “chụp hình”, bê nguyên sự kiện ngoài đời vào văn bản...

* Điều này phải chăng là lý do để phần nhiều các cây bút hiện nay né tránh thời sự trực tiếp?

- Tôi nghĩ có mấy căn nguyên. Trải qua một thời đoạn “nghệ thuật minh họa”, người ta “di trú” luôn qua đối cực. Một nguyên nhân khác, những tác phẩm “thời sự trực tiếp” dễ rơi vào... vùng nhạy cảm - tôi không tin một Mảnh đất lắm người nhiều ma mới có thể xuất hiện vào thời điểm này. Nguyên nhân khác nữa, đó là việc nhập khẩu văn hóa dẫn đến ảnh hưởng cách viết lên những người cầm bút hiện nay. Khi đọc các tác phẩm Âu, Mỹ, hoặc “giải nọ giải kia”... người ta chẳng thấy tính “thời sự” ở đâu cả, có chăng cũng chỉ là thời sự ở nước họ. Một nguyên nhân “khác khác” nữa, cũng có thể đề cập, thời sự là vấn đề của “đại tự sự”, của “trung tâm”, mà trào lưu “phân mảnh”, “giải trung tâm” của tinh thần hậu hiện đại không tương thích với nó... Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, tất cả những tác phẩm “thời sự đại cảnh”, từ cổ chí kim, từ “Tây” chí ta, cũng đều được xây dựng từ góc nhìn từng thân phận nhỏ lẻ cả thôi. Natasha, Bezoukhov, Anna Krenina, Raskolnikov, Zhivago, Scarlet O’Hara, Gatsby, Kiều, Chí Phèo - Thị Nở, Tám Bính... đều phóng chiếu thời sự trên mỗi cá thể. Và tôi tin văn học Việt Nam hiện nay cũng vậy, đừng nghĩ, khi người ta viết về thân phận cá nhân - kiểu giấc mơ con, là người ta không viết về thời sự. “Vũ trụ trong vỏ hạt dẻ” vừa mang nghĩa đen, vừa là nghĩa bóng.

* Nhiều người có thể đồng tình với suy nghĩ của anh, nhưng có ý kiến cho rằng thời sự trực tiếp là đề tài khó gặm, khó được xã hội nhĩ thuận?

- Tôi lại nghĩ khác, nếu viết về một vấn đề thời sự, thực sự thời sự, đi đến cùng thời sự... thì sẽ “dễ gặm”, dễ bán, dễ được hưởng ứng. Mảnh đất lắm người nhiều ma, Bến không chồng, Nỗi buồn chiến tranh, các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp... đã bán mãi bán hoài, cả 20 năm nay, mà vẫn tiếp tục được tái bản đấy thôi. 

Như Hà (thực hiện)


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm