Văn hóa gia tộc: Họ hàng nhiều, chung huyết thống bao nhiêu?

13/11/2015 14:16 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Việc Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon đến thăm dòng họ Phan Huy ở Sài Sơn trên tinh thần chung của phương Đông là truy viễn tổ tông. Việc truy viễn tổ tông của gia đình ông Ban Ki Moon cũng thể hiện trong việc em ông cũng đã thăm dòng họ Phan ở Trung Quốc.

Hiện tượng văn hóa cùng nhận đồng tổ tiên giữa các quốc gia láng giềng là chuyện thường xảy ra từ thời cổ đại. Song thời hiện đại, để chứng minh nguồn gốc đòi hỏi những cứ liệu lịch sử chứ không phải chỉ thấy cùng họ là cùng tổ tiên, cùng huyết thống.

Từ câu chuyện ông Ban Ki Moon tới thăm dòng họ Phan Huy ở Sài Sơn, chúng ta thấy vô vàn câu chuyện khác về văn hóa gia tộc trong xã hội hiện đại.


Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon đến thăm dòng họ Phan Huy ở Sài Sơn

TS Trần Trọng Dương: Không phải cứ cùng họ là chung huyết thống

Tìm lại cội nguồn lịch sử gia tộc là phổ niệm văn hóa của toàn xã hội loài người. Ở Việt Nam, văn hóa dòng tộc được quy định bởi tín ngưỡng cúng tổ tiên của người Việt và quan niệm tổ tông công đức Nho giáo.

Tuy cùng giá trị phổ quát là hướng về tổ tiên song ở mỗi quốc gia, mỗi cộng đồng, bối cảnh lịch sử cũng như căn tính cộng đồng tác động khiến văn hóa dòng tộc khác nhau. Ví như Nhật có những dòng quý tộc lâu đời là một chuỗi tiếp biến kỳ lạ của lịch sử Nhật Bản.

Cụ thể, họ chỉ có một dòng họ cai trị suốt chiều dài lịch sử. Các dòng họ quý tộc khác bên cạnh Nhật hoàng cũng giữ vị thế trong xã hội qua nhiều thế hệ mà không bị thay đổi.

Ở Việt Nam, văn hóa dòng tộc chịu những biến thiên vũ bão của lịch sử, chính trị. Mỗi triều đại là một dòng họ. Đi theo dòng họ cầm quyền là nhiều dòng họ khác chung quyền lợi. Xáo trộn chính trị dẫn đến việc văn hóa gia tộc Việt luôn bị biến động và bị đứt gãy.


TS Trần Trọng Dương

Bởi thế, cứ mỗi lần thay đổi triều đại là một lần gia phả của các dòng họ trâm anh thế phiệt bị đứt. Con cháu của các dòng họ này hoặc cải tên, đi biệt xứ; hoặc bị tru di cả dòng tộc. Đây cũng là bài toán khó trong nghiên cứu phả hệ ở Việt Nam.

Trong xã hội hiện đại, ở thế kỷ 20, văn hóa gia tộc ở Việt Nam cũng như gia phả của các dòng họ có phần không được coi trong do những khúc quanh của lịch sử (chiến tranh, phong trào bài phong)… Gần đây, việc truy tìm lại nguồn gốc là xu hướng được trở lại:  Các gia tộc truy tìm dịch lại gia phả xưa, viết tiếp những nhánh mới hay thậm chí viết gia phả mới.

Khía cạnh khác, trong khoảng 15 năm trở lại đây,  nhiều hội đồng gia tộc được thành lập như: họ Trần Việt Nam, họ Phan Việt Nam, họ Nguyễn Việt Nam, họ Mạc Việt Nam… Qua việc thành lập các dòng họ này, những người có cùng họ (về mặt chữ) muốn đi đến thống  nhất về lịch sử, về huyết thống để cố kết cộng đồng thông qua biểu tượng gia tộc.

Song, không phải người họ Trần nào cũng cùng một gốc, cùng huyết thống. Lịch sử như tấm bản đồ cát, nó biến thiên, quanh co và đôi khi không thể tìm được gốc tích. Và mọi chuyện không giản đơn như chúng ta mường tượng rằng cứ cùng họ tức là cùng nguồn gốc, xuất xứ.

Việc tập hợp các người cùng họ để xây dựng cộng đồng gia tộc có chung “bảng vàng” những người con kỳ tài trong lịch sử dân tộc cần phải có căn cứ về khoa học. Nhưng nhiều dòng họ đồng quy bất cứ ai cùng họ về chữ nghĩa là thành gia tộc. Đây là điều đáng quan ngại vì nó tạo ra sự bất ổn trong nhận thức xã hội.

Văn hóa gia tộc phát triển cũng có một mặt trái khác trong việc phân bổ nhân lực lao động. Chúng ta đang ở thế kỷ 21 song nhiều người vẫn tư duy kiểu phong kiến. Nghĩa là, chúng ta cùng một họ, cùng huyết thống, cùng tổ tiên, thì chúng ta sẽ “giúp đỡ” nhau (mà đôi khi sự “giúp đỡ” này không được sòng phẳng trong việc phân bổ nhân sự) để gia tộc mình chiếm lĩnh những địa vị cao trong cộng đồng.

Những biến tướng này của văn hóa gia tộc là thách thức rất lớn trong việc phát triển xã hội.

TS Nguyễn Văn Vịnh (nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội và phát triển): Càng đô thị hóa, quan hệ gia tộc càng mạnh

 Hàng ngàn năm qua, xã hội Việt Nam gồm các cư dân nông nghiệp được kết cấu theo mô hình làng xã. Và ở thời điểm ban đầu, rất nhiều thực thể làng xã chỉ là sự phát triển lên từ một dòng họ, hoặc một vài dòng họ. Bởi thế, mối quan hệ gia tộc là yếu tố cơ bản để kết nối một đơn vị xã hội như làng. Cách tư duy “một giọt màu đào hơn ao nước lã” đến từ đó.

Và trong suốt chiều dài lịch sử, kết cấu gia tộc - cũng như những mối quan hệ phát sinh từ kết cấu ấy - luôn được đề cao, xây dựng, phát triển và trở thành một giá trị rất bền vững của nông thôn Việt Nam cũng như trong nền văn hóa Việt.

Gắn chặt với nó, hương ước dòng họ, và vị trí của các trưởng họ, được coi trọng tối đa. Tới mức, trong một chừng mực nhất định, những hương ước này trở thành nguyên tắc cao nhất để tổ chức và quản lý cộng đồng, giống như câu “phép vua thua lệ làng” mà chúng ta thường nhắc.


TS Nguyễn Văn Vịnh

Được củng cố và giữ gìn, lại cộng hưởng thêm yếu tố tâm linh từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên truyền thống, văn hóa gia tộc đã trở thành một phần bất biến trong suy nghĩ người Việt.

Bởi vậy, dù có thể trải qua nhiều đời, những người tha hương hoặc cư trú ở vùng đất khác vẫn có nhu cầu tìm về với dòng họ chính của mình khi gặp cơ hội. Và, về bản chất, nếu có mối liên hệ với dòng tộc tại quê nhà từ vài trăm năm trước, chuyến đi của ông Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon cũng là điều dễ hiểu và bình thường. Chuyện đó không hề hiếm gặp trong văn hóa Việt, với những con người khác và dòng tộc khác.

Lịch sử phát triển đô thị tại Việt Nam mới chỉ có hơn 100 năm, và không đủ ảnh hưởng nhiều tới văn hóa dòng tộc này. Đa phần, người ta vẫn hướng về dòng tộc, hướng về cố hương, bằng những hình thức uyển chuyển và linh hoạt trong xã hội hiện đại.

Đặc biệt, trong cuộc sống phức tạp và xô bồ tại đô thị, việc có chung một giá trị văn hóa cốt lõi về gốc rễ, về bản quán lại là sự mặc định để người ta có thể rút bớt những yếu tố khác  trong quá trình giao tiếp và đặt lòng tin vào nhau. Đó là lý do để những mối quan hệ theo khái niệm đồng hương, đồng tộc, vẫn bén rễ và phát triển mạnh ở những đô thị lớn. Thậm chí, lại phát triển rất mạnh, như một phương thức để cân bằng.

Tất nhiên, cũng rất nhiều người nói đến mặt trái của văn hóa gia tộc trong cuộc sống hiện đại. Chẳng hạn, nói về thói cục bộ bè phái, nói về sự a dua thiếu cân nhắc, về những kệch cỡm theo kiểu “bắt quàng làm họ” hay xa xỉ lố lăng trong những chuyến đi với tâm lý “áo gấm về làng”.

Tất cả những câu chuyện ấy đều có, nhưng tôi muốn nhìn vấn đề theo hướng khái quát hơn: đó là những tiêu cực phát sinh từ lợi ích nhóm, từ sự hợm hĩnh xa xỉ… và bộc lộ khi đặt vào mối quan hệ dòng tộc - đồng hương. Vậy thôi, chứ không thể đổ hết cho văn hóa gia tộc.

Sơn Tùng - Mỹ Mỹ (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm