Từ 'ăn' và những biến thể đồng nghĩa

21/10/2020 06:48 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - "Ăn" là một từ cơ bản trong kho từ vựng tiếng Việt. Nó cũng là 1 trong một số từ ít ỏi trong tiếng Việt có những biểu hiện rất đa dạng trong giao tiếp.

 

Chữ và nghĩa: 'Cân hơi', 'cân móc hàm' - hiểu theo dân gian

Chữ và nghĩa: 'Cân hơi', 'cân móc hàm' - hiểu theo dân gian

Vừa rồi, nhân tình hình giá cả thịt lợn trên thị trường lên xuống thất thường, có một bạn sinh viên hỏi tôi: Thưa thầy, xưa nay em vẫn hiểu “cân móc hàm” tức là móc cái cân vào hàm con lợn để giết thịt phải không ạ?

“Từ điển tiếng Việt” (Hoàng Phê chủ biên, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020) phân xuất từ "ăn" ra 14 nghĩa vị (nét nghĩa). Nhưng có một nét nghĩa chính (nghĩa 1), liên quan tới hoạt động thường xuyên, quen thuộc, thoả mãn một nhu cầu tối cần thiết của con người:

"ăn đg. 1. tự cho vào cơ thể thức nuôi sống (VD: Bé đã biết xúc cơm ăn; Lợn đã bỏ ăn mấy hôm nay; Ăn có nhai, nói có nghĩ - tục ngữ)".

Đó là nghĩa gốc, mang tính trung hòa, tức không nghiêng về một sắc thái thể hiện ý chủ quan của người nói. Tuy nhiên, trong cuộc sống, người ta lại cần có những từ tương đương mang sắc thái biểu cảm, tức là những từ đồng nghĩa được dùng theo các phong cách chức năng khác nhau.

Có một từ rất cổ, liên quan tới ăn: ngự thiện. Trong tác phẩm "Đêm hội Long Trì", Nguyễn Huy Tưởng viết: "Chiều hôm ấy, Chúa, Tuyên phi và Thế tử cùng ngự thiện trên lầu". Ngự thiện là từ Hán Việt, chỉ sử dụng khi nói về các vua chúa dùng cơm trong cung đình. Rõ ràng, đây là một từ có sắc thái trang trọng độc nhất. Bởi với các bậc vua thuộc hàng thiên tử, người ta không thể dùng từ một cách tầm thường hay suồng sã được.

Khi có khách đến nhà, dọn cơm ra, người Việt ta thường nói: "Xin mời bác xơi tạm bữa cơm dưa muối với nhà em ạ". “Mời ông/bà, bố/mẹ... xơi cơm” là lời mời của những người ít tuổi, thuộc hàng dưới (con, cháu) trong gia đình trước khi ăn. Xơi ở đây cũng dùng với nghĩa trang trọng. Nhưng cũng có lúc, tùy ngữ cảnh mà "xơi' chuyển trạng thái nghĩa không được hay: "Thôi, ông xơi cho nhanh cho tôi còn dọn", "Chỉ mấy năm mà hắn đã xơi tái mấy mẫu ruộng của dân" v.v…

“Chén” là từ được dùng không ít khi nói chuyện ăn uống. "Này, vào đây chén món này xong rồi hẵng đi!", "Món khoai tây hầm ngon quá, cả hội chén một mạch hết bay cả nồi"; "Chén ba bát bún giả cầy/ Ông nằm "kéo gỗ" cả ngày chưa thôi.", v.v… Từ “chén” thường dùng trong bối cảnh nói năng dân dã, thân mật.

 

Chú thích ảnh

 

Trẻ em còn nhỏ, thường được người lớn nựng ăn bằng từ “măm”. "Con ngoan, mẹ cho măm măm nào!" Đôi khi, người lớn cũng "măm" ra trò chứ cứ gì lũ trẻ: "Hai ta cùng măm cho hết món này nhé!" v.v…

“Đớp, hốc, tọng” là những từ mang sắc thái không hay. Đớp vốn là từ chỉ động tác "há miêng ngoạm nhanh lấy (một cái gì đó)" (ví dụ: Cá đớp mồi; Con cóc nằm nép bờ ao/ Lăm le lại muốn đớp sao trên trời). Nhưng “đớp” trong bối cảnh dùng một cách thông tục thì mang hàm nghĩa xấu, coi thường, khinh miệt (ví dụ: Nó thì làm ăn có ra gì, chỉ có đớp là giỏi thôi; Cái bọn ấy, suốt ngày cổ xúy cho "chủ nghĩa đớp"). Cũng vậy, ai đó được gán cho từ “hốc” cũng chẳng vẻ vang gì (ví dụ: Cứ hốc cho lắm vào rồi chết vì miếng ăn). Còn “tọng” thì đúng là một kiểu "ăn một cách thô tục, tham lam, chỉ cốt sao được nhiều" (ví dụ: Hắn vục mặt xuống, cứ thế tọng cho đầy cái dạ dày; Có tọng cho nhanh không đến giờ đi rồi đấy!) v.v…

 

Còn có những từ "ăn" dùng theo phương ngữ nữa đấy. “Nhá” là một ví dụ. Dân tình đang bàn tán nhiều về từ "nhá" này trong sách giáo khoa “Tiếng Việt” lớp 1 gần đây. “Từ điển tiếng Việt” (đã dẫn) không cho "nhá" là phương ngữ, mà giải nghĩa theo hướng khác biệt về nét nghĩa: "nhá đg. nhai kỹ cho giập, cho nát [thường vật dai, cứng, khó ăn]". Vậy câu nói "nhá cỏ" nếu có bị phê phán thì không phải là dùng từ địa phương mà chính là dùng không phù hợp (bởi nó không tương đương với từ "ăn" về nét nghĩa chính). Cỏ thì hơi dai, nhưng chả cứng, chả khó ăn chút nào. Thỏ “nhá cỏ” không đồng nghĩa hoàn toàn với “ăn cỏ”.

Như vậy, qua phân tích ta thấy các từ có nghĩa tương đương với từ "ăn" là khá nhiều. Nó là các biến thể sử dụng trong các bối cảnh khác nhau. Đó chính là các giá trị mang tính ngữ dụng cần thiết được dùng trong các tình huống khác nhau.

Ôi chao! Chỉ một từ "ăn"

Xem ra ngữ nghĩa có phần "lôi thôi"

Biết bao cung bậc cuộc đời

Nếu biết sử dụng đúng thời sẽ hay.

PGS-TS PHẠM VĂN TÌNH

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm