Tiểu thuyết 'The Hive' bị so sánh với '50 sắc thái'

15/06/2013 13:55 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - “Tôi hơi lo khi người ta so sánh sách của mình với Fifty Shades (tựa Việt là “50 sắc thái”) mặc dù trong sách của tôi chẳng có tí sex nào” -  theo Gill Hornby, tác giả của The Hive, cuốn tiểu thuyết tiêu biểu cho xu hướng văn học mới dành cho phái nữ.

The Hive (tạm dịch: Tổ ong) là tiểu thuyết đầu tay của nhà văn, nhà báo người Anh Gill Hornby, hiện là tác phẩm văn học mới đáng chú ý nhất ở Anh. Cuốn sách có mặt trong danh sách 10 tiểu thuyết bán chạy nhất nước Anh ngay tuần đầu ra mắt (từ ngày 23/5).

Độc giả nữ không còn thích đọc “chick lit”

Thành tích đó khiến báo chí so sánh The Hive với bộ tiểu thuyết khiêu dâm Fifty Shades của E.L. James năm ngoái. Tờ Independent gọi The Hive là “Fifty Shades của năm 2013”. Nhưng đó là cách so sánh rất khập khiễng. Hai cuốn sách, ngoài việc đều do một tác giả nữ viết ra và đều bán chạy thì hầu như không có điểm nào khác tương đồng. Quan trọng nhất, The Hive hoàn toàn không phải sách khiêu dâm.

Sau Fifty Shades, giới xuất bản đã cố gắng đoán xu hướng đọc tiếp theo sẽ là gì. Và họ nhận thấy phụ nữ không còn mê mẩn sách chick lit viết về tình yêu kiểu nhẹ nhàng hài hước nữa (từ “chick lit” thường được dùng để chỉ dòng văn học mang tính nữ, thường viết về những vấn đề của phụ nữ trẻ tuổi trong một không gian văn hóa hiện đại, được thể hiện với một giọng văn nhẹ nhàng, hài hước pha trộn những tình huống lãng mạn, mang tính giải trí cao). Giờ đây, họ muốn đọc những tác phẩm sâu sắc hơn, kể về những va chạm phức tạp giữa phụ nữ và cuộc sống.

Tác giả Gill Hornby

Trước Hornby thì J.K. Rowling, tác giả nổi tiếng của Harry Potter, cũng đã chọn chủ đề này cho cuốn tiểu thuyết dành cho người lớn đầu tiên của bà - The Casual Vacancy (đã được xuất bản ở Việt Nam với tên Khoảng trống).

Nếu so sánh thì giữa The HiveThe Casual Vacancy có nhiều điểm tương đồng hơn: nhân vật chính là phái nữ, bối cảnh thị trấn nhỏ nước Anh, đời sống gia đình, cuộc sống đời thường của những con người rất bình thường. Hơn thế, cả hai tác phẩm đều do những ngòi bút khéo léo và thông minh viết ra.

Tác giả Gill Hornby bất ngờ đến sửng sốt trước thành công của cuốn sách đầu tay. “Ban đầu tôi tưởng là mình sẽ chỉ giành được một hợp đồng xuất bản trị giá 5 bảng Anh” - bà nói. Nhưng The Hive đã thu hút sự chú ý rất lớn, được xem như một tác phẩm tiêu biểu cho thấy gu đọc của phụ nữ, đối tượng độc giả chính của tiểu thuyết, đã thay đổi đến mức nào.

Tác giả văn học mới nổi bật nhất trong năm 2013

Hornby được nhà xuất bản uy tín Little, Brown giới thiệu là “tác giả mới nổi bật nhất trong năm 2013”. Còn hãng phim nghệ thuật Focus Features thuộc NBCUniversal đã nhanh tay mua bản quyền làm phim ngay từ trước khi cuốn The Hive ra mắt.

Còn Hornby là một gương mặt không hề mới đối với ngành xuất bản (khác với E.L. James là gương mặt hoàn toàn mới). Bà là vợ của nhà văn Robert Harris, người có những tác phẩm bán chạy như EnigmaArchangel. Anh trai của bà chính là nhà văn Nick Hornby, tác giả tiểu thuyết Fever Pitch (đã được chuyển thể thành phim có Drew Barrymore đóng).

Bản thân Hornby là một nhà báo quen thuộc của tờ Daily Telegraph cho đến trước năm 2010, cho biết bà tạo nên các nhân vật trong The Hive dựa trên cuốn sách năm 2002 của tác giả Rosalind Wiseman có tên Queen Bees And Wannabes (Ong chúa và những cô nàng muốn trở thành ong chúa).

Hornby mất 2 năm để viết cuốn sách nhưng ý tưởng và câu chuyện đã ở trong đầu bà rất lâu. “Tôi luôn quan tâm đến cuộc sống của phụ nữ và trẻ em gái xung quanh nhưng quá bận rộn nên đến bây giờ mới đưa họ vào sách” – nhà văn nói với Reuters. “Cuốn sách lấy bối cảnh trường học nhưng thực sự nó nói về phụ nữ và những mối quan hệ của họ, về đời sống gia đình”.

Khi phụ nữ tranh giành quyền lực

The Hive lấy bối cảnh một ngôi trường hư cấu có tên là St. Ambrose Primary, thuộc một thị trấn nông thôn của nước Anh. Chuyện bắt đầu khi trường có một hiệu trưởng mới, ông phát động các phụ huynh học sinh gây quỹ để xây thư viện trường.

Trong số các bà mẹ, Beatrice là người nổi tiếng nhất (được mệnh danh “Queen Bee” - ong chúa) và dẫn dắt cuộc gây quỹ, còn Heather là một đối thủ và đang cố giành lấy vị trí quyền lực của Beatrice. Trong khi đó, giữa các bà mẹ khác cũng xảy ra tranh cãi vì quyền lợi, thói đố kị và tự mãn. Những rắc rối đó khiến công việc chung của hội phụ huynh gặp trục trặc.

Mượn một bối cảnh cực kỳ quen thuộc - trường học - để viết về mối quan hệ giữa phái nữ, tác giả Hornby đã không chọn nhân vật là những nữ sinh mới lớn mà gần như là chính họ nhưng già hơn, khi đã là những bà mẹ. Ở độ tuổi đó, họ phải đối mặt với những mối quan hệ tan vỡ, chứng trầm cảm và nỗi sợ bệnh tật, nghiêm trọng hơn nhiều so với các cô gái mới lớn.

The Hive không phải là một tự truyện cũng như không viết ra để trả thù ai đó. Tôi chỉ là một người quan sát đầy tò mò mà thôi” – Hornby nói. Hiện, nhà văn đang viết tiếp cuốn tiểu thuyết thứ hai về một nhóm phụ nữ khác sống trong cùng một thị trấn.

Hiện, rất nhiều quốc gia đã mua bản quyền để dịch và xuất bản The Hive, một cú sốc khác đối với tác giả, vì theo bà cuốn sách “quá đậm chất Anh”.

My Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm