Thư EURO: Ngày trùng phùng trên đất Đức

09/07/2016 10:21 GMT+7 | Euro 2020

(Thethaovanhoa.vn) - Trước trận bán kết Pháp gặp Đức, chúng tôi nảy ý định sang Đức xem không khí bóng đá bên này ra sao? Vậy là một cái nhấp chuột đặt vé, rồi lên đường.

1. Khi hai cậu cháu tôi ôm nhau ở sân bay Fluchanfen Berling- Schonefeld, đấy là một khoảnh khắc khó tả. Nước mắt không rơi, thay cho niềm vui trùng phùng, chế ngự mọi xúc cảm. Có lẽ không thể ngờ, một ngày, hai cậu cháu lại gặp nhau tại Đức, trong một buổi chiều nắng vàng rực rỡ, tươi sáng như tương lai của cháu.

Ngọc Anh, con chị gái tôi học đại học Thể dục Thể thao Đà Nẵng. Ra trường, nán lại thành phố đáng sống để xin việc. Cu cậu mất 3 năm, làm tất cả những việc nặng nhọc để chờ cơ hội trụ lại nơi này nhưng không thể. Anh chị tôi ở quê, cứ nghĩ xin việc đơn giản, thúc bách cậu. Tôi, và nhiều chiến hữu đã vận dụng mọi cách, nhưng kỳ lạ, không thể tìm một chốn khá khẩm cho cháu dung thân.

Không thể chờ nổi, anh chị đã dỗi hờn cậu, lôi quý tử về, cấp tiền cho cháu học tiếng Đức. Đồng thời, nhờ người bạn thân thuở học cấp 3, đang ở Đức, tìm đường cho Ngọc Anh du học. Một năm dùi mài đèn sách tại Hà Nội, đến ngày phỏng vấn, hai “đồng chí người Đức” đặt câu hỏi bâng quơ: “Theo cậu, ăn gì để cho cơ thể khỏe mạnh và có cơ bắp?”. Ngọc Anh huyên thuyên trả lời nào trứng, thịt bò, thịt gà…, và câu cuối chốt: tôi cũng thường ăn thịt chó, rất bổ! Hai anh thầy người Đức mặt tím lại, lạnh lùng bảo cậu về đi, rớt.

“Cháu có biết ngoài phụ nữ, trẻ em, người già, người Đức yêu động vật như mèo, chó đến mức hơn cả đàn ông đâu cậu”. Cái giá của câu nói đó bằng một năm Ngọc Anh phải về nhà cày ruộng, chờ đợt thi năm sau.

Ngày Ngọc Anh có giấy gọi trúng tuyển, cả nhà vui mừng. Hôm nay đón cậu còn có bố vợ cháu, anh Thắng. Anh Thắng ngày xưa sau khi giải ngũ, được suất xuất khẩu lao động sang Đông Đức. Đấy là một dĩ vãng đầy khổ cực trong hành trình tạo dựng sự nghiệp ở một mảnh đất lịch sử còn rối bời. Phải hai mươi năm sau, anh Thắng mới có giấy tờ hợp pháp. Bức tường Berlin sụp đổ, nước Đức thống nhất đã mở ra nhiều cơ hội cho người Việt.

Anh Thắng vốn cần cù, thông minh, nên đã lao vào kinh doanh. Giờ đây đã là một đại gia nức tiếng ở thành phố cổ Strausberg. Anh Thắng có 3 cô con gái, đều hiền lành, nết na như những nàng thôn nữ Việt. Thương bạn thân, lại quý Ngọc Anh trong một chuyến về thăm quê hương, Anh Thắng đã gợi ý cho cháu sang du học, anh lo tất. Một ngày anh Thắng gọi Ngọc Anh lại và nói thẳng: “Tiền bạc bố đã không thiếu, chỉ thiếu người tâm phúc. Cũng đã kén chọn nhiều, nhưng quả thực bố quý con. Vậy, con hãy suy nghĩ thật kỹ, xem Quỳnh Trang thế nào, bố gả cho đấy”.

2. Ngọc Anh là đứa đầy lòng tự trọng. Đến mức thời ở Đà Nẵng, cậu cho tiền luôn bị từ chối. Mời đến nhà ăn cơm, nó cũng ngại.

Ở quê, cả nhà xôn xao. Cuối cùng, Ngọc Anh và gia đình đồng ý bởi không thể có ai tốt như anh Thắng. Một lễ ăn hỏi nhẹ nhàng tại thành phố Strausberg, cô cả Quỳnh Trang và chàng rể tay trong tay hạnh phúc. Trang vừa tốt nghiệp loại xuất sắc Đại học luật và kinh tế Berlinh. Cả trường chỉ có cháu được chọn lên bảo vệ luận văn. Nhìn cô cháu dâu xinh đẹp, tình cảm, tôi linh cảm đây là một người phụ nữ tốt mà Ngọc Anh có thể trao gửi niềm tin.

Anh Thắng cho hai vợ chồng một căn hộ khá lớn, chuẩn bị mua xe ô tô. Cho vợ chồng tham gia quản lý một cửa hàng hoa và spa của gia đình. Anh cũng lo xong giấy tờ ở lại Đức hợp pháp cho con rể. Anh bảo, nếu dân thường thì lo giấy này phải mất hơn một tỷ đồng, mà có tiền chưa chắc đã làm được. Đến anh đây phải 20 năm mới có giấy tờ hợp pháp, thằng con rể này là một trong ít người Việt ở Đức may mắn nhất.

Có giấy tờ, Ngọc Anh giờ đây đã có thể đi làm kiếm tiền. Những ngày trước, dù thương cậu nhưng gia đình anh Thắng không thể bố trí công việc, vì nếu bị phát hiện lao động chui thì bị trục xuất về nước, chủ bị phạt lần đầu lên tới 50 nghìn euro (tương đương 1,2 tỷ đồng), đóng cửa 3 tháng.

Tôi nâng li rượu “thay mặt nhà nội” kính chúc anh Thắng và vợ, chị Lam một li, cảm ơn và nhờ anh chị, gia đình dạy giỗ Ngọc Anh cho thành người tốt. Tôi cũng chúc hai vợ chồng cháu đầu bạc, răng long, hãy trân quý mối tình mà duyên số sắp đặt một cách lạ lùng này.

Tôi có một đêm ngủ ngon như chính ngôi nhà của mình. Tỉnh dậy, ánh nắng ban mai ùa qua cửa sổ đầy hương thơm của hoa hồng từ ngôi vườn xinh tuyệt trần. Trên cành cây cổ thụ, một đôi vợ chồng chim sếu đang bón thức ăn cho con, mấy con chim non kêu ríu rít há cái mỏ xinh xinh. Anh Thắng kể một ngày hè lâu lắm rồi, đôi sếu này bay về đây làm tổ. Mỗi năm chỉ về đây một lần sinh sản, tháng 8 lại bay đi. Chính quyền địa phương đã đến theo dõi xem chủ nhân có làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của gia đình sếu hay không. Nếu có, sẽ phạt rất nặng.

Cả nhà đã đi làm. Ngọc Anh loay hoay nấu thức ăn cho cậu. Ngoài kia, phố cổ trầm ngâm như đang lắng nghe câu chuyện của chúng tôi. Ngọc Anh ơi, cháu cũng như con sếu thiên di từ mảnh đất chữ S xa xôi, và may mắn đã gặp một tổ ấm đúng nghĩa nơi xứ người. Tôi mỉm cười hạnh phúc và dặn đi dặn lại Ngọc Anh hãy sống cho thật tốt, để xứng với những tấm nhân hậu của Quỳnh Trang, cũng như gia đình anh Thắng, chị Lam.

Tinh thần Đức

Strausberg là thành phố cổ nhưng không khí bóng đá nơi đây rất huyên náo. Người Đức khá mê bóng đá, nhưng phải nói thẳng họ tinh thần dân tộc quá cao, chỉ chú trọng coi những trận có Đức thi đấu, còn lại bàng quan những đội bóng nước khác.

Hôm nay cả nhà chuẩn bị xem bóng đá bằng một bữa tiệc thịnh soạn đậm phong vị Việt Nam do Ngọc Anh và Quỳnh Trang vào bếp. Có cả thịt dê bóp, canh măng gà, gà luộc chấm muối lá chanh, cà pháo, rau muống, gỏi xu hào… Thêm bố con anh Quế đồng hương, và dì Sơn (em ruột chị Lam) đến xem.

Cả nhà đều đứng về nước Đức, với sự cổ vũ nhiệt thành. Men rượu ngấm vào thì không khí xem bóng đá càng hăng hái hơn. Đức thua, ai cũng buồn xo. Tuy nhiên, ngay cả đến khi Đức bị ghi bàn thắng thứ 2 thì cả nhà vẫn tin tưởng “cỗ xe tăng” sẽ vùng lên xoay chuyển tình thế. Họ tin tinh thần, bản lĩnh Đức sẽ vượt qua khó khăn.

Cùng xem trận Bán kết giữa Đức gặp Pháp với gia đình anh Thắng chị Lam tại thành phố Strausberg

Vừa xem, ai cũng ấm ức trọng tài. “Tay trọng tài này bắt lếu láo quá, Đức thua là do trọng tài. Ai lại để một người Ý điều hành trận đấu khi trước đó Đức đã loại Ý ở Tứ kết”, anh Quế ôm đầu rên rỉ.

Cô con gái út, Anna Quynh Truc Nguyen như sắp khóc, khi tiếng còi của trọng tài kết thúc. “Em yêu đội tuyển Đức vô cùng. Đến lúc này vẫn không tin được Đức lại thua dễ dàng như thế. Có lẽ là do kém may mắn, đội của em đá hay hơn mà”.

Đúng lúc này thì một anh chàng người Đức bước vào, trên má vẽ cờ Đức, gương mặt buồn xo. Tim Kersten là người yêu của Quỳnh Chi (con gái thứ hai của anh Thắng). “Tôi buồn lắm, đói bụng lắm. Tôi thấy Pháp thắng không thuyết phục. Tôi thấy vọng về kết quả trận đấu. Nước Đức thua nhưng chúng tôi vẫn vô địch”. Cả nhà động viên xúm lại động viên chàng Tim Kersten hiền như cục đất, vô cùng hồn nhiên này.


Hữu Quý (Từ Strausberg, Đức)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm