Tại sao nhiều VĐV Olympic dùng giày không có nhãn hiệu?

06/08/2016 05:48 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Băng dính, bút dạ, áo thun, hay thậm chí là cả màu vẽ có thể sẽ làm biến mất đi những biểu tượng thương hiệu của các hãng thể thao khổng lồ trên đồ thi đấu của các vận động viên Olympic, đặc biệt trong bộ môn điền kinh.

Giày chạy vốn nhiều mục đích sử dụng khác nhau: Giúp cho vận động viên chạy tốt, và hơn nữa là quảng cáo cho các nhãn đồ thể thao. Nhưng một số vận động viên không muốn cả thế giới nhìn thấy biểu tượng thương hiệu trên những chiếc giày của họ, hoặc là họ bị cấm làm vậy bởi chính các nhà tài trợ nếu sử dụng quần áo đấu của nhãn hiệu khác.

Lý do “ngụy trang”

Mặc dù những vận động viên điền kinh Mỹ ở Rio lần này phải mặc đồng phục mang biểu tượng quen thuộc của Nike, nhà tài trợ chính thức, nhưng họ vẫn được lựa chọn thoải mái những đôi giày của mình ở các nhãn hàng khác.

Ví dụ Jeremy Taiwo, vận động viên thi chạy 10 môn phối hợp đến từ Seattle, sẽ đi tới 8 đôi giày trong 10 môn thi đấu anh tham gia. Mỗi đôi giày có một ý nghĩa riêng. Nhà tài trợ giày chính của Taiwo là Brooks, nhưng hãng này không muốn thiết kế ra những đôi giày cho các môn nhảy và ném. Taiwo có kế hoạch sử dụng những đôi giày của các hãng Nike, Adidas và Asics. Để có thể che đi nhãn hiệu của các hãng đối thủ này, anh dự định sẽ dùng tới băng dính, trang phục có độ đàn hồi cao và vải được thiết kế với độ bóng hợp lý.

“Xét về khía cạnh thể thao, bạn cần phải có những đôi giày phù hợp cho các mục tiêu của bạn. Và cuối cùng, bạn phải thực hiện tốt những gì cần làm để được trả tiền. Thế nên những đôi giày của bạn có trọng trách rất lớn”, Taiwo chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại trước khi lên đường tới Rio de Janeiro.

Việc “ngụy trang”này chứng tỏ sức mạnh của ngành công nghiệp giày dép thể thao toàn cầu ước tính có giá trị lên đến 75 tỷ đô la Mỹ. Các vận động viên sẽ bị giám sát chặt chẽ những gì họ mặc còn các luật sư thì cũng sẽ có một mùa Rio khá là bận rộn. Mặc dù vẫn chưa rõ bao nhiêu vận động viên sẽ phải ngụy trang giày dép ở Olympic Rio nhưng ở những buổi tập, người ta đã có thể chiêm ngưỡng sự đa dạng của những đôi giày được “biến hóa” sáng tạo.

Những vận động viên không có nhà tài trợ giày cũng sẽ không muốn quảng cáo miễn phí cho một nhãn hiệu nào đó nên hẳn họ cũng sẽ muốn che đi biểu tượng thương hiệu như một sự báo hiệu rằng “tôi vẫn mở cửa chào đón quảng cáo”. Một số các vận động viên khác phải “ngụy trang” giày vì họ đang chuyển từ thương hiệu này sang thương hiệu khác. Còn một số khác chỉ đơn giản là không hài lòng với những đôi giày từ nhà tài trợ của họ.

Nhiều tranh cãi

Thỉnh thoảng, những thương hiệu giày cũng cho phép các vận động viên đi hàng của hãng khác nhưng buộc phải che biểu tượng đi. Nhiều tranh cãi gay gắt đã xuất hiện. Trong một sự cố lớn năm 2013, Nike đã rút lời đề nghị hợp đồng với người giữ kỷ lục Mỹ môn nhảy sào, Brad Walker, sau khi anh này dán băng dính lên đôi giày của mình và che đi biểu tượng. Sau đó, Walker đã chia sẻ ngay lên Facebook của mình rằng anh không cố ý che đi biểu tượng Nike mà đơn giản muốn “cố định đôi giày trong khoảng thời gian 6 tháng”. Nike không giải thích tại sao đề nghị hợp đồng bị hủy bỏ, mà chỉ nói rằng Walker đã “không xử lý sự cố kịp thời”.

Mike Hazle, nhà vô địch môn ném gậy Mỹ 2011, thì cho biết những đôi giày của Nike thường quá chật đối với mình, khiến cho móng chân anh bị gãy và cả bàn chân trở lên đông cứng. Bởi vậy mà trong nhiều năm, Hazle đã luôn mượn giày của Asics và Li-Ning, một công ty Trung Quốc từ một người đồng hương cũng là vận động viên ném gậy. Anh đã che đi những biểu tượng thương hiệu bằng băng dính và băng đeo cổ tay.

Điều này vốn không phải là vấn đề trầm trọng cho đến khi anh giành chức vô địch Mỹ và một bức ảnh của anh được đăng lên Track & Field: Chân trái của anh khi đang nhảy lên ném đã để lộ ra biểu tượng của Li-Ning bên mặt trái chiếc giày. Lúc đó, Nike đã rất không hài lòng và đã bổ sung điều khoản trong hợp đồng với Hazle năm 2012 để anh không thể ký kết với những hãng giày khác, giá trị rơi vào khoảng 10 ngàn đô la Mỹ.

“Thật là không may nếu ai đó trả tiền cho bạn để bạn dùng đồ của họ nhưng mà những thứ đồ ấy không có lợi cho bạn”, Hazle chia sẻ. Nike thì không bình luận gì về những bản hợp đồng nhưng kỳ vọng rằng tất cả những vận động viên được họ tài trợ “sẽ luôn luôn sử dụng đồ của Nike trừ khi có những thỏa thuận ngoại lệ được sự đồng thuận của cả 2 phía”.

Những vận động viên chạy nước rút, nhảy sào, nhảy vượt rào… không hề nhận lương hàng năm từ các đội tuyển của họ như những cầu thủ bóng đá hay bóng rổ chuyên nghiệp. Thay vào đó, nguồn thu nhập của họ dựa chủ yếu vào tiền thưởng và những bản hợp đồng với các nhãn hiệu giày và các nhà tài trợ khác. Các công ty may mặc, đặc biệt là Nike, có ảnh hưởng rất lớn đến việc này.

Carl Lewis, người từng 9 lần giành HCV Olympic, đã gắn bó một thời gian dài với Nike cho biết việc ngụy trang giày trong những kỳ thể thao lớn nói lên vấn đề thực sự của tính chuyên nghiệp trong điền kinh. “Tại sao chúng ta quá phụ thuộc vào những hãng giày?”, Lewis băn khoăn.  

Một vài vận động viên khác thì nói rằng che đi biểu tượng của một nhà tài trợ là thiếu tôn trọng. “Nếu như họ trả tiền cho chúng tôi, ít nhất chúng tôi phải làm được cái điều để tôn trọng những đồng đô la của họ”, Wallace Spearmon, vận động viên chạy nước rút 200 mét, một “con cưng” cũ của Nike, chia sẻ.

Nhưng cũng có những người chả phải đi theo luật lệ nào vì đơn giản không có hãng giày nào tài trợ cho họ. Như Johnny Dutch của Mỹ là người chạy nhanh nhất thế giới ở nội dung 400 mét năm nay đã không hề có nhà tài trợ giày trong 3 năm qua kể từ khi Nike kết thúc hợp đồng với anh. Tại kỳ chạy thử ở Eugene, Ore hồi tháng 7, vận động viên người Hà Lan đã đi những chiếc giày được ngụy trang để che đi biểu tượng của Nike và 2 nhãn hàng khác.

Usain Bolt: Làm giàu từ quảng cáo

Những nhà vô địch nước rút như Usain Bolt của Jamaica là siêu sao toàn cầu, được tài trợ bởi Puma, kiếm 32,5 triệu đô một năm, trong đó có tới 30 triệu là từ tiền quảng cáo. Những vận động viên thành công khác nhưng không nổi danh có thể chỉ nhận được từ 10 ngàn tới 25 ngàn đô một năm. Một sự chênh lệch quá lớn!

Nike tài trợ, đi giày adidas

Một trong những ngoại lệ nổi bật nhất đã xuất hiện vào năm ngoái. Đó là Christian Taylor, người đã giành huy chương vàng môn nhảy ba bước ở Olympic 2012 và ký kết hợp đồng với Nike năm 2015. Anh này được phép đi giày của adidas tại giải vô địch điền kinh ở Bắc Kinh vì lúc đó Nike đang chỉnh sửa lại những đôi giày cho anh. Tại Olympic năm nay, Taylor tiếp tục là ứng cử viên nặng ký cho HCV, và anh đang đi giày Nike. Hai ứng cử viên huy chương ở bộ môn nhảy cao là Mutaz Essa Barshim của Qatar và Derek Drouin của Canada đều được Nike cho phép đi giày của những thương hiệu khác nhưng phải che đi biểu tượng thương hiệu.

Taylor ký hợp đồng với Nike nhưng dùng giày adidas tại Bắc Kinh năm ngoái

“Như bất kỳ vận động viên nào, chúng tôi cũng đang làm việc để đến gần với họ hơn, để hiểu họ hơn và để đem lại cho họ những đôi giày tốt nhất. Những đôi giày của chúng tôi không có vấn đề gì cả, nó chỉ là chuyện cá nhân của những vận động viên muốn sử dụng giày hãng khác”, Charline Brooks, người phát ngôn của Nike, chia sẻ trong một bức thư điện tử.


Yến Nhi
Thể thao & Văn hóa

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm