Super League: Khi Người hâm mộ bị lãng quên

20/04/2021 18:49 GMT+7 | Champions League

(Thethaovanhoa.vn) - Super League đang chiến đấu pháp lý với UEFA và FIFA nhưng họ dường như đã không tính đến những làn sóng phản đối đến từ người hâm mộ.

Super League: Cập nhật những diễn biến mới nhất

Super League: Cập nhật những diễn biến mới nhất

Super League vẫn đang là chủ đề tốn nhiều giấy mực nhất hôm nay. Những diễn biến mới nhất của vụ việc này, cùng phản ứng của những bên liên quan sẽ được Thể thao & Văn hóa cập nhật liên tục tại đây.

Pháp lý không phải vấn đề

Khi chính thức công bố về Super League, những người sáng lập giải đấu đã nhắc nhiều đến "tầm nhìn chiến lược" để mang lại "lợi ích cho toàn bộ các đội bóng trong tháp bóng đá châu Âu". UEFA và FIFA đã đưa ra những cảnh báo về rủi ro nếu các đội bóng vẫn cố tổ chức Super League. Tuy nhiên, Chủ tịch Super League, ông Florentino Perez, không hề tỏ ra lo lắng.

"Chúng tôi sẽ giúp bóng đá ở mọi cấp độ và đưa nó đến đúng vị trí của nó trên thế giới. Bóng đá là môn thể thao toàn cầu duy nhất trên thế giới có hơn 4 tỷ người hâm mộ và trách nhiệm của chúng tôi như các CLB lớn là để đáp ứng mong muốn của họ", ông Perez chia sẻ.

Chú thích ảnh
Ông Perez khẳng định Super League được tạo ra để "cứu bóng đá"

Theo chuyên gia về luật thi đấu thể thao Mark Orth của MEOlaw, có trụ sở tại Munich, nhận định khả năng Super League giành chiến thắng trong cuộc chiến pháp lý là cao. Tuy nhiên, có một cuộc chiến mà Super League đang thua và chưa thấy nhiều dấu hiệu tích để có thể xoay chiều. Đó là cuộc chiến tình cảm với người hâm mộ, những người mà theo ông Perez nói là Super League được tạo ra để đáp ứng mong muốn của họ.

Cuộc chiến với người hâm mộ

CĐV của MU gọi quyết định tham gia Super League là "Đề xuất không thể chấp nhận được". Trong khi đó, CĐV của Arsenal gọi điều này là "Cái chết của bóng đá". Ngay kể cả CĐV của Man City, đội bóng thường xuyên bạo chi trên thị trường chuyển nhượng, cũng phải nhận xét rằng giải đấu Super League được "tạo ra bởi lòng tham". 

Điểm nhấn nổi bật nhất nếu Super League được diễn ra lại là những vấn đề liên quan đến lợi nhuận tài chính. Theo báo chí Anh đưa tin, Super League đang đàm phán với nhiều nền tảng, kênh truyền thông. Nếu mọi chuyện thuận lợi, lợi nhuận của Super League có thể gấp đôi Champions League hiện tại.

Super League đang hứng chịu nhiều chỉ trích nhưng rõ ràng ông chủ của các đội bóng không quan tâm điều đó. Họ hiểu rằng, dù thù địch thế nào, những CĐV nhiệt thành cũng vẫn theo dõi những trận đấu có sự góp mặt của đội bóng yêu thích. Điều đó sẽ thu hút các nhãn hàng tài trợ. Tất cả đồng nghĩa với lợi ích tài chính. Đó thực sự là điều Super League và những đội bóng sáng lập đáng hướng tới chứ không phải những giáo điều như ông Perez hay Woodward nói trước đây.

Chú thích ảnh
CĐV Liverpool phản đối việc gia nhập Super League của đội bóng

Đại dịch Covid-19 đã cho bóng đá và xã hội thấy nhiều điều. Với việc các CĐV không thể tới sân, các doanh thu thương mại của CLB không còn nữa. Dù chỉ bị tác động bởi Covid-19 trong 3 tháng nhưng Premier League đã chịu tổn thất lên tới hơn 1 tỷ bảng. Điều thực sự giữ các đội bóng vẫn trụ lại tới hiện nay là tiền bản quyền truyền hình.

Dĩ nhiên, người hâm mộ sẽ quay trở lại sân khi hết dịch. Các doanh thu thương mại sẽ trở lại với các CLB. Tuy nhiên phải thừa nhận rằng, tiền bản quyền truyền hình đủ sức để giúp các CLB tồn tại, nếu một ngày không còn CĐV nào tới sân nữa.

Florentino Perez hay nhà Glazer đều là những người "làm" bóng đá nhiều năm. Chưa kể, ông chủ của Arsenal và Liverpool đều là những người Mỹ am hiểu cách vận hành nhượng quyền thương mại. Đối với họ, bóng đá có thể đam mê, sở thích nhưng lợi nhuận là điều không thể bỏ qua.

Quý Dậu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm