Super League “chết yểu” là tất yếu

21/04/2021 21:26 GMT+7 | Champions League

(Thethaovanhoa.vn) - Super League không thể diễn ra. Nó là hệ quả tất yếu của mô hình bóng đá bất khả thi nếu áp dụng với nền bóng đá của châu Âu.

MU: Ed Woodward đã tự đưa mình lên giá treo cổ sau dự án Super League

MU: Ed Woodward đã tự đưa mình lên giá treo cổ sau dự án Super League

Các CĐV của MU sẽ nhớ về Ed Wooward với hình ảnh của một vị Phó chủ tịch điều hành thích vung tiền mua sắm nhưng gặt hái được ít thành công.

1. Stan Kroenke, John Henry và gia đình nhà Glazer đã ý thức được việc nuôi mộng tham gia Super League không thể khả thi. Các đội bóng mà họ sở hữu đều đang chơi bóng ở Anh và tất nhiên, môi trường bóng đá châu Âu thì khó có thể đi theo con đường của Bắc Mĩ.

Nhà Glazer sở hữu MU, Stan Kroenke là ông chủ của Arsenal trong khi John Henry nắm trong tay Liverpool. Cả 3 đều đến từ Mỹ, nơi mà mô hình Super League ở môn bóng rổ dưới tên gọi là NBA trở thành một hướng đi nhận được nhiều sự ủng hộ từ các CLB, các vận động viên cho tới người hâm mộ. Mô hình này giúp các CLB bóng rổ nhà nghề Mỹ kiếm rất nhiều tiền và thay vì phải chia quá nhiều cho các bên khác, họ nhận phần nhiều hơn về mình.

Chính vì thế, ngay khi nhận được lời mời từ phía Florentino Perez, chủ tịch của Real Madrid, cũng là người đưa ra ý tưởng lập nên một Super League của bóng đá châu Âu, 3 ông chủ người Mỹ ngay lập tức gật đầu. Không chỉ họ, các ông chủ của Chelsea, Man City hay Tottenham cũng muốn đi theo mô hình mới. Với 6 CLB lớn nhất, giàu nhất của bóng đá Anh cùng đồng thuận tham gia Super League, Perez mạnh mẽ tuyên bố Super League ra đời, bởi ông còn có sự đồng ý từ phía Juventus, Milan, Barcelona, Inter và Atletico Madrid.

Super League, Super League bị hoãn, Super League tạm hoãn, 6 đội bóng Anh rút lui, MU, Man City, Arsenal, Chelsea, Liverpool, bong da hom nay, chủ tịch Real, NBA
6 CLB của Anh rút khỏi Super League khiến cho giải đấu này chết yểu

2. Trong bài phát biểu hôm 20/4, một ngày sau tuyên bố công khai thành lập Super League, Florentino Perez phát biểu trước báo giới. Một bài phát biểu dài, nhưng đại ý của nó là có 2 ý chính, một là Super League sẽ cứu bóng đá trong 20 năm và hai là, các CLB dự Super League vẫn được đá Champions League dựa trên các ràng buộc pháp lý.

Tuy nhiên, sau bài phát biểu dài của Perez, người ta không khó để nhận ra mục đích chính của Super League vẫn là cố gắng chia lại miếng bánh tiền béo bở mà từ trước tới nay, dưới sự điều hành của UEFA, họ chỉ nhận là bên được nhận chứ không phải là bên được chia. Vì vậy, Super League được coi là giải đấu sẽ giúp các CLB “nhận được những gì họ đáng được nhận”.

“Chúng tôi đã muốn lập ra Super League và Covid-19 khiến việc này trở nên cấp thiết vì hiện tất cả các CLB đều bị thiệt hại tài chính. Các đội bóng lớn đá với nhau sẽ làm cho các trận đấu trở nên hấp dẫn. Giá tiền bản quyền truyền hình sẽ tăng lên. Các đội kiếm được nhiều tiền hơn. Chúng tôi lập ra giải đấu này không chỉ vì lợi ích của các CLB giàu có mà chúng tôi muốn cứu cả nền bóng đá thế giới trong lúc đang nguy kịch”, trích một đoạn trong bài phát biểu của Perez.

3. Đúng là Covid-19 khiến cả nền bóng đá châu Âu nói riêng và bóng đá thế giới nói chung bị thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho vấn đề tài chính để nói rằng bóng đá châu Âu cần một cuộc cách mạng mà nếu xảy ra, nó sẽ kéo theo một cuộc hỗn loạn thực sự trong lòng bóng đá của lục địa già.

Cần phải nhấn mạnh, để rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính như hiện tại, chính các CLB lớn của châu Âu mới là những bên chịu trách nhiệm cao nhất. 10 năm qua, giá trị chuyển nhượng cầu thủ tăng lên chóng mặt. 100 triệu euro chỉ được coi là một mức phí bình thường đối với cầu thủ đã có thương hiệu và sao số. Mức lương 10-15 triệu euro/mùa không còn là một con số bất bình thường đối với các cầu thủ. Những triệu euro chảy vào túi người đại diện của các cầu thủ là những khoản hoa hồng khủng sau mỗi vụ mua bán thành công. Chính những hoạt động tài chính bất bình thường này đã khiến bóng đá châu Âu rơi vào những cơn khủng hoảng, điêu đứng vì tài chính.

Câu hỏi đặt ra là thay vì nuôi mộng thành lập Super League, các CLB không chịu ngồi lại với nhau, bàn bạc và đi đến thống nhất về việc thiếp lập một trật tự tài chính trong mỗi thị trường chuyển nhượng thông qua việc bình ổn giá cầu thủ, tiền lương cũng như chiết khấu hoa hồng cho người đại diện. Đó mới là cái cách họ cần phải làm khi mà Super League cuối cùng đã phải chết yểu ngay ở thời điểm mới hình thành. Đã đến lúc các CLB phải hạ bớt lòng tham, giảm sự ích kỉ để đi đến thống nhất về một cuộc chơi công bằng, đoàn kết, đưa bóng đá châu Âu tiến về phía trước.

T.Giáp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm