Sử Việt đọc chậm (kỳ 4): Đôi điều về thân thế Hưng Đạo Đại vương

29/06/2020 20:10 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Sử ta chép Hưng Đạo Đại vương mất tháng 8 năm Canh Tý (1300), nhưng không thấy ghi chép ngài thọ bao nhiêu tuổi. Nghĩa là năm sinh của ngài chưa xác định được.

Sử Việt đọc chậm (kỳ 3): Quyền lực hậu cung

Sử Việt đọc chậm (kỳ 3): Quyền lực hậu cung

Triều nhà Lý có 2 sự kiện truyền ngôi báu khá ly kỳ. Một là Anh Tông phế Thái tử Long Xưởng mà truyền ngôi cho con thứ là Long Trát. Hai là Huệ Tông truyền ngôi cho con gái. Cả 2 sự việc này đều có liên quan đến hậu cung, khiến hậu thế phải luận bàn.

Các nguồn tư liệu cũng không thống nhất được vấn đề năm sinh này mà đưa ra các suy đoán khác nhau, từ 1225, 1226... đến 1232 và thậm chí còn cho rằng ông sinh sau năm 1237 (thời điểm Thuận Thiên công chúa vợ của Trần Liễu bị ép gả cho Trần Thái Tông). Phần đa số thì cho rằng Trần Hưng Đạo sinh năm 1232, dựa trên năm sinh của Trần Tung (được cho là anh trai ông) là 1230.

Để khoanh vùng vấn đề này, chúng ta cần xem xét mối tương quan với một số nhân vật như Trần Liễu, Trần Tung, Thuận Thiên công chúa... và một vài mốc thời gian được ghi chép lại trong sử.

Mẫu thân của Trần Quốc Tuấn

Vấn đề này tương đối rõ ràng, nhưng vẫn nhiều người còn nhầm lẫn mà cho rằng Trần Quốc Tuấn là con của Thuận Thiên công chúa khi bà còn là vợ của Trần Liễu.

Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Kỷ Hợi (1299) mùa Xuân, tháng 4, ngày 12, xuống chiếu cấm chữ húy của Khâm Minh Đại vương và Thiện Đạo quốc mẫu (Khâm Minh tên húy là Liễu, Thiện Đạo tên húy là Nguyệt; Thiện Đạo là phu nhân của Liễu) khi làm văn không được dùng. Các chữ Ngụy, Thấp, Nam, Càn, Tô, Tuấn, Anh, Tảng khi làm văn phải viết bớt nét. Nhà Trần kiêng tên húy họ ngoại bắt đầu từ đây”.

Vậy thì trong mối quan hệ lằng nhằng của nhà Trần, ta thấy Trần Quốc Tuấn là con của bà Thiện Đạo quốc mẫu, tên húy là Nguyệt, chứ không phải con của bà Thuận Thiên Công chúa, húy là Oanh (Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Giáp Ngọ (1294). Mùa Xuân tháng 2, ngày mồng 7 ban bố các chữ quốc húy... Hiển Từ Hoàng hậu là Oanh...”).

Nói một cách đơn giản thì nhẽ ra Quốc Tuấn chỉ là con dòng thứ (Trần Liễu lấy Công chúa nhà Lý thì bất kể bà Thiện Đạo lấy trước hay lấy sau thì đều không được làm chính thê), nhưng bởi Thuận Thiên Công chúa bị tước đoạt khỏi Trần Liễu mà đem gả cho Trần Thái Tông, nên vị thế của Quốc Tuấn trong gia tộc Trần Liễu được nâng lên đáng kể.

Chú thích ảnh
Tượng đài Trần Hưng Đạo tại Nam Định

Trần Tung và Trần Quốc Tuấn

Các sử gia vẫn dựa vào sách Tuệ Trung thượng sĩ hành trạng của Trần Nhân Tông, trong đó chép Trần (Quốc) Tung là “đệ nhất tử - 第一子” của Trần Liễu, để từ đó giải thích rằng “đệ nhất tử” chứ không phải trưởng tử (cũng gọi là đích trưởng tử, đích tử).

Ở đây ta phải hiểu rõ một số khái niệm như sau: Đích tử: con dòng chính; thứ tử: con dòng thứ; đích trưởng tử: con lớn nhất dòng đích. Đích trưởng tử nếu không bị tật hoặc không mắc lỗi bị truất thì sẽ là người kế hậu của cha; thứ trưởng tử: con lớn nhất dòng thứ, nếu dòng đích không có con trai hoặc có con trai mà bị tật hoặc bị truất thì thứ trưởng tử mới được lập làm người kế hậu của cha.

Lập luận trên dẫn đến: 1. Trần Tung chỉ là con lớn nhất chứ không phải con trưởng - tức là con của bà Thuận Thiên; 2. Trần Tung là anh em cùng mẹ với Quốc Tuấn (cùng là con bà Thiện Đạo) và do là “đệ nhất tử” nên Trần Tung lớn tuổi hơn Quốc Tuấn. Do Trần Tung sinh năm 1230 (vì chưa có thông tin nào khác mâu thuẫn, chúng ta tạm tin vào những gì trích từ Tuệ Trung thượng sĩ hành trạng) nên Quốc Tuấn không thể sinh trước năm ấy được.

Tuy nhiên, lập luận này không đúng. Thứ nhất: “đệ nhất tử - 第一子” chính xác là cách gọi khác của đích trưởng tử. Đại Minh hội điển - quyển 55 viết: “郡王嫡第一子、封长子。长子嫡第一子、封长孙 - Quận vương đích đệ nhất tử, phong Trưởng tử. Trưởng tử đích đệ nhất tử, phong Trưởng tôn - nghĩa là Đệ nhất tử của Quận vương thì phong làm Trưởng tử, Đệ nhất tử của Trưởng tử thì phong làm Trưởng tôn”. Như vậy rõ ràng với việc phong trưởng tử, trưởng tôn làm người kế hậu tước Quận vương, thì đệ nhất tử chính là chỉ người con lớn dòng đích.

Xét theo lẽ ấy thì cũng rất có thể Trần Tung là con của bà Thuận Thiên Công chúa, là anh em cùng mẹ với Vũ Thành Vương Doãn, người vào năm Bính Thìn (1256) đã đem cả nhà trốn sang Tống vì mâu thuẫn với Trần Thánh Tông.

Thứ hai: Với việc bà Thuận Thiên Công chúa được đem gả cho Trần Thái Tông thì vị trí của bà Thiện Đạo quốc mẫu trong gia đình Trần Liễu được nâng lên làm chính thê. Bằng chứng chính là việc được phong danh hiệu Quốc mẫu. Do vậy mà dòng đích của Trần Liễu không cách nào phân định được là dòng Thuận Thiên hay dòng Thiện Đạo, đồng thời cái cách gọi “đệ nhất tử” theo ý nghĩa đích trưởng tử này lại chẳng chứng tỏ được mẹ của Trần Tung là bà nào cả. Cũng từ đó mà ta càng không thể kết luận giữa Trần Tung và Quốc Tuấn, ai lớn tuổi hơn ai. Trường hợp Trần Tung là con bà Thuận Thiên và đã được lập làm trưởng tử, còn Quốc Tuấn tuy lớn hơn nhưng là con bà Thiện Đạo, hoàn toàn có thể xảy ra.

Chú thích ảnh
Đền Kiếp Bạc - một trong những ngôi đền nổi tiếng thờ Hưng Đạo Đại vương

Sự kiện năm Tân Hợi

Việc Quốc Tuấn cướp dâu xảy ra vào tháng 2 năm Tân Hợi (1251), 2 tháng sau thì An Sinh Vương Liễu mất. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Lúc sắp mất, An Sinh cầm tay Quốc Tuấn giối giăng rằng: Con không vì cha lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được”.

Bấy giờ, Trần Tung 21 tuổi. Nếu giả định Trần Tung là anh của Quốc Tuấn, nghĩa là khi Trần Liễu mất, Quốc Tuấn chỉ độ 18 - 20 tuổi. Sẽ thực không hợp lý khi người cha tuyệt vọng trước lúc mất lại trăn trối cho người con thứ, mà bỏ qua người con trưởng. Dẫu sao thì Tuệ Trung Thượng sĩ Trần Tung cũng là người tài giỏi, ông 2 lần tham gia cuộc chiến chống quân Nguyên, và là thầy truyền đạo của Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Với 2 sự kiện xảy ở năm Tân Hợi, cá nhân tôi cho rằng Trần Quốc Tuấn phải lớn tuổi hơn Trần Tung và là con dòng thứ. Do Trần Tung là con bà Thuận Thiên Công chúa nên được lập là trưởng. Cũng vì có quan hệ mẫu tử với bà Thuận Thiên, nay đã là Hiển Từ Thuận Thiên Hoàng thái hậu, cho nên Trần Liễu di ngôn lại cho người con thứ lớn tuổi hơn, về việc đòi lại ngôi báu cho chi tộc của mình.

Tước vương triều Trần

Nhà Trần không định rõ cách gọi vương hiệu là Quốc vương, Quận vương mà dùng Đại vương và Vương. Đoán chừng như Đại vương tương đương với Quốc vương (dưới Hoàng đế), còn Vương tương đương với Quận vương.

Liên quan đến vương tước này, Đại Việt sử ký toàn thư có một đoạn chép nhầm gây lẫn lộn cho người đọc sử.

“Bính Tuất (1226)... Mùa Hạ, tháng 5, phong em là Nhật Kiểu làm Khâm Thiên Đại vương (khi ấy mới 2 tuổi)”.

Rồi tới: “Mậu Tý (1228)... Mùa Xuân, tháng Giêng, phong Khâm Thiên vương Nhật Kiểu làm Quận vương”.

Độc giả khó lòng hiểu Quận vương là ở thứ bậc nào trong vương tước, Nhật Kiểu đang là Đại vương mà lại trở thành Vương, rồi lại gia phong Quận vương là ý làm sao?

Khâm định Việt sử thông giám cương mục ý thức được sự nhầm lẫn này bèn sửa lại: “Bính Tuất (1226)... Tháng 5, mùa Hạ. Phong cho em là Nhật Kiểu tước Quận vương. Nhật Kiểu bấy giờ mới 2 tuổi, vì là em cùng mẹ với nhà vua, nên được phong tước Quận vương”.

Và tới sau: “Mậu Tý, năm thứ tư [1228]... Tháng Giêng, mùa Xuân. Gia phong Nhật Kiểu làm Khâm Thiên đại vương”.

Theo Khâm Định Việt sử thông giám cương mục thì năm Bính Tý, Nhật Kiểu được phong Khâm Thiên vương, điều này hợp với tước gọi của ông trong Đại Việt sử ký toàn thư ở năm 1228. Tới năm 1228, từ Khâm Thiên vương thăng làm Khâm Thiên Đại vương chứ không phải Quận vương.

Về tước vương thời nhà Trần, Đại Việt sử ký toàn thư chép việc ở đời Trần Thái Tông: “Hoàng tử thứ ba Quang Khải sinh, là em cùng mẹ với Thái tử Hoảng. Quốc Khang là anh trưởng, sau đều phong Đại vương. Thứ đến Nhật Vĩnh, Ích Tắc, Chiêu Văn, đều phong Vương. Thứ nữa thì phong Thượng vị hầu. Con trưởng của các Vương thì phong Vương, các con thứ thì phong Thượng vị hầu, coi đó là chế độ lâu dài”.

Sang tới đời Trần Thánh Tông thì có lệ: “Cháu 3 đời được phong tước Hầu hay Quận vương, cháu 4 đời được ban tước Minh tự, cháu 5 đời ban tước Thượng phẩm” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Án chiếu với đoạn chép đời Trần Thái Tông, thì cũng chính là con của các Vương, tức cháu 3 đời của vua, con trưởng được phong Quận vương, con thứ phong Hầu. Như vậy Quận vương cũng chính là tước Vương. Sau này Vương thăng lên Đại vương đồng nghĩa với từ Quận vương thăng lên Quốc vương.

(Còn tiếp)

Tô Như

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm