Sau 40 năm, phụ nữ Iran mới được xem bóng đá

11/10/2019 18:03 GMT+7 | Thế giới Sao

(Thethaovanhoa.vn) - Trong trận đấu vòng loại World Cup 2022 giữa Iran và Campuchia, có một khoảnh khắc đáng nhớ trong lịch sử Iran: lần đầu tiên sau 40 năm phụ nữ Iran được phép hiện diện tại sân vận động để cổ vũ cho các nam cầu thủ.

Vùi dập Campuchia tới 14-0, Iran tạo ra trận đấu khủng khiếp nhất trong lịch sử

Vùi dập Campuchia tới 14-0, Iran tạo ra trận đấu khủng khiếp nhất trong lịch sử

Iran đã có trận đấu đáng nhớ trên sân Azadi Stadium ở vòng loại World Cup 2020, thắng Campuchia tới 14-0 trước sự chứng kiến của hàng ngàn cổ động viên nữ trên khán đài.

Ở nhiều quốc gia trên thế giới, chuyện phái đẹp đến sân rất đỗi bình thường. Nhưng với một quốc gia hồi giáo như Iran, đó lại là một sự kiện đáng ăn mừng.

Khoảnh khắc lịch sử

Ký giả James Montague tiết lộ trên kênh CNN: “Đó là một khoảnh khắc lịch sử cho bóng đá Iran, cũng như với phụ nữ Iran, những người phản đối sự phân biệt đối xử bất chấp nguy cơ bị bắt và giam giữ ở nhà tù Evin, nhà tù nổi tiếng chuyên dành cho các tù nhân chính trị ở thủ đô Tehran”.

Vị ký giả này nhớ lại: “Mọi con mắt đang đổ dồn về thủ đô của Iran cho một sự kiện đặc biệt như thế này. Tôi từng có mặt ở Tehran năm ngoái khi 30 phụ nữ Iran bị bắt bên ngoài sân. Hôm đó, Chủ tịch FIFA Gianni Infantino cũng có mặt để chứng kiến một trận bóng đá ở Tehran. Tất cả đều biết rõ vấn đề đó tại Iran. Có tất cả 3.500 vé đã được bán ra dành cho phái đẹp, nhưng chắc chắn còn đó rất nhiều phụ nữ khác đứng bên ngoài và tìm cách hiện diện trên sân bóng. Tình hình rõ ràng đang thay đổi và chưa ai biết điều gì xảy ra tiếp theo. Điều tự hào lớn nhất là phụ nữ Iran được chứng kiến đội tuyển bóng đá nước mình thi đấu lần đầu tiên sau 40 năm”.

Thật ra việc cấm phụ nữ đến các sân vận động không được chính thức hóa thành luật, nhưng được thi hành không lâu sau cuộc Cách mạng hồi giáo 1979. Chủ tịch FIFA Infantino cho rằng “luật bất thành văn” này không thể chấp nhận được, và yêu cầu chính quyền Iran gỡ bỏ trước thềm trận đấu tiếp theo của đội tuyển Iran ở vòng loại World Cup 2022.

Chú thích ảnh
Phụ nữ Iran giờ đã được tới sân xem bóng đá

Sức ép từ FIFA

Theo thông tin từ hãng thông tấn Fars, sẽ có 150 nữ cảnh sát làm nhiệm vụ ngăn cách khu vực ngồi giữa các nam và nữ cổ động viên bóng đá. Một số bức ảnh ở các trạng mạng xã hội cho thấy có một hàng rào bao quanh khu vực dành cho các nữ cổ động viên. Những tiến bộ này rõ ràng đáng được ghi nhận, nhưng Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) vẫn lo ngại có đến 4.600 phụ nữ ở Iran đang bị phân biệt đối xử, lừa dối và bị đe dọa đến tính mạng: Khi được hỏi liệu 5% chỗ ngồi trên sân bóng ở Tehran dành cho phụ nữ có phải là tỷ lệ thích hợp, một đại diện của FIFA tiết lộ với CNN: “Quan điểm của FIFA liên quan đến việc phụ nữ được quyền tiếp cận các sân vận động ở Iran rất rõ ràng: Họ phải được cho phép vào sân trong bất cứ trận bóng đá nào”.

Trong những tháng gần đây, FIFA đã gây sức ép với Iran nói chung và Liên đoàn bóng đá Iran nói riêng trong việc dỡ bỏ lệnh cấm phụ nữ đến sân, nhất là sau cái chết của Sahar Khodayari, một nữ cổ động viên đã tự thiêu sau khi bị từ chối có mặt ở một sân bóng tại thủ đô Tehran hôm 9/9 vừa qua. Hôm thứ Ba vừa qua, những người dùng mạng xã hội Twitter ở Iran đã bắt đầu kêu gọi sử dụng hashtag #WakeupFIFA trong các bài viết của mình, nhằm thúc giục Liên đoàn bóng đá nước này cho phép thêm nhiều nữ cổ động viên được vào sân, không chỉ là trong trận đấu với Campuchia vừa qua.

Dẫu sao, sự hiện diện của các bóng hồng yêu bóng đá ở thủ đô Tehran là một tín hiệu đáng khích lệ với một đất nước khá hà khắc như Iran.

Đức Hùng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm