Sáng tạo từ đường sắt

05/11/2019 07:06 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Đã gần một tháng trôi qua từ thời điểm “cà phê đường tàu” ở khu vực phố Phùng Hưng của Hà Nội bị dẹp bỏ. Cần phải nhấn mạnh rằng, việc dẹp bỏ này là hoàn toàn đúng đắn và không thể nhân nhượng vì sự an toàn của tuyến đường sắt. Nhưng cũng khá tình cờ, chỉ vài tuần sau khi dẹp bỏ chuỗi cửa hàng ấy, chúng ta đón nhận một tin vui: Hà Nội chính thức được UNESCO ghi danh vào mạng lưới các thành phố sáng tạo trên thế giới.

Hà Nội ra quân giải tán 'xóm cà phê đường tàu'

Hà Nội ra quân giải tán 'xóm cà phê đường tàu'

Sáng 10/10, các lực lượng chức năng của TP Hà Nội ra quân xử lý giải tán "xóm cà phê đường tàu" trên phố Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm).

Hai sự kiện này liệu có liên quan tới nhau, khi mà với nhiều người, “cà phê đường tàu” cũng là một sáng tạo của cộng đồng về không gian - cho dù, sự sáng tạo ấy đã vượt qua quy định của luật an toàn đường sắt, gây nguy hiểm đến tính mạng của nhiều người? Cần phải nhìn nhận hai việc này như thế nào?

Thực tế, trong thời gian hoạt động, “cà phê đường tàu” từng thu hút nhiều du khách nước ngoài, thậm chí còn xuất hiện trên National Geographic Traveler - một tạp chí du lịch quốc tế khá uy tín. Có nghĩa, tự thân, mô hình ấy đã có những giá trị và sức hút riêng của mình. Tất nhiên là khi chưa xét đến sự mất an toàn do vi phạm hành lang đường sắt.

Sức hút ấy trước hết thuộc về một không gian đặc biệt với mặt đường nhỏ và dài hun hút, ở giữa là tuyến đường sắt trăm tuổi chạy xuyên qua Hà Nội. Và, khi những bức tường nhà 2 bên đường tàu - vốn rất nhem nhuốc – được quét dọn và trang trí bằng những bức bích họa đủ sắc màu cộng cùng những họa tiết gợi nhớ... thời bao cấp, cả không gian này bỗng được “đánh thức”: vừa đậm màu hoài cổ, vừa đầy ắp sự xô bồ của cuộc sống đời thường.

Chú thích ảnh
“Cà phê đường tàu” từng thu hút nhiều du khách nước ngoài. Ảnh: Vietnam+

Để rồi, dù việc dẹp bỏ chuỗi dịch vụ này là tất yếu – nếu xét theo những quy định về hành lang an toàn đường sắt - thì nhiều người vẫn không khỏi nuối tiếc về hiệu ứng mà “cà phê đường tàu” để lại. Nhất là khi, mô hình ấy lại hoàn toàn tự phát và đi lên từ sự cộng hưởng của cộng đồng. Nó không khỏi gợi tới một so sánh:  nhiều điểm đến khác của Hà Nội dù được quy hoạch và đầu tư khá công phu nhưng lại vẫn chưa thể hút khách theo dự kiến.

***

Nhìn rộng ra, rất nhiều kiến trúc cũ (thậm chí là xấu, bẩn)  như “cà phê đường tàu” vẫn có thể “lột xác” nếu có một cách tiếp cận phù hợp để đánh thức phần lõi giá trị của chúng: những dấu tích, kỷ niệm, văn hóa sống… của một đô thị và cộng đồng đi kèm.

Thậm chí, ở mức phát triển cao hơn, chúng còn hứa hẹn tiềm năng để trở thành những “không gian sáng tạo” –  một khái niệm đang khá phổ biến tại Hà Nội. Vắn tắt, đó có thể là một phòng tranh, một hệ thống quán cà phê, một cụm cửa hàng… để cộng đồng những người “sáng tạo” cùng chủ động kết nối, trao đổi và  tạo điều kiện cho sự sáng tạo nảy nở. Mô hình Zone 9, phát triển từ khu nhà kho của một công ty dược phẩm cũ và từng “nổi đình đám” cách đây dăm năm là một ví dụ.

Và, chỉ riêng với… đường tàu trăm tuổi của Hà Nội, chúng ta cũng không thiếu những ý tưởng và đề xuất gắn với việc “đánh thức” không gian ấy.

Ít người biết, từ hơn chục năm trước, khi nghe tới việc quy hoạch lại hệ thống đường sắt trong thành phố, một nhóm các họa sĩ tại Hà Nội đã rất hào hứng đề nghị: nếu di dời ga Hà Nội ra khu vực khác, phần nhà ga hiện nay cần được bảo tồn và cải tạo thành Bảo tàng mỹ thuật đương đại Việt Nam – giống như mô hình bảo tàng Orsay nổi tiếng tại Paris.

Rồi, cũng từ hơn chục năm nay, KTS Nguyễn Nga luôn được dư luận biết đến với kế hoạch cải tạo cây cầu đường sắt Long Biên thành một bảo tàng nghệ thuật đương đại với lồng kính, đầu máy hơi nước cổ để trưng bày và những quán cà phê ngoài trời. Hoặc, giản dị hơn, khi giành giải nhất trong một cuộc thi do hội đồng Anh tổ chức, KTS Lại Thành Tín từng có ý tưởng dùng ánh sáng để “đánh thức” cầu Long Biên vào mỗi cuối tuần, với việc sử dụng hệ thống đèn chiếu để tái hiện những vòm cầu từng bị mất đi trong quá khứ.

Nút thắt lớn nhất của những ý tưởng ấy chính là việc Hà Nội cần sớm xây dựng một tuyến đường sắt mới – vốn đã có trong quy hoạch – để “giải phóng”  tuyến đường cũ khỏi chức năng giao thông hiện nay và “nhường” chỗ cho sự sáng tạo.

Có thể được thực hiện hoặc không, nhưng chừng đó ý tưởng và đề xuất là đủ để gợi cho chúng ta nghĩ về cách ứng xử với tuyến đường sắt hiện tại của Hà Nội trong tương lai: “đánh thức”, thay vì xóa bỏ nó khi một tuyến đường sắt hiện đại khác mọc lên.

Và cũng cần phải nhắc lại là, trong khi tuyến đường sắt hiện tại vẫn phải gánh trọng trách của mình là những chuyến tàu, thì những sự “sáng tạo” như “cà phê đường tàu” là vượt quá giới hạn cho phép, và không thể để cho tồn tại được.

Anh Bảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm