Roger Federer: Sinh ra để dành cho sân cỏ

29/06/2020 16:19 GMT+7 | Tennis

(Thethaovanhoa.vn) - Khi Roger Federer gác vợt 3-6, 0-6 trước Byron Black ở giải Fever-Tree Championship 1999, có lẽ ít người nghĩ rằng chàng trai trẻ 18 tuổi này sẽ là một huyền thoại trên mặt sân cỏ. Thực tế đã chứng minh điều ngược lại…

Nếu Federer và Nadal làm như Djokovic...

Nếu Federer và Nadal làm như Djokovic...

Trong vài ngày qua, rất nhiều lời chỉ trích trút vào Novak Djokovic, chỉ vì cây vợt người Serbia đã tổ chức Adria Tour mà không chú ý đến các biện pháp phòng chống an toàn và các quy định về giãn cách xã hội...

Federer ra mắt ATP Tour từ tháng 7/1998, tại giải Gstaad Open ở quê nhà Thụy Sĩ, khi anh chưa đầy 17 tuổi. Nhưng phải đến 1 năm sau, anh mới ra mắt trên mặt sân cỏ khi góp mặt ở Fever-Tree Championship – một tên gọi khác của Queen’s Club hồi ấy. Và đó là một khởi đầu đầy khó khăn, khi anh thua chóng vánh trước Black, tay vợt khá vô danh, và thực tế không giành được bất cứ danh hiệu nào trên mặt sân cỏ.

Bước ngoặt từ kỳ tích trước Sampras

Nhưng cũng chính mặt sân cỏ là nơi Federer ghi dấu ấn đặc biệt với người hâm mộ quần vợt. Hai năm sau đó, anh gây sốc khi quật ngã tay vợt số một thế giới Pete Sampras ở vòng 4 Wimbledon 2001. Đó thực sự là một cơn địa chấn bởi huyền thoại người Mỹ đã vô địch ở 7/8 Wimbledon trước đó. Trái lại, Federer khi ấy chưa hề thắng nổi một trận ở All England Club. Tại Wimbledon 1999 và 2000, tay vợt trẻ người Thụy Sĩ đều thua ngay từ vòng một.

“Tôi đã thua một tay vợt đầy tài năng, với khả năng điều bóng tuyệt vời, giống như tôi hồi còn trẻ vậy. Cậu ấy đã chơi một trận cực hay trên mặt sân cỏ. Cậu ấy có tất cả những vũ khí để chiến thắng”, Sampras nhớ lại, “Federer thật là toàn diện. Tôi không thể thấy một điểm sơ hở nào cả. Còn những cú giao bóng của cậu ấy, tôi không thể phán đoán được”.

Không dễ để nhận được những mỹ từ như thế từ Pete Sampras, nhưng Federer vẫn rất khiêm tốn. “Sân cỏ là một mặt sân thật là khó chơi”, tay vợt người Thụy Sĩ khẳng định như vậy vào năm 2002, nhưng trong suốt 18 năm kể từ đó, anh lại chứng tỏ rằng thi đấu trên mặt sân xanh mướt này chẳng có gì là khó khăn cả.

Federer giành danh hiệu đầu tiên trên mặt sân cỏ khi vô địch giải Halle Open 2003. Và vài tuần sau, anh đã giành được Grand Slam đầu tiên trong sự nghiệp khi lên ngôi ở Wimbledon 2003. Nhưng ngay cả khi đó, anh vẫn rất e dè.

“Tôi không biết rằng liệu mình có thể vô địch lần nữa ở đó hay không, bởi vì bạn hoàn toàn có thể trở thành một One-Slam Wonder (tay vợt giành 1 Grand Slam), hoặc bất chợt dính chấn thương và không bao giờ có thể thi đấu trở lại nữa”, Federer đã chia sẻ như thế sau lần đầu vô địch ở All England Club.

Chú thích ảnh
Federer đang giữ kỷ lục 19 danh hiệu trên mặt sân cỏ

Huyền thoại trên mặt sân cỏ

Theo thống kê của ATP Tour, thì trong kỷ nguyên Open (từ 1968), Federer là tay vợt giành nhiều danh hiệu trên mặt sân cỏ nhất, với 19 chức vô địch. Thành tích ấy bỏ xa những người đứng kế tiếp như Pete Sampras (10), Jimmy Connors (9), Andy Murray, Lleyton Hewitt, John McEnroe, Ken Rosewall, và Stan Smith (cùng 8 chức vô địch).

Còn rất nhiều kỷ lục khác trên mặt sân cỏ mà Federer đang nắm giữ. Khi đánh bại Marin Cilic 3-0 ở chung kết Wimbledon 2017, anh đã vượt qua Sampras để lập kỷ lục 8 lần vô địch giải Grand Slam danh giá này. Federer cũng đang giữ kỷ lục thắng 65 trận liên tiếp trên mặt sân cỏ, trong đó có 50 trận liên tiếp không thua set nào. Chuỗi thống trị ấy kéo dài từ giải Halle Open 2003 đến khi anh thua Rafael Nadal ở chung kết Wimbledon 2008.

Federer cũng đang giữ kỷ lục về hiệu suất chiến thắng trên mặt sân cỏ với tỷ lệ lên tới 87,4% (187 thắng - 27 thua). Để so sánh, John McEnroe đứng thứ nhì với tỷ lệ 85,8% (121 thắng – 20 thua). Con số này của Novak Djokovic là 84,1% (95-18), Bjorn Borg là 83,8% (67-13), và Andy Murray là 83,65 (107-21). Tất nhiên, thành tích trên mặt sân cứng của Federer cũng không tồi, với tỷ lệ chiến thắng lên tới 83,5%.

“Mặt sân cỏ là một điều gì đó rất tự nhiên đối với tôi”, Federer đã nói như vậy sau khi đánh bại Tomas Berdych ở bán kết Wimbledon 2017. Phát biểu ấy dĩ nhiên trái ngược so với 15 năm trước, nhưng đó cũng là điều dễ hiểu khi anh đã tích lũy cho mình một nền tảng cực kỳ vững chắc, nhờ tài năng và kinh nghiệm quý báu.

Chú thích ảnh
Federer đã 10 lần vô địch giải Halle Open

Sinh ra để dành cho sân cỏ

Federer, chủ nhân của 103 danh hiệu ATP, nổi tiếng với lối chơi kỹ thuật, mượt mà, nom có vẻ không tốn sức, nhưng lại đầy hiệu quả. Với Federer, mọi thứ đều diễn ra trôi chảy, từ những cú giao bóng đáng tin cậy, cho đến những pha di chuyển như múa bale trong các pha lên lưới. Nói về Federer, huyền thoại Rod Laver đã phải thừa nhận: “Óc phán đoán và khả năng căn chỉnh thời gian của cậu ấy là điều mà hiếm tay vợt trên thế giới có được”.

Ngay cả trong những năm cuối của sự nghiệp, Federer vẫn chứng tỏ được mình là một quyền lực trên mặt sân cỏ. Chức vô địch Wimbledon 2017 là một minh chứng, khi tay vợt này đã đăng quang với 20 set thắng liên tiếp mà không thua một set nào, dù lúc ấy, anh sắp 36 tuổi. Chính xác thì ở tuổi 35 và 11 tháng, Federer đã trở thành nhà vô địch cao tuổi nhất trong lịch sử Wimbledon. Đó cũng là danh hiệu Grand Slam thứ 19 của Federer. Và nửa năm sau, anh cán mốc 20 Grand Slam, khi tiếp tục lên ngôi ở Australian Open 2018.

“Tôi không nghĩ rằng mình lại có thể gặt hái thành công lớn đến thế sau khi đánh bại Pete ở đây (năm 2001). Khi ấy tôi chỉ hy vọng rằng mình sẽ có cơ hội để góp mặt ở chung kết Wimbledon, và có cơ hội vô địch giải đấu này”, Federer nhớ lại, “Vô địch 8 lần ở đây là điều không ai có thể nghĩ tới”.

Huyền thoại ở Halle Open

Chỉ tính riêng số lần vô địch ở Halle Open, Federer đã có số danh hiệu trên mặt sân cỏ ngang Pete Sampras. Năm ngoái, 16 năm kể từ khi lần đầu đăng quang ở giải đấu sân cỏ trên đất Đức này, Federer đã đạt mốc 10 lần vô địch. Thành tích của Federer ở Halle bỏ xa những người kế tiếp như Yevgeny Kafelnikov (3), Tommy Haas (2).

“Thật là tuyệt vời. Đây là lần đầu tiên tôi vô địch tới 10 lần ở một giải đấu. Vì thế, đây rõ ràng là một khoảnh khắc rất đặc biệt trong sự nghiệp của tôi”, Federer xúc động.

 

Phương Chi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm