Ra mắt 'Thả thính chân kinh': Thử giải mã 'nhà văn triệu bản' Anh Khang

09/06/2020 08:24 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 6/6, tại Đường sách TP.HCM, nhà văn Anh Khang đã ra mắt tác phẩm thứ 9 là Thả thính chân kinh, với 10.000 bản in đã được các nhà phát hành và độc giả đặt mua. Kể từ tác phẩm đầu tay là Ngày trôi về phía cũ (2012), đến nay Anh Khang đã bán được lượng sách rất lớn, được công bố là ngót nghét… một triệu bản.

Sau “kỷ lục” phát hành, Anh Khang ra sách về Sài Gòn

Sau “kỷ lục” phát hành, Anh Khang ra sách về Sài Gòn

Anh Khang đã chính thức trở thành nhà văn 8X có lượng sách phát hành kỷ lục nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại.

Tít phụ của tác phẩm thứ 9 này là Vài ghi chép linh tinh trên hành trình tìm kiếm chân tình. Sách là các câu chuyện yêu hết mình, yêu tự nguyện, yêu hồn nhiên… của giới trẻ hiện nay. Ở đó, sau những tan vỡ, đau khổ, họ cho thấy sự chân tình.

Viết đúng tâm trạng giới trẻ

Trong cái nhìn của một chuyên gia truyền thông, MC Tùng Leo nhận định tác phẩm của Anh Khang: “Viết đúng tâm trạng giới trẻ hiện nay”. Còn theo nhà thơ Nguyễn Phong Việt: “Tôi thấy Khang có lượng người hâm mộ rất đông, thủy chung và chịu đọc. Anh nói chuyện thu hút, văn thì đánh trúng thị hiếu của đa số độc giả trẻ hiện nay, nhất là các khu vực thành thị”.

“Tôi nghĩ những tác giả như Anh Khang đã và đang là luồng gió tươi mới trên thị trường sách Việt Nam. Khang không chỉ biết cách đọc được thị hiếu độc giả, mà còn biết cách trân trọng độc giả của mình và quan trọng là luôn có sự thay đổi để phù hợp với những biến động của nhu cầu người đọc theo thời gian. Đó là những yếu tố cực kỳ quan trọng với một tác giả trẻ ngày nay” - Nguyễn Phong Việt nói thêm.

Còn từ cái nhìn của một chuyên gia văn học hàn lâm, TS Trần Ngọc Hiếu nhận xét: “Những tác giả như Khang đáng phân tích ở nhiều mặt. Trước hết, đó là những tác giả biết sử dụng Internet như là một phương tiện giúp mình phục trang bản ngã, xây dựng hình ảnh cái tôi. Hình ảnh này có tính thời trang nhất định. Đến lượt mình, độc giả đọc họ cũng là một hình thức phục trang bản ngã cho chính mình. Người ta thích họ như thích một thứ phong cách sống (life-style) mà mình có theo đuổi, để từ đó nhận được sự yêu thích”.

Chú thích ảnh
Nhà văn Anh Khang

“Thứ hai, về nội dung, xin nói thẳng họ là dạng viết tản văn self-help (sách viết với mục đích hướng dẫn người đọc giải quyết các vấn đề cá nhân), nhật ký tâm tình. Những hình thức này thực ra vốn đã có trên các tạp chí tuổi mới lớn trước thời đại Internet. Song cái khác của họ là họ biết đặt tên, biết diễn đạt để câu văn của họ có thể trích dẫn (quote) được - cái mà các bạn trẻ thường gọi đùa là "so deep" (diễn sâu). Cách diễn đạt để quote được trên thực tế là ảnh hưởng từ lối viết tiếp thị nội dung của ngành truyền thông, PR. Và nó rất đáng khảo sát” - Trần Ngọc Hiếu nói thêm - “Nhạc trẻ bây giờ cũng thế, nếu lời mà không có những câu quote được thì khó thành hit lắm. Những hiện tượng này có thể không có nhiều giá trị về văn học, nếu ta ôm những quan điểm về giá trị theo lối truyền thống. Nhưng nó đáng để phân tích, tìm hiểu, nếu nghiên cứu từ góc độ văn hóa đại chúng và văn hóa trẻ đương thời”.

Từ lúc còn là sinh viên, Anh Khang đã có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực lĩnh vực PR, tiếp thị, marketing, dẫn chương trình (MC), viết báo, viết blog, làm truyền thông, viết ca khúc… Tất cả kinh nghiệm này đã được vận dụng vào viết văn và phát hành tác phẩm. Các ca khúc tự sáng tác như Đường hai ngả, người thương thành lạ (Phạm Quỳnh Anh hát), Buồn làm sao buông (Quốc Thiên hát), Thương mấy cũng là người dưng (Noo Phước Thịnh hát)... đã giúp Anh Khang rất nhiều trong việc tiếp cận độc giả trẻ.

Chú thích ảnh
Tác phẩm thứ 9 là “Thả thính chân kinh” với 10.000 bản in đã được bán

Bất ngờ thành nhà văn

Khi viết cuốn tản văn Ngày trôi về phía cũ (2012), Anh Khang cho biết mục đích khá đơn giản, chỉ để ba mẹ ở Mỹ yên tâm vì đứa con ở lại Việt Nam với bà nội. Vốn là học sinh chuyên văn của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), từng đoạt HCV Olympic truyền thống 30/4, đoạt giải Ba học sinh giỏi quốc gia, nên đủ tiêu chuẩn tuyển thẳng vào đại học, Anh Khang đã chọn học báo chí - truyền thông của Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia TP.HCM), thay vì Đại học Ngoại thương với rất nhiều hứa hẹn. Từ năm thứ 3 anh đã tham gia viết báo.

TS Quách Thu Nguyệt kể rằng khi còn làm cố vấn cho Phương Nam Book, chị là người phát hiện và ủng hộ cho tác phẩm đầu tay Ngày trôi về phía cũ của Anh Khang, dù các bạn biên tập lúc đầu tính từ chối. Nhưng sau khi góp ý để Anh Khang trau chuốt, chỉnh sửa và bổ sung thêm cho đầy đặn, sách đã thành công vượt quá mong đợi.

Chú thích ảnh
Các buổi ra mắt sách của Anh Khang luôn thu hút đông đảo độc giả trẻ

“Anh Khang cho thấy là một người biết tiếp cận, biết chăm chỉ lắng nghe những suy nghĩ, cảm nhận của các bạn trẻ thông qua blog và trang Facebook của mình. Hơn thế, Khang chịu khó đi nhiều để quan sát và luôn ý thức, nỗ lực làm mới mình” - TS Quách Thu Nguyệt cho biết - “9 năm với 9 tác phẩm, cũng khẳng định điều mà tôi luôn nhắc nhở Anh Khang: “Đường dài mới biết ngựa hay”. Bạn ấy đã không làm tôi thất vọng”.

Chị nói thêm: “Hiện nay điều tôi mong đợi và luôn trao đổi với Anh Khang khi có dịp là hãy tìm hiểu xem ngoài những cảm xúc bâng khuâng, lãng đãng, mộng mơ thì người trẻ hôm nay đang nghĩ và khát khao những gì đối với cá nhân, với cuộc sống, với cộng đồng... Viết được những tác phẩm có tầm vóc như vậy thì sức ảnh hưởng của Anh Khang sẽ càng rộng và sâu hơn nữa”.

Anh Khang sinh năm 1987, tên đầy đủ là Quách Lê Anh Khang, hiện là hội viên Hội Nhà văn TP.HCM, sống chủ yếu tại TP.HCM.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm