Quần vợt Tây Ban Nha: Sự thoái trào của một đế chế

18/04/2016 06:51 GMT+7 | Tennis

(Thethaovanhoa.vn) – Cùng với sự sa sút của Rafael Nadal, quần vợt Tây Ban Nha cũng đang bước vào giai đoạn thoái trào bởi sự khủng hoảng đội ngũ kế cận, cũng như những mâu thuẫn nội tại của làng banh nỉ nước này.

Giai đoạn thập niên 90 của thế kỷ trước và đầu những năm 2000, quần vợt Tây Ban Nha từng sở hữu một loạt những nhà vô địch Grand Slam như Sergi Bruguera, Carlos Moya, Juan Carlos Ferrero – họ đều là những chuyên gia sân đất nện và đã đăng quang ở Roland Garros. Nhưng kể từ năm 2004 đến nay, họ có mỗi Rafael Nadal, và bây giờ, khi tay vợt người Mallorca đang bước vào buổi hoàng hôn của sự nghiệp, sự hụt hẫng là khó tránh khỏi.

Tre già, măng vẫn chưa chịu mọc

Trong bảng xếp hạng ATP mới công bố, Tây Ban Nha có đến 14 tay vợt nằm trong Top 100 – nhiều nhất, trên cả Pháp (11), Mỹ (8), Argentina (7) về số lượng. Tuy nhiên, điều đáng buồn là không ai trong số đó ở độ tuổi U23 hết. Tay vợt Tây Ban Nha trẻ nhất trong Top 100 là Pablo Carreno Busta (51), người sẽ bước sang tuổi 25 vào tháng Bảy tới nhưng đến bây giờ vẫn chưa giành nổi một danh hiệu nào.

Nadal lọt vào trận chung kết ATP thứ 100, gặp Monfils

Nadal lọt vào trận chung kết ATP thứ 100, gặp Monfils

Ở Bán kết giải quần vợt Monte-Carlo Masters, Andy Murray tưởng như sẽ có thể dễ dàng giành chiến thắng trước Rafael Nadal khi chơi lấn lướt trong set đầu tiên để giành phần thắng cách biệt với tỉ số 6-2.


Trong top 50, Tây Ban Nha cũng là nước có nhiều đại diện nhất (7 người, bằng Pháp), nhưng trẻ nhất trong số ấy là Bautista Agut thì cũng đón sinh nhật thứ… 28 vào đúng hôm nay (14/04). Rõ ràng, đó không phải dấu hiệu tích cực cho tương lai của quần vợt xứ sở bò tót. Trong suốt hơn một thập kỷ qua, Rafael Nadal là lá cờ đầu của quần vợt Tây Ban Nha, đặc biệt là ở đấu trường Grand Slam. David Ferrer, 34 tuổi, được cho là tiệm cận đẳng cấp ấy, nhưng trong trận chung kết lớn duy nhất của mình, Roland Garros 2013, anh đã thua chính Nadal chỉ sau ba set đấu.


Gương mặt trẻ đáng chú ý nhất của quần vợt Tây Ban Nha hiện nay là Jaume Munar, sinh năm 1997

Công cuộc đào tạo và cho ra lò tài năng trẻ của quần vợt Tây Ban Nha gần như dậm chân tại chỗ trong nhiều năm qua. Gương mặt trẻ đáng chú ý nhất của họ hiện nay có lẽ là Jaume Munar, sinh năm 1997, người từng lọt vào chung kết trẻ Roland Garros 2004, nhưng đã thua Andrey Rublev của Nga. Nhưng gần hai năm sau khi thi đấu chuyên nghiệp, Munar chưa hề giành được danh hiệu nào, dù chỉ là những giải Future 10.000 USD. Trái lại, Rublev đã giành 5 danh hiệu ITF (1 Challenger, 4 Future). Năm ngoái, chính Rublev là người hùng giúp Nga đánh bại Tây Ban Nha 3-2 ở vòng 2 của Davis Cup, nhóm I khu vực châu Âu.

Đất nện không còn là mốt

Tây Ban Nha từng có những học viện như thể lò “La Masia” của quần vợt. Sanchez-Casal là một minh chứng. Andy Murray khi mới 15 tuổi đã lặn lội sang xứ bò tót để tầm sư học đạo trên mặt sân đất nện trong hơn 2 năm trời rồi mới trở thành nhà vô địch giải trẻ US Open 2004. Svetlana Kuznetsova mất 10 năm rèn giũa ở Sanchez-Casal rồi sau này vô địch US Open 2004 và Roland Garros năm 2009. Grigor Dimitrov cũng trưởng thành từ đây. Nghĩa là rất nhiều tay vợt đã nhận ra rằng để trở thành tay vợt số 1 trên mọi mặt sân, hãy bắt đầu từ đất nện. Mặt sân chậm với trái bóng nảy cao là điều kiện lý tưởng để các tay vợt tập luyện phản xạ và khả năng cứu bóng, cũng như khả năng đánh bền (rally).

Sân đất nện trui rèn thể lực của các tay vợt, nhưng cũng lấy di rất nhiều. Với lối chơi đó, thật không ngạc nhiên khi ngay cả những chuyên gia trên mặt sân này cũng trở nên thiếu hiệu quả khi có dấu hiệu tuổi tác. Các tay vợt Tây Ban Nha, với tuổi đời trung bình xấp xỉ 30 rõ ràng không còn thích hợp để tỏa sáng trên mặt sân bụi đỏ nữa. Đó cũng là lý do giải thích tại sao ở mùa giải này, không có bất cứ tay vợt nào của Tây Ban Nha giành được một giải đấu trên sân đất nện cả.

Roland Garros 2015 bắt đầu đánh dấu sự suy thoái của những chuyên gia sân đất nện Tây Ban Nha. Họ có tới 13 tay vợt thi đấu từ vòng chính thức, nhưng đến vòng ba thì chỉ còn 3 người trụ lại được. Ở tứ kết, Nadal gục ngã trước Djokovic chỉ sau ba set đấu, còn Ferrer bại trận sau 4 set trước Andy Murray, trong khi người vô địch là Stan Wawrinka.

Những mâu thuẫn nội tại

Trong vòng 3 thập kỷ qua, không có đội tuyển nào giành Davis Cup nhiều như Tây BanNha (5 lần - 2000, 2004, 2008, 2009, 2011), kể cả những quyền lực như Mỹ và Australia. Thế nhưng kể từ sau trận chung kết năm 2012 (thua Argentina 2-3), phong độ của họ xuống thê thảm. Hai mùa 2013, 2014, Tây Ban Nha bị thua ngay vòng 1. Tháng 9/2014, sau thất bại 1-3 trước Brazil, họ bị rớt khỏi World Group và đến bây giờ vẫn chưa thể trở lại.

Hè năm ngoái, Rafael Nadal và 43 tay vợt khác đã ký tên vào một bức thư mở phê phán và đả kích Liên đoàn quần vợt Tây Ban Nha (RFET) về cách vận hành và quản lý yếu kém lạc hậu nên không theo kịp sự phát triển của môn thể thao này. Bức thư này kêu gọi người đứng đầu là ông Jose Luis Escanuela phải có những đổi mới phù hợp, đồng thời yêu cầu đội trưởng đội tuyển Davis Cup, bà Gala Leon, phải từ chức vì kết quả tệ hại của đội. Theo Nadal, tình hình quản lý của quần vợt Tây Ban Nha là kinh khủng bởi nạn tham nhũng, tham quyền trong các quan chức. Động thái ấy thực sự khiến thể thao Tây Ban Nha một phen rúng động.     


Hè năm ngoái, Rafael Nadal và 43 tay vợt khác đã ký tên vào một bức thư mở phê phán và đả kích Liên đoàn quần vợt Tây Ban Nha (RFET)

Đó là những ngày tháng giông bão của quần vợt Tây Ban Nha. Trước thềm Wimbledon, chủ tịch RFET Luis Esnanuela bị đình chỉ công tác sau khoản chi 500 nghìn USD của Liên đoàn và sự thiếu hợp tác đối với lực lượng kiểm toán (ông này sau cũng từ chức). Tại Anh, Nadal bị tay vợt ngoài Top 100 Dustin Brown loại ngay từ vòng 2 Wimbledon. Ở trận play-off tranh suất thăng hạng World Group, Tây Ban Nha thua tiếp một đội tuyển Nga trẻ trung và không có một tay vợt nào trong Top 100.

Các tay vợt đã đúng khi phê phán Liên đoàn quần vợt Tây Ban Nha, nhưng họ cũng chẳng hơn gì, đặc biệt là tinh thần đồng đội. Nên nhớ, trước trận play-off quyết định với Brazil, đội trưởng Carlos Moya đã phải vật nài, nhưng trong top 7 tay vợt hàng đầu, tất cả đều ngó lơ. Đến trận đấu với Nga hè năm ngoái, tình trạng ấy tiếp tục diễn ra. Phần lớn đến tập trung tại đám cưới của Feliciano Lopez thay vì tập trung cùng đội tuyển Davis Cup.

Một nền quần vợt, với những con người già cỗi, tư duy già cỗi và không cùng nhìn về một hướng như vậy, không khủng hoảng mới là lạ.

Những tay vợt người Tây Ban Nha trong Top 50 ATP

5.Rafael Nadal         29 tuổi

8.David Ferrer        34

17.Bautista Agut        27

24.Feliciano Lopez    34

38.Guillermo Garcia    32

49.Tommy Robredo     33

50.Albert Ramos-Vinolas 28

Những ai đã vô địch trên đất nện từ đầu năm?

Ecuador Open Estrella Burgos (Dominica)

Argentina Open Dominic Thiem (Áo)

Rio Open Pablo Cuevas (Uruguay)

Brazil Open Pablo Cuevas (Uruguay)

US Claycourt Championship Juan Monaco (Argentina)

Grand Prix Hassan II Federico Delbonis (Argentina)

Phương Chi
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm