Phùng Hiệu & những phận người được 'ngụy trang'

24/08/2014 15:21 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Tập thơ đầu tay Tình không dám ngỏ in năm 2008, Thức giấc in năm 2010 của Phùng Hiệu đã chứng minh phần nào việc anh bị thơ “bỏ bùa” khá muộn. Nhà thơ sinh năm 1976 này cũng vừa ra mắt Trong thế giới ngụy trang tại trụ sở Hội Nhà văn TP.HCM.

Rất nhiều nhà thơ “phát tiết” từ thời rất trẻ ở tuổi mười tám đôi mươi, nhưng nói thế không có nghĩa là Phùng Hiệu đến với thơ mà không say đắm.

Học mỹ thuật, làm xây dựng và yêu… thơ

Phùng Hiệu tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật TP.HCM, anh làm nghề xây dựng để mưu sinh. Hẳn nhiên như nhiều nhà thơ khác, phải làm việc gì đó để sống, chứ có ai sống được bằng việc làm thơ. Phùng Hiệu làm xây dựng để giải quyết hai chữ “cơm áo” mà kiếp người thường mang nặng. Nhưng anh không chỉ làm việc để kiếm sống, hơn thế, anh làm việc để từ chính công việc đó đi ngược vào thơ của anh.


Nhà thơ – nhà báo Phùng Hiệu

Phùng Hiệu tìm mọi cách để gần thơ nợ “áo cơm” tạm ổn. Trong các nghề gần với văn chương nhất, có lẽ nghề báo chí – xuất bản là nơi để văn chương hay thơ ca thể hiện mình. Phùng Hiệu đã tìm đến thơ thông qua báo chí. Anh hiện công tác tại báo Nhà báo và Công luận thuộc Hội Nhà báo Việt Nam.

Như rất nhiều tờ báo hiện nay, trang dành cho sáng tác gần như “tuyệt chủng”. Việc đầu tiên khi đến với tờ báo này, Phùng Hiệu đã đề nghị mở trang sáng tác trên trang web của Nhà báo và Công luận. Bằng sự nhiệt tâm đầy thuyết phục của mình, trang sáng tác được hình thành. Ở trang này, Phùng Hiệu đã giới thiệu rất nhiều sáng tác mới của đồng nghiệp, cũng như anh tích cực viết bài chân dung các nhà văn, nhà thơ. Thông qua chân dung đồng nghiệp, Phùng Hiệu muốn giới thiệu cái hay, cái đẹp mà các nhà thơ nhà văn đã gửi qua tác phẩm.

Từ học mỹ thuật, rồi lặng lẽ làm nghề xây dựng, Phùng Hiệu đã tìm cách đến với văn chương như một thứ tình yêu “bị bỏ bùa”. Với những nhà văn, nhà thơ từng tiếp xúc với Phùng Hiệu, có thể nhận thấy sự quý trọng những người làm văn chương của Phùng Hiệu như thế nào. Trong thời buổi có muôn vàn phương tiện để giải trí, người ta có vẻ lười đọc hơn, nhất là đọc thơ để nghiền ngẫm tìm ra nét đẹp của câu từ, thì việc có thêm một người như Phùng Hiệu đã là điều đáng mừng.

Bìa tậpTrong thế giới ngụy trang


Phận người “trong thế giới ngụy trang”

Tập thơ Trong thế giới ngụy trang có khoảng 40 bài được chia làm hai phần: Sau lưng tiếng kẻng công trườngNỗi nhớ lên men. Người đọc dễ dàng bắt gặp những phận người lầm lũi tưởng chừng vô danh mãi mãi như bài Đằng sau tờ vé số: “Ôi những tờ vé số chứng minh số phận/ Tôi đau thương cầm mấy mươi nghìn…/ Không thể nào xoa dịu nỗi đau/ Cho em bé đến trường/ Bằng tiếng rao/ Vé số…”. Ờ nhỉ, trong các đô thị được “ngụy trang” bởi những ồn ào xe cộ, được “ngụy trang” bởi những tòa nhà chọc trời; thì vẫn còn đó những phận người không thể “ngụy trang” phải kiếm sống bằng nghề vé số, mà bán vé số có phải là nghề không?

Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, cho rằng: “Hãy bước vào Trong thế giới ngụy trang của Phùng Hiệu để cảm nhận những chiều kích xúc cảm cuộc sống được nén chặt trong ngôn ngữ thi ca. Ở đây không có sự mượt mà trơn tuột, không có sự bóng bẩy ngụy trang. Vị ngọt cuộc đời được nếm trải qua nỗi chát đắng phận người mà bổi hổi niềm yêu thương tràn lấp”.

Còn nhà thơ, nhạc sĩ Đynh Trầm Ca, thì nhận thấy: “Với nhà thơ Phùng Hiệu, sự khắc khoải của đời người và của thi ca như nhau, là một con đường khai mở âm thầm trên những dốc gai và bạc bẽo. Chính vì vậy, tập thơ Trong thế giới ngụy trang của Phùng Hiệu ta thấy ít mỹ từ mang tính trừu tượng, tuy nhiên anh lại đẩy được ngôn ngữ vào thế cùng cực như những cành gai nhọn, vì vốn cuộc đời chân thực nhiều những gai nhọn hơn hoa hồng”.

Trải đời với những phận người, song Phùng Hiệu vẫn trở về với mẹ để tìm lại Tuổi thơ trong mắt mẹ, đây là một bài thơ xúc động người đọc của anh: “Con trở về tóc mẹ đã hoa râm/ Chân mẹ bước quãng đường không ngắn lại/ Ôi vòng tay trải hai mùa thế kỷ/ Những vết nhăn không khuất phục bao giờ/ Con tựa đầu vào hơi thở ngày xưa/ Nhìn vết thời gian còn in trên mắt mẹ/ Con đi nửa quãng đời tuổi trẻ/ Mới biết tuổi thơ mình/ Từng lăn trên sóng mắt/ Mẹ yêu…”.

Trần Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm