Phát động Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn: Khi tri thức, cảm xúc, nhu cầu của trẻ em đã chuyển dịch

26/05/2020 20:22 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Trong những năm gần đây, chúng ta vẫn thường nhắc tới sự thiếu vắng và nhạt nhòa của những sáng tác dành cho thiếu nhi. Có rất nhiều cách giải thích từng được đưa ra quanh câu chuyện ấy - nhưng chắc chắn, người ta không thể bỏ qua một câu hỏi: Những tác giả viết cho thiếu nhi đã thật sự hiểu, để song hành và đồng cảm với một thế hệ độc giả nhỏ tuổi bây giờ.

Trao hơn 40 giải thưởng sáng tác văn học dành cho thiếu nhi năm 2019

Trao hơn 40 giải thưởng sáng tác văn học dành cho thiếu nhi năm 2019

Ngày 17/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Báo Khăn Quàng Đỏ - Nhi Đồng phối hợp cùng Nhà thiếu nhi Thành phố tổ chức Lễ trao giải hội thi sáng tác văn học dành cho thiếu nhi lần 2 năm 2019 với chủ đề “Thành phố của em”.

Về vấn đề này, Thể thao &Văn hóa (TTXVN) xin giới thiệu bài viết của nhà phê bình Nguyễn Hòa.

1.Trước hết, không bàn đúng hay sai, xin dẫn lại cuộc trò chuyện mới đây giữa tôi với một “đứa trẻ lớn” qua WhatsApp. Chẳng là thấy báo chí, xuất bản dịch Brave New World của Aldous Huxley thành Tân thế giới dũng cảm, Một thế giới dũng cảm, Thế giới mới tươi đẹp, cháu tâm sự: “Brave New World vốn là tiếng kêu tuyệt vọng của một nhân vật trong vở Giông tố của Shakespeare ở đoạn gần cuối. Thời Shakespeare, Brave nghĩa là hào nhoáng, xa hoa, sau mới thêm nghĩa mới là dũng cảm, gan góc. Dịch Brave New World thành Thế giới mới tươi đẹp còn được, thành Tân thế giới dũng cảm, Một thế giới dũng cảm thì buồn cười. Truyện không có gì dũng cảm mà dịch như thế chứng tỏ người dịch không tìm hiểu”.

Từ đó tôi nghĩ, trẻ em vẫn ứng xử theo cung cách “gọi dạ, bảo vâng”. Tuy nhiên thế giới tâm hồn, suy nghĩ, tri thức của các em đã chuyển dịch, phát triển so với thời chúng ta còn là trẻ em. Nên, cần có cung cách ứng xử mới, riêng với văn chương. Hãy để các em cảm nhận thế giới, cảm nhận con người… rồi tưởng tượng, hư cấu và sáng tạo từ tâm hồn, suy nghĩ, tri thức ấy.

Hơn chục năm trước, vì muốn lý giải tại sao Animorphs, Doraemon, Harry Potter tạo nên “cơn sốt” trong việc đọc của trẻ em Việt Nam, tôi đọc và ít nhiều bị bất ngờ bởi quan niệm, cách thức mà các tác giả đã sử dụng để viết tác phẩm. Rồi nghĩ, thế giới đã phát triển, dù thành thị hay nông thôn thì chiếc điều khiển vô tuyến truyền hình từ xa, bàn phím vi tính, thậm chí smartphone, không còn lạ lẫm với đa số trẻ em. Chỉ bấm một cái, gõ một cái là các em có thể tiếp cận một thông tin, sự kiện, sản phẩm văn hóa - nghệ thuật...

Chú thích ảnh
Thị trường sách cho thiếu nhi hiện nay khá phong phú. Tuy nhiên, việc có thêm những sáng tác chất lượng dành cho các em từ những tác giả Việt Nam vẫn là một câu chuyện dài (ảnh chỉ có tính minh họa)

Và thế giới đổi thay theo xu hướng văn minh đó khiến chuyện về ông tiên, ông bụt, ông thần, phù thủy... như không còn đủ hấp dẫn. Nó đưa tới sự ra đời của kiểu loại tưởng tượng mới, làm nảy sinh nhu cầu mới; và nếu chỉ so sánh với sở thích, với các cuốn sách người lớn say mê thời thơ ấu, sẽ rất khó có thể hiểu các em. Chú mèo máy Doraemon tinh nghịch và tài năng, cậu bé Harry Potter ranh mãnh, can đảm, dũng cảm, có nhiều phép thần thông, dám chiến đấu cho lẽ phải... ít khác biệt so với nhân vật trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Nghìn lẻ một đêm, Mahabharata, Odyssey, Iliat, song đã mang sắc thái hoàn toàn mới. Theo tôi, tiết tấu nhanh mạnh, lấy sự kiện viễn tưởng một cách khoa học làm trọng tâm, các tình huống gay cấn, bất ngờ, được giải quyết nhanh gọn, không sa đà vào chi tiết, đan cài nhiều tình huống hài hước... là đặc điểm chung của loại truyện này.

2.Về nhận thức, với sự phát triển của khoa học, ngày nay vô số câu hỏi về thế giới huyền bí xưa kia đã và đang được trả lời. Và khi cái “mã” của thế giới huyền ảo từng tồn tại trong trí tưởng tượng của các thế hệ trước đã và đang được “giải” thì nhu cầu về huyền ảo, tưởng tượng cũng vận động theo. Nhưng khi mọi thứ ngày càng rõ ràng, rành mạch, thiết thực thì nhu cầu được phiêu lưu trong trí tưởng tượng, nhu cầu về điều kỳ lạ, ước mơ về điều kỳ lạ cũng trở nên thiết thực hơn.

Trong cảm quan của bạn đọc nhỏ tuổi, ông tiên, ông bụt, ông thần, phù thủy... không còn thuộc về thế giới không thể biết với quyền năng siêu nhiên - cái thế giới mà thuở nhỏ thế hệ tôi đã mặc nhiên thừa nhận (mà không thừa nhận sao được khi buổi tối ra đường là bị dậm dọa “có ma”!). Nghĩa là với các em, “2 thế giới” không còn nữa, mà chỉ còn 1 thế giới đang sống. Để rồi, nhận thức thay đổi đã làm cho nhu cầu tưởng tượng, ước mơ, hình dung về thế giới... cũng thay đổi theo. Với các em, tiên, bụt, thần, phù thủy... là con người cụ thể, sống giữa cuộc đời với “phép thuật kiểu mới”, có thể lĩnh hội theo logic nào đó, và Animorphs, Doraemon, Harry Potter... có thể đáp ứng kiểu loại mơ ước này.

Từ lâu rồi, nhắc đến văn chương dành cho thiếu nhi, chúng ta thường liệt kê Dế mèn phiêu lưu ký, Đất rừng phương Nam, Lá cờ thêu sáu chữ vàng... song giờ có lẽ, đó chỉ là hồi ức về “thời oanh liệt đã qua”. Trong khi nhu cầu đọc của các em đã chuyển dịch đến tầm mức mới, gắn liền với đặc điểm, trình độ tri thức, khả năng mọi mặt của thời đại và sở thích lớp tuổi, thì trong thực tế ở Việt Nam các năm gần đây, tác phẩm văn chương dành cho các em hầu như ít nhận được sự đón chào nồng nhiệt, thậm chí bị thờ ơ.

Dường như quan niệm cho rằng tác phẩm văn chương dành cho các em trước hết phải là bài học đạo lý đã “ám” vào ngòi bút của không ít người. Nhiều khi vai trò ông - bà, cha - mẹ, anh - chị, thói quen “người lớn viết cho trẻ em” chi phối mục đích sáng tác mạnh tới mức làm ảnh hưởng đến sự sinh động, tính hấp dẫn của tác phẩm. Lẽ thường, bài học đạo lý phải ẩn sâu trong thế giới hành động, thế giới tinh thần của nhân vật, phải toát lên từ khuynh hướng tác phẩm... thì trong một số trường hợp, bài học đạo lý lại như “chú cảnh sát” giữa ngã tư chỉ dẫn nhân vật dừng lại, hoặc đi tiếp!

Chú thích ảnh
Một thế hệ độc giả mới sẽ cần những cách tiếp cận mới trong sáng tác

3. Quan niệm “người lớn viết cho trẻ em” còn đưa tới sự không rõ ràng về ranh giới giữa nhu cầu đọc của trẻ em với nhu cầu đọc của người lớn. Thường thì chúng ta lấy nhu cầu của người lớn để quy chiếu vào nhu cầu của trẻ em, rộng hơn là lấy tuổi thơ của người lớn quy chiếu vào tuổi thơ của trẻ em. Vâng, chú vện, chú mướp, cánh diều, hàng phượng vĩ, cắt cỏ chăn trâu... đều rất hay, đều có ý nghĩa riêng. Nhưng nếu chỉ loanh quanh với các mô-tip đó thì rất khó có thể đáp ứng được những gì các em đang muốn, đang ao ước, đang thích thú.

Vậy cần làm gì để văn chương dành cho trẻ em đáp ứng được nhu cầu của trẻ em? Đó là câu hỏi nếu quan tâm, cần nghiên cứu thấu đáo, cụ thể.

Về phần mình, tôi nghĩ đã đến lúc nhà văn viết cho thiếu nhi cần thay đổi cách nhìn về bạn đọc nhỏ tuổi, từ nhu cầu của các em tới cách thức mang văn chương đến với các em. Khi đối tượng bạn đọc đã đổi thay, ngòi bút của nhà văn cũng cần đổi thay để luôn là bạn đồng hành của các em. Và muốn trẻ em đọc tác phẩm của mình, nhà văn cần hòa nhập vào thế giới vật chất, tinh thần đang có rất nhiều chuyển dịch của các em để đồng cảm, để hiểu, suy ngẫm, nảy sinh ý tưởng sáng tạo. Đồng thời, cần quan tâm đến sáng tác của chính các em.

Vì không ai khác, dẫu có thể còn mộc mạc, chưa thuần thục kỹ năng, thì tác phẩm của các em chính là bức tranh phản ánh thế giới tâm hồn của các em; giúp chúng ta hiểu các em đã tiếp nhận, rung cảm trước thế giới, xã hội và con người như thế nào, đã suy nghĩ, tưởng tượng ra sao; hiểu các em muốn gì, cần gì…

Và cũng nên chia sẻ một điều rằng trong thế giới phẳng này, các em vừa có thể say mê cây đa, bến nước, sân đình, bày tỏ lòng yêu quý ông bà, cha mẹ, bạn bè, nghĩ ngợi và lý giải về những điều hay - dở đang diễn ra xung quanh mình, lại vừa có thể say mê “hố đen vũ trụ”, tưởng tượng được là siêu nhân xông lên đỉnh Everest chiến đấu với quái thú cứu nhân loại… Để từ đó chúng ta điều chỉnh quan niệm coi các em là “đứa trẻ lớn” cần dạy bảo, rồi đồng hành cùng các em, trân trọng những gì mà các em đã sáng tạo được.

Phát động Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn

Ngày 27/5, tại Hà Nội, báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) phát động một giải thưởng nghệ thuật thường niên cho thiếu nhi, mang tên Dế Mèn.

Đây là giải thưởng phi lợi nhuận nhằm trao cho các sáng tác, trình diễn nghệ thuật xuất sắc "của thiếu nhi" (thiếu nhi là chủ thể sáng tạo) hoặc "vì thiếu nhi" (thiếu nhi là đối tượng phục vụ) hằng năm, bao gồm 1 Giải thưởng Lớn và một số Tặng thưởng. Trong khuôn khổ của Lễ trao giải được tổ chức vào dịp Tết thiếu nhi (1/6) hàng năm còn có phần triển lãm hoặc trình diễn các tác phẩm xuất sắc của/vì thiếu nhi được tôn vinh tại giải.

Các tác phẩm tham dự có thể thuộc các lĩnh vực văn hoá, giải trí như: Văn học, điện ảnh, âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu, nhiếp ảnh, truyện tranh...

PV

Nguyễn Hòa (nhà phê bình)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm