Những nẻo đường EURO: Cabaye và chuyện đá bóng của người Việt ở Pháp

26/06/2016 08:35 GMT+7 | Euro ở Việt Nam

(Thethaovanhoa.vn) - Sự đóng góp của cộng đồng người Việt với nền thể thao Pháp nói chung, bóng đá nói riêng là rất ít, nếu không muốn nói là không đáng kể. Tuy nhiên, tình yêu bóng đá của người Việt tại Pháp thì vẫn đáng nể.

Một buổi đá bóng cùng sinh viên

Chúng tôi đến khu thể thao Raspail của thành phố Gentilly, ngoại ô phía Nam Paris, vào một sáng Thứ Bảy, giữa mùa EURO đang đi vào hồi gay cấn. Đường vào khu  thể thao đẹp mê man, phải xuyên qua khu rừng đầy hoa, cùng tiếng chim lảnh lót, leo lên một bìa rừng trước khi "rơi vào" mấy sân bóng đá đẳng cấp.

Bạn Hải Đăng, sinh viên, bảo rằng hôm nay có thể rất vắng bởi tháng 6 nhiều người đã đi nghỉ hè. Thế nhưng, không khỏi bất ngờ khi đến nơi, vẫn có tới hơn 2 đội là Gió Lào (đồng hương Nghệ- Tĩnh) đang quần nhau với đội VL9 (Vui Là Chính). Đa số các cầu thủ là người Việt, nhưng cũng có cả một số thanh niên người Pháp. Và cả mấy em bé người Pháp cũng cổ vũ và tập luyện rất nhiệt tình.


Các cầu thủ Việt kiều đang tranh tài

Chia sẻ với chúng tôi, anh  Hoàng Long, đội trưởng đội VL9 cho biết: phong trào bóng đá trong cộng đồng người Việt tại Pháp khá mạnh. Hàng năm, đều có giải bóng đá toàn nước Pháp tổ chức vào mùa Xuân. Riêng ở Paris, có tới 10 đội. Trong đó, 9 đội với nòng cốt là các thanh niên, sinh viên Việt Nam học tập, nghiên cứu và làm việc tại Paris ; và đội tuyển Việt kiều. Các đội bóng tại Paris và các vùng phụ cận vẫn thường tổ chức thi đấu giao hữu vào cuối tuần, hoặc ngày nghỉ để mọi người cùng giao lưu, gắn bó, tăng cường sức khỏe và xả stress sau những ngày làm việc căng thẳng.

Như đội Gió Lào có các chương trình gây quỹ ủng hộ đồng bào trong nước khi gặp thiên tai. Rồi tham gia hỗ trợ học bổng cho các sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt. Đội VL9 quy mô hoạt động lớn khắp cả nước Pháp. Họ cũng hay đi giao lưu các tỉnh, sang các nước khác thi đấu để tăng cường mối tương tác giữa cộng đồng người Việt ở châu Âu…

Bao giờ người Việt có "tiếng nói" ở bóng đá Pháp ?

Trả lời câu hỏi của chúng tôi rằng liệu sau này chị có cho cháu theo nghề bóng đá hay không, chị Kim Ngọc, một người đi cùng con cổ vũ cho chồng, chia sẻ:  Nếu cháu yêu bóng đá và đá tốt  thì  vợ chồng chị sẽ tạo điều kiện để cháu theo nghiệp bóng đá. Sẵn sàng làm bệ phóng để cậu về nước khoác áo đội tuyển quốc gia "nếu đủ điều kiện".

Nhưng chị cũng ái ngại rằng, kể cả con chị có theo nghiệp bóng đá thì cũng rất khó để có thể phát triển lên đỉnh cao ở đất nước này, được khoác áo đội tuyển quốc gia Pháp càng là giấc mơ khó thực hiên.


Ba mẹ con chị Kim Ngọc rất mê bóng đá


Mẹ của em bé này sẵn sàng cho con mình đeo đuổi nghiệp bóng đá nếu có thực tài

Quan sát trận đấu giao hữu giữa đội VL9 và đội Gió Lào "đồng hương Nghệ Tĩnh", chúng tôi thấy các cầu thủ thi đấu rất nhiệt tình và kỹ thuật khá tốt. Hay hơn các đội phong trào cấp quận ở Việt Nam nhiều. Sau trận đấu, mọi người vui vẻ tụ tập bên nhau truyện trò. Các anh cho biết ở Paris nói riêng và ở Pháp nói chung, mỗi đơn vị hành chính tương đương cấp phường ở Việt Nam đều có một khu phức hợp thể thao và một số nơi được miễn phí, để cư dân nơi đây có thể tham gia tập luyện, chơi môn thể thao mà minh yêu thích. Các khu phức hợp này thường có đủ các môn từ bóng đá với sân vận động tiêu chuẩn, tennis, cầu lông, bóng bàn, chạy, bơi lội…. Có lẽ chính vì thế mà chất lượng cầu thủ phong trào "cấp phường" ở đây cũng ở mức khá tốt.

Cabaye là giấc mơ

Trong câu chuyện với các anh, cũng như chia sẻ của nhiều Việt kiều khác, chúng tôi thấy người Việt mình tại Pháp thường có xu hướng định hướng cho con em mình theo đuổi việc học hành hơn là dấn thân vào lĩnh cực buôn bán, thương mại hay chọn con đường thể thao chuyên nghiệp. Có thể, đây cũng là một lý do khiến người Việt vắng mặt trong các đội tuyển quốc gia Pháp dù cho cộng đồng người Việt Nam tại Pháp rất đông, lên tới trên 300.000 người. Đến nay mới chỉ thấy có 1 cầu thủ đội tuyển quốc gia Pháp có chút ít gốc gác Việt là cầu thủ Yohan Cabaye, anh có bà nội là người Việt Nam.

Hôm tại khu fanzone ở Lille, trong biển người, chúng tôi bắt gặp hai anh em, một mặc áo Zidane, một khoác áo Yohan Cabaye, cũng có chút tự hào. Tiền vệ trung tâm của đội tuyển Pháp từng chia sẻ, anh mang trong mình dòng máu Việt Nam vì bà nội vốn dĩ sinh ra và lớn lên ở mảnh đất hình chữ S. Trong số những cầu thủ có gốc gác Đông Nam Á chơi bóng ở châu Âu, Cabaye là cái tên được người Việt dành nhiều sự quan tâm hơn cả. Đây là kỳ EURO thứ 2 liên tiếp mà Cabaye được điền tên vào danh sách của đội tuyển Pháp. "Yohan Cabaye là gốc Việt Nam ư ? Thật thú vị ! Anh ấy là một cầu thủ có nhân cách và khát khao vươn lên mãnh liệt. Em thần tượng anh ấy, nên hôm nay khoác chiếc áo này. Cabaye có được đá chính hay không, không quan trọng với em", chú nhóc Antoine Giroud tự hào.

Lúc đó, chúng tôi lại mơ ước ngày càng có nhiều người con gốc Việt như Yohan Cabaye hơn.


Phóng viên Hữu Quý và Việt Sơn chụp ảnh lưu niệm với đội bóng

Trước khi chia tay, chúng tôi được đội "Gió Lào" mời cùng xem bóng đá trong trận đấu của đội tuyển Pháp sắp tới. Các anh rất yêu đội tuyển Pháp và thường tổ chức cùng xem và cổ vũ cho "đội nhà", mỗi khi Pháp thi đấu vào ngày nghỉ hoặc cuối tuần. Những ngày hành chính các anh còn phải đi làm. Ham bóng đá, thích EURO nhưng cũng không thể lãng quên công việc. Ở Pháp cũng vậy thôi, có ổn định cuộc sống thì mới tính đến các nhu cầu giải trí khác được, dù là bóng đá dễ nổi tiếng và dễ giàu có.

Việt Sơn- Hữu Quý
Từ Paris

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm