Nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị quyết 33 (kỳ 3): Phát huy những giá trị truyền thống

03/02/2020 07:30 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Bảo tồn, tôn vinh những di sản văn hóa của dân tộc, phát triển hệ thống bảo tàng và di tích văn hóa lịch sử, phát huy các lễ hội có giá trị cấu kết cộng đồng... đó là những điểm sáng nổi bật sau hơn 5 năm triển khai Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị quyết 33 (kỳ 2): Phát triển công nghiệp văn hóa và xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa

Nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị quyết 33 (kỳ 2): Phát triển công nghiệp văn hóa và xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa

Thực hiện Nghị quyết 33, nhằm xây dựng công nghiệp văn hóa thành các ngành công nghiệp - kinh tế quan trọng, Bộ VH,TT&DL đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 vào tháng 9/2016.

Tiếp theo kỳ 1, 2 đăng ngày 30/1 và 31/1, TT&VH tiếp tục trở lại với chủ đề này.

1. Thực hiện quy định của pháp luật về di sản văn hóa và Chiến lược phát triển văn hóa, Bộ VH,TT&DL đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương triển khai nghiên cứu, kiểm kê, lập hồ sơ đề nghị xếp hạng, ghi danh di sản văn hóa ở trong nước và quốc tế.

Thống kê cho thấy, cả nước hiện có trên 40.000 di tích được kiểm kê, trong đó có gần 10.000 di tích cấp tỉnh, 3.498 di tích quốc gia, 105 di tích quốc gia đặc biệt, 8 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới.

Ở góc độ di sản văn hóa phi vật thể, 62.355 di sản văn hóa phi vật thể của 63 tỉnh/thành phố đã được kiểm kê, trong đó, trong đó có gần 300 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và 13 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh (bao gồm 12 di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách phi vật thể đại diện của nhân loại và 1 di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp).

Chú thích ảnh
Thực hành Then của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại vào cuối 2019

Ngoài ra, theo Chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO, đến nay, Việt Nam đã có 7 Di sản Tư liệu được UNESCO ghi danh (gồm 3 Di sản Tư liệu Thế giới và 4 Di sản Tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương).

Trên thực tế, với Nghị định 33, việc lập Quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích luôn được đặc biệt chú trọng. Hiện tại, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt các Quy hoạch tổng thể, như: Quần thể Di tích Cố đô Huế, Quần thể danh thắng Tràng An, Khu Di tích Mỹ Sơn, Khu Phố cổ Hội An, Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, Thành Nhà Hồ, Những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế tại tỉnh Bắc Giang, Khu di tích thành Cổ Loa, Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, Khu di tích Phố Hiến, Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Khu di tích Côn Đảo... giúp cho việc triển khai hiệu quả các dự án tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích.

Ở góc độ phát triển du lịch, bản thân các di tích, di sản văn hóa này đã đóng một vai trò rất tích cực. Điển hình, trong năm 2019, chỉ riêng 8 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới ở Việt Nam đã đón khoảng 19 triệu lượt khách (trong đó có gần 9 triệu lượt khách quốc tế) tới tham quan, với doanh thu từ vé tham quan và phí dịch vụ trực tiếp khoảng gần 3.000 tỷ đồng.

2. Ở góc độ bảo tàng, hệ thống bảo tàng Việt Nam hiện có 169 bảo tàng, trong đó có 126 bảo tàng công lập và 43 bảo tàng ngoài công lập. Các thiết chế văn hóa đặc biệt này đang là nơi lưu giữ và phát huy giá trị của hơn 3 triệu hiện vật phản ánh toàn diện về đất nước và con người Việt Nam trong lịch sử.

Chú thích ảnh
Khách du lịch quốc tế tới Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam

Trong vài năm gần đây, kể từ khi Nghị quyết 33 ra đời, nhiều bảo tàng đã bước đầu đổi mới, trưng bày theo định hướng tăng cường các hiện vật gốc, áp dụng các phương tiện khoa học kỹ thuật để làm phong phú và hấp dẫn nội dung trưng bày, đổi mới hình thức phục vụ công chúng. Bên cạnh đó, các bảo tàng cũng phối hợp với những đơn vị liên quan đẩy mạnh việc tổ chức cho giới trẻ đến tham quan nhằm khơi dậy niềm tự hào, lòng say mê tìm hiểu văn hóa, lịch sử dân tộc.

Việc chỉnh lý nội dung trưng bày, hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật, đổi mới phương thức hoạt động hiện đã được triển khai tại 4 bảo tàng cấp quốc gia: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh và Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Đồng thời, 2 bảo tàng đang thực hiện dự án xây dựng mới là Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam và Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ở cấp độ thấp hơn, đã có 22 bảo tàng cấp tỉnh thực hiện xây dựng mới, trưng bày mới.

Kết quả từ những động thái này khá tích cực: trong 2 năm 2018 và 2019, tổng số khách tham quan các bảo tàng trên toàn quốc đạt gần 20 triệu lượt. Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam liên tục được trang web có uy tín về du lịch Trip Advisor bình chọn vào top 25 bảo tàng hấp dẫn nhất châu Á. Đặc biệt, năm 2018, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh được vinh danh trong top 10 bảo tàng được du khách bình chọn tốt nhất trên thế giới và là đại diện châu Á duy nhất góp mặt.

(Còn tiếp)

Anh Bảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm