Nhà văn Nguyễn Trương Quý: 'Phục dựng' đời sống tân nhạc Thủ đô qua... Đoàn Chuẩn

05/08/2019 11:01 GMT+7 | Giải Bùi Xuân Phái

(Thethaovanhoa.vn) - Nhà văn Nguyễn Trương Quý sẽ góp vào tủ sách Hà Nội trong mắt một người của NXB Trẻ cuốn du khảo mới nhất của anh mang tên Một thời Hà Nội hát.

Nguyễn Trương Quý: “Gu Hà Nội” đang là thiểu số

Nguyễn Trương Quý: “Gu Hà Nội” đang là thiểu số

"Đôi khi tôi thấy mình và bạn bè mình như trôi trong một đời sống vừa hỗn loạn lại vừa tuần tự, như một cái xe máy trong gần ba triệu cái xe đang chen chúc nhau, chẳng biết rẽ vào đâu" - Nguyễn Trương Quý.

Một thời Hà Nội hát tập trung chủ yếu vào khảo sát sự chuyển hóa đời sống giải trí đô thị Hà Nội giai đoạn bản lề trước và sau 1954, với phần trung tâm là các hoạt động âm nhạc và cái tên Đoàn Chuẩn là một điển hình cho giai đoạn này…

“Tôi chọn nhân vật chính là Đoàn Chuẩn vì ông hội tụ các đặc điểm của đời sống này như một dấu ấn cuối cùng của tân nhạc lãng mạn mà chúng ta hay gọi là nhạc tiền chiến. Đoàn Chuẩn có những thành tựu về ca khúc với những tình ca nổi tiếng về mùa thu và những mối tình có thực trong cuộc đời. Những hoạt động âm nhạc của ông gắn liền với đời sống đô thị Hà Nội ngay sau khi giải phóng thủ đô, điều mà chúng ta lâu nay ít được biết rõ” – anh chia sẻ về cuốn sách.

Chú thích ảnh
Nhà văn Nguyễn Trương Quý

* Tại sao anh lại chỉ lại tập trung vào Đoàn Chuẩn – người mà như trong sách anh có nói chỉ "như một người dạo chơi qua khu vườn tân nhạc mà không phải những huyền thoại khác?"

- Đoàn Chuẩn đến với âm nhạc đúng nghĩa lãng tử, nhưng không chỉ là một anh chàng con nhà giàu học nhạc để làm phong phú đời sống tinh thần mà ông có những mạch cảm hứng nuôi dưỡng đời sống này kéo dài suốt thời tuổi trẻ. Ông đã sáng tác nên những tình khúc nổi tiếng và hấp dẫn nhất của nhạc tiền chiến như Thu quyến rũ, Gửi gió cho mây ngàn bay, Lá đổ muôn chiều, Tà áo xanh, Gửi người em gái miền Nam… Sáng tác ít, chỉ đúng 20 ca khúc nhưng số bài được phổ biến lan truyền sau này chiếm quá nửa. Điều đặc biệt ở đây là hơn một nửa những bài đó sáng tác sau ngày giải phóng thủ đô. Trong khi các nhạc sĩ lãng mạn khác đã di cư vào Nam hoặc chuyển hướng sáng tác đáp ứng các đề tài đời sống mới ở miền Bắc thì Đoàn Chuẩn vẫn trung thành với bút pháp lãng mạn của mình.

Chú thích ảnh
Tác giả và nhạc sĩ Đoàn Chuẩn (bên trái)

Tôi đặc biệt quan tâm đến giai đoạn 1955-1956, khi ông là người sở hữu rạp chiếu bóng Đại Đồng, nơi đã có các buổi biểu diễn ca nhạc với các chương trình biểu diễn cả âm nhạc lãng mạn và nhạc kháng chiến. Ở đây ông đã sáng tác những ca khúc ấn tượng nhất của mình để ghi dấu một mối tình đặc biệt, như Lá đổ muôn chiều, Tà áo xanh, Vàng phai mấy lá (tức Bài ca bị xé), Chiếc lá cuối cùng…

Những giai thoại xung quanh đời sống tình cảm đằng sau các ca khúc khiến cho Đoàn Chuẩn trở thành một huyền thoại đô thị xứng đáng được giải mã ở góc độ nghiên cứu đô thị.

* Những sáng tác của Đoàn Chuẩn nói riêng và các huyền thoại khác của thời tân nhạc nói chung, chúng phản ánh đến đâu những khao khát, ước vọng của con người Hà Nội trong thời đại đó, theo anh?

- Mỗi đô thị đều có khả năng tự sinh ra những huyền thoại của nó (urban myth). Huyền thoại này có khi không trùng khớp với nguyên bản, nhưng nó làm cho đời sống đô thị hấp dẫn và duy trì được cái quyến rũ của nó. Những huyền thoại về sáng tác của Đoàn Chuẩn, những tà áo xanh hay những người đẹp trong cuộc đời làm cảm hứng cho ông, những huyền thoại về cách chơi của những người thời đó, làm cho Hà Nội diễm ảo hơn, nuôi dưỡng một mạch tình tự về mảnh đất này.

Người Hà Nội những năm bản lề sau giải phóng một mặt vẫn còn dấu vết đời sống tinh thần văn hóa cũ, một mặt cố gắng thích ứng với sự biến đổi. Dấu ấn những đổ vỡ tình ái trong tân nhạc lúc này cũng trùng với sự chia tay một phông thẩm mỹ cũ...

Chú thích ảnh
Bìa cuốn Du khảo “Một thời Hà Nội hát” của Nguyễn Trương Quý

* Sau nhiều thập niên, khi những bài hát đã trở thành một di sản làm nên huyền thoại một Hà Nội quá khứ, huyền thoại này có còn hợp thời?

- Phải nói rằng các huyền thoại luôn được sinh ra và bồi đắp để đáp ứng nhu cầu tìm các hình thái đại diện cho không gian đô thị. Hay nói cách khác, những bài hát gắn với các huyền thoại này đã được không gian hóa, chiếm lĩnh không gian (spatialization) để trở thành những đại diện cho Hà Nội.

Tuy nhiên, sau sáu thập niên, các huyền thoại cũng dễ bị tổn thương bởi đời sống công nghệ và sự hiển lộ các câu chuyện mỗi lúc rõ ràng hơn. Nguy cơ mất đi ánh hào quang của Hà Nội là có thực, khi thành phố này bị cạnh tranh với các đô thị khác. Những huyền thoại như Đoàn Chuẩn chính là một hào quang mà thành phố này còn có thể giữ được.

Chú thích ảnh
Hà Nội luôn là chủ đề Trương Quý dành nhiều trang viết để đề cập đến, một thành phố trọn vẹn trong anh ở cả tâm tưởng lẫn thực tại

* Khảo cứu về con đường hình thành nên huyền thoại của đời sống thị dân Hà Nội trong một giai đoạn ngắn, chừng bốn năm trước và sau 1954, gắn với những năm tháng hoạt động sôi nổi nhất của cuộc đời Đoàn Chuẩn liệu đã đủ để tiếp cận những “tiểu tự sự” của một thành phố vẫn đang trong cao trào “đại tự sự” của giai đoạn ấy?

- Chắc chắn còn nhiều đường dẫn khác có thể khám phá tiếp. Câu chuyện của Đoàn Chuẩn là một đại diện cho sự tạo dựng huyền thoại của một đô thị. Đô thị nào cũng có một nhân vật riêng của mình, còn Hà Nội ngoài Đoàn Chuẩn ra còn nhiều nhân vật khác. Tuy nhiên sự xuất hiện rất đặc biệt của ông trong một giai đoạn biến đổi quyết liệt nhất của Hà Nội cho phép nghiên cứu tìm thấy sự độc đáo của tiểu tự sự này – kể những câu chuyện nhỏ, riêng tư và tôn trọng cảm xúc cá nhân.

Những bài ca không chỉ là những bài hát thất tình (tất cả các bài hát của Đoàn Chuẩn đều là bài thất tình, như rất nhiều bài hát tân nhạc khác!) mà quan trọng nhất là chúng mang tâm tình con người tìm kiếm cái đẹp. Người Hà Nội chừng nào còn có nhu cầu tìm kiếm điều đó, họ sẽ nuôi dưỡng thẩm mỹ về tiểu tự sự của mình.

* Câu hỏi cuối: Anh sẽ viết gì về Hà Nội tiếp theo đây?

- Tôi sẽ tiếp tục in một cuốn tản văn về cái ăn và việc mặc của con người Hà Nội, cùng với một tập truyện cũng bối cảnh Hà Nội vào đầu năm sau.

* Xin cảm ơn nhà văn Nguyễn Trương Quý!

DANH SÁCH ĐỀ CỬ CHÍNH THỨC GIẢI THƯỞNG BÙI XUÂN PHÁI "VÌ TÌNH YÊU HÀ NỘI" LẦN 12-2019

Trên cơ sở theo dõi chặt chẽ các hoạt động "vì tình yêu Hà Nội" trong thời gian gần  1 năm, từ 8/2018 đến 7/2019, Ban sơ khảo đã chọn ra hơn 30 tác giả, tác phẩm, ý tưởng, việc làm thỏa mãn các tiêu chí chung của Giải thưởng Bùi Xuân Phái –Vì tình yêu Hà Nội, tiến hành thu thập tư liệu, lập hồ sơ bước đầu để trình lên Hội đồng giám khảo.

Sau 2 vòng chấm, Hội đồng giám khảo đã có sự đồng thuận cao trong việc lựa chọn, công bố 10 đề cử trong DANH SÁCH ĐỀ CỬ CHÍNH THỨC của mùa giải năm nay:

1. ĐỀ CỬ GIẢI THƯỞNG LỚN – VÌ TÌNH YÊU HÀ NỘI 

PGS.TS.NGƯT Nguyễn Thừa Hỷ vì những cống hiến cho Hà Nội trong suốt cả cuộc đời và sự nghiệp của mình với những công trình nghiên cứu, dịch thuật mẫu mực về Thăng Long - Hà Nội, đánh dấu bước tiến lớn của ngành Hà Nội học.

2. ĐỀ CỬ GIẢI TÁC PHẨM – VÌ TÌNH YÊU HÀ NỘI

- Cuốn sách “Một thời Hà Nội hát – Tim cũng không ngờ làm nên lời ca” của Nguyễn Trương Quý: vì đã có góc tiếp cận độc đáo về đời sống Hà Nội thông qua âm nhạc của Đoàn Chuẩn.

- Cuốn sách “Kim Liên một thuở” của Vũ Công Chiến: vì đã làm sống dậy một Hà Nội dung dị, nghĩa tình thông qua những câu chuyện chân thực về khu tập thể Kim Liên.

-  Cuốn sách “Hà Nội quán xá phố phường” của Uông Triều: vì đã thể hiện được những trải nghiệm sâu sắc của nhà văn về đời sống Hà Nội trong ẩm thực

3. ĐỀ CỬ GIẢI VIỆC LÀM – VÌ TÌNH YÊU HÀ NỘI

- Nhóm kí họa đô thị Hà Nội với các hoạt động có sức truyền cảm hứng mạnh mẽ trong cộng đồng, nhằm khám phá, sáng tác và lưu giữ vẻ đẹp Hà Nội bằng tranh

- Các hoạt động tích cực của TP Hà Nội và cả cộng đồng nhằm khẳng định vị thế và quảng bá hình ảnh Hà Nội - “thành phố vì hòa bình”

- Nỗ lực của TP Hà Nội vàcộng đồng trong việc  yêu cầu khôi phục tên gọi tòa nhà "Bưu điện Hà Nội" bên Hồ Gươm.

4. ĐỀ CỬ GIẢI Ý TƯỞNG – VÌ TÌNH YÊU HÀ NỘI

- Các đề xuất, dự án thể hiện quyết tâm làm "hồi sinh" sông Tô Lịch của các cơ quan, đơn vị hữu quan và cả cộng đồng người dân Hà Nội.

- Việc xây dựng đường đua xe công thức 1 và đăng cai tổ chức giải đua vào 4/2020 do UBND TP Hà Nội và Công ty Việt Nam Grand Prix (Tập đoàn Vingroup) thực hiện. 

- Dự án đào tạo, nghiên cứu “Diện mạo mới cho chợ truyền thống của Hà Nội” do Tổ chức HealthBridge Việt Nam, Tổ hợp sáng tạo AGOhub, phối hợp với Hội Kiến trúc sư Hà Nội tổ chức.

Huy Thông (thực hiện)

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm