Nguyễn Ngọc Tư và những chuyện đàn bà

31/03/2016 07:01 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - NXB Trẻ vừa ấn hành tập truyện ngắn Không ai qua sông của Nguyễn Ngọc Tư với 13 truyện viết về thân phận những người đàn bà. Không hiền như tên truyện được đặt làm tên cuốn sách, những người đàn bà hiện lên với đủ dáng vẻ trong hành trình đi tìm hạnh phúc cho riêng mình.

Đọc Không ai qua sông, có thể nhận thấy cả thế giới đàn bà của làng quê Việt đều hiện lên trong tập truyện ngắn này. Mỗi người mỗi vẻ, từ đáo để, đến dại khờ và là nạn nhân. Một tập truyện đáng đọc để thông cảm hơn về những số phận… Tập truyện này in lần đầu 30 ngàn cuốn và đã bán hết, sẽ tái bản trong thời gian gần nhất.

Khát khao

Mở đầu Không ai qua sông là truyện ngắn Vực không đáy thể hiện khát khao được làm mẹ và làm con của hai người đàn bà.

Một cô gái lớn lên trong trại mồ côi đi lấy chồng và sinh con, nhưng luôn mong ước có một người mẹ. Ngày nọ, một bà già tạt qua nhà cô trong trời mưa, cô đã mời bà vào nhà, tự tay tắm rửa cho bà và gọi bà là má. Chuyện không có gì nếu người chồng không nghi ngờ bà già ấy có phải là mẹ ruột của vợ mình?

Chuyện cũng sẽ không có gì nếu sự hoài nghi ngày càng lớn như “vực không đáy” của người chồng. Hôn nhân tan vỡ từ những hoài nghi cứ lớn dần lên như thế.


Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư

Với người đàn bà lớn lên trong trại mồ côi ở Vực không đáy, khát khao lớn lao của đời mình là có được tình cảm yêu thương từ những người sinh thành, đôi lúc nhận người qua đường rách rưới, ăn xin làm má cũng thể hiện nỗi khát khao đó. Nguyễn Ngọc Tư khá tinh tế khi miêu tả tâm lý nhân vật trong truyện này, là một người đàn bà nên nhân vật khá cảm thông với người đàn bà khác trong cảm giác được làm mẹ và làm con.

Nhưng phận đàn bà, nhất là ở nông thôn, không phải những mong muốn đơn giản nhất như nhân loại xung quanh đang thụ hưởng, đều có thể dễ dàng đến tay mình.

Chẳng hạn trong truyện Không ai qua sông, khởi đầu là đoàn tuần hành do hội phụ nữ phát động nhằm chống bạo hành gia đình. Những người đàn bà không tham gia đoàn biểu bình, ngồi nhìn ra từ những quán nước bên đường, bình phẩm: “mắc cười, bộ biểu tình thì không bị đánh nữa sao?”.

Luôn cam chịu là tâm lý chung của phụ nữ ở nhiều vùng nông thôn trước việc bị chồng đánh mỗi ngày, họ “không ai qua sông” để tự làm cuộc vượt thoát. Như ngay cả nhân vật Thiếp trong truyện này, cũng từng “qua sông” theo một anh lơ xe, xong rồi cũng quay trở lại, cô đơn hơn đứng nhìn đứa con gái đang được bà nội gội đầu bên vòi nước.

Những người đàn bà trong tập truyện này của Nguyễn Ngọc Tư chấp nhận số phận một cách tội nghiệp. Họ như cái bóng của người đàn ông mà họ yêu thương, như trong truyện Nhổ quán. Một người đàn bà đứng tuổi theo bán quán cho một ông họa sĩ lãng du, mở quán chỉ để phục vụ mỗi thực khách này.

Kết thúc Nhổ quán khá bất ngờ, khi người đọc biết người đàn bà và ông họa sĩ thời trẻ có yêu nhau. “Đàn bà nhẹ dạ”, tưởng rằng sẽ có tình yêu tốt hơn đã bỏ rơi ông họa sĩ, để khi đứng tuổi nhìn lại không ai yêu bà hơn tình yêu của người đàn ông lãng tử ngày nào. Bà chấp nhận những lời chê bai từ ông như một hình phạt dành cho mình.


Tập truyện mới của Nguyễn Ngọc Tư về những thân phận đàn bà

Trở mặt và hận thù

Đàn bà qua ngòi bút Nguyễn Ngọc Tư, đã yêu thì yêu bất chấp nhưng đã trở mặt thì không ai có thể ngờ được. Trong truyện Chỉ gió trả lời câu hỏi, một người đàn bà ngoại tình dù chồng bà là đại ca giang hồ. Cậu trai chạy xe ôm là tình nhân của bà, một ngày đang ái ân thì tay giang hồ chồng bà về, bà đẩy cậu trai ra trốn ở cái gờ che cửa sổ. Rồi như không, bà lại nấu ăn và ân ái với chồng.

Còn cậu trai ngồi trên cái gờ che cửa sổ của tầng lầu chung cư, nghe tiếng gió thổi quanh mình, cậu phát hiện cái vách tường đang tựa lưng không một vệt rêu. Hóa ra đâu phải cậu là người tình vụng trộm duy nhất của người đàn bà này.

Đàn bà trong truyện Nguyễn Ngọc Tư yêu là thế, trở mặt cũng là thế nhưng khi đã hận thù thì còn kinh khủng. Truyện Nút áo thể hiện sự hận thù này lên đến cực điểm khi một cô gái năm 15 tuổi bị cưỡng hiếp.

Thủ phạm để lại bằng chứng là một cái nút áo trong tay nạn nhân. Cô gái đã lấy cái nút áo đeo thành mặt dây chuyền với mong muốn một ngày kẻ hại cô sẽ nhìn thấy nút áo và biết sắc. Kẻ thủ ác đó là ai trong tất cả số đàn ông của xóm làng này? Cái nút áo treo lủng lẳng lên cổ cô với bao hệ lụy, đến độ trai làng phải tránh mặt cô, trai làng khác càng không dám đến.

Cái nút áo nhỏ nhoi nhưng lại quá nặng cho một con người bị quá khứ khủng khiếp đeo bám. Nhiều người phụ nữ ở các làng quê, cũng từng là nạn nhân, cũng bị cái nút áo như thế treo trên cổ. Nhưng mấy ai dám khước từ bằng cách vứt đi để bản thân không trở thành nạn nhân của chính mình, tự tổn thương mình trong quãng đời còn lại.

Thanh Kiều
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm