Nguyên Lê & Hương Thanh "truyền bá" dân ca VN ra thế giới

18/11/2008 14:21 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Là những nghệ sĩ sống tận trời Âu, nhưng Nguyên Lê và Hương Thanh luôn hướng về quê hương đất nước, luôn muốn làm một điều gì đó cho quê hương Việt Nam và tiếng đàn lời hát là những gì họ sẵn có. Chính họ là những người đã và đang truyền bá âm nhạc Việt Nam ra thế giới qua những làn điệu dân ca cổ truyền. Dưới đây là cuộc phỏng vấn nhanh của phóng viên báo TT&VH với Nguyên Lê và Hương Thanh ngay sau đêm biểu diễn của Ban nhạc Nguyên Lê & Hương Thanh tại Hongkong (16/11/2008).

* Xin hỏi anh Nguyên Lê ý tưởng nào khiến anh, một nghệ sỹ nhạc jazz nổi tiếng châu Âu lại tìm đến những bài hát dân ca Việt Nam?
 Áp phích quảng cáo cho đêm biểu diễn của Nguyên Lê và
Hương Thanh tại Hong Kong
Nguyên Lê (NL): Tìm về cội nguồn Việt Nam. Chính những tâm tưởng luôn nhớ về cội nguồn Việt Nam, muốn làm được một điều gì đó cho quê hương đất nước đã thôi thúc tôi tìm đến những khúc hát dân ca Việt Nam. Và, mong ước của tôi đã thành hiện thực khi tôi gặp Hương Thanh (cười).
 
* Còn chị Hương Thanh, “duyên cớ” nào đã khiến chị đến với anh Nguyên Lê?
 

Nhạc sỹ Nguyên Lê sinh tại Paris, là người Pháp gốc Việt (bố mẹ đều là người Việt Nam). Năm 15, Nguyên Lê học chơi trống, nhưng sau đó chuyển sang học guitar và guita điện tử. Nguyên Lê là một nghệ sỹ nhạc jazz nổi tiếng tại châu Âu.

Hương Thanh (HT): Chuyện kể thì dài dòng lắm, cõ lẽ do Thanh hát say sưa nên anh Nguyên Lê “mê” Thanh đó (cười). Nói vậy chớ Thanh gặp anh Lê cũng rất tình cờ, như anh Lê vừa nói đó. Nhưng có một điều chắc chắn là Thanh là anh Lê cùng chung ý tưởng: làm thế nào để giới thiệu âm nhạc Việt Nam với nước ngoài, trước hết là người Pháp nơi Thanh và anh Lê đang sinh sống và sau đó là nhiều nước khác. Vậy nên mới “gắn bó” với anh Lê lâu dài vậy.
 
* Nhưng đây quả không phải là công việc dễ dàng?
 
NL: Khó những mình quyết tâm vẫn làm được và thực tế là chúng tôi đã thành công. Năm 1994, khi tham dự một buổi liên hoan vào dịp Tết tại nhà một người bạn, tôi được nghe Thanh hát, những làn điệu dân ca Việt Nam với chất giọng mượt mà của Thanh đã khiến tôi thực sự xúc động, mặc dù tôi không hiểu lời những bài hát đó. Tôi chủ động hỏi Thanh có thể làm việc cùng tôi, giới thiệu những làn điệu dân ca Việt Nam với người châu Âu và tôi đã tặng Thanh một đĩa nhạc jazz của chính mình để Thanh ghe trước…
 
Nguyên Lê
 
HT: Khi nghe nhạc đĩa jazz của anh Lê, Thanh còn do dự lắm, làm sao để hát dân ca Việt Nam trên nền nhạc jazz, nhưng anh Lê động viên Thanh, như vậy thính giả nước ngoài sẽ dễ chấp nhận hơn. Sau đó, Thanh và anh Lê phát hành album đầu tiên, không ngờ lại có được thành công ngay. Vậy là Thanh và anh Lê gắn bó từ đó, tính đến nay cũng ngót 15 năm rồi.
 

Ca sỹ Thanh Hương sinh tại Sài Gòn, là con của nghệ sỹ cải lương nổi tiếng Hữu Phước. Từ năm 10 tuổi, Hương Thanh đã đam mê cải lương và những làn điệu dân ca. Năm 17 tuổi, Hương Thanh theo gia đình sang định cư tại Pháp. Ban đầu, Hương Thanh cùng cha đi hát trong những quán ăn tại Paris. Năm 1994, Hương Thanh gặp Nguyên Lê, sự nghiệp biểu diễn ca nhạc của Hương Thanh chuyển ngoặt từ đó. Năm 2007, Hương Thanh được nhận giải thưởng cho dòng nhạc dân tộc của France Musique - Đài phát thanh lớn nhất của Pháp.

* Được biết, với những làn diệu dân ca Việt Nam, được thể hiện trên nền nhạc jazz, anh Lê và chị Thanh đã từng biểu diễn và thành công ở rất nhiều nước…?

HT: Bên châu Âu, cơ bản Thanh và anh Lê đã biểu diễn khắp lượt, còn châu Á cũng có như, Trung Quốc, Nhật Bản và cả Việt Nam mình nữa. Điều khiến Thanh bất ngờ là người nước ngoài không hiểu lời những làn điệu dân ca Việt Nam, nhưng Thanh hát bằng tình cảm và tiếng ghi ta của anh Lê cũng chứa chan tình cảm, nên người nghe xúc động lắm. Tiếng ru “ầu ơ” của Việt Nam mình mà khiến người nước ngoài sụt sùi khóc đấy (cười).

* Năm 2003, anh chị từng về Việt Nam biểu diễn và rất được hoan nghênh. Trong thời gian tới anh, chị có kế hoạch sẽ lại về Việt Nam biểu diễn?

HT: Mong lắm chứ. Thanh luôn muốn có cơ hội để về Việt Nam, nhưng gần đây bận quá. Ngoài các chuyến đi biểu diễn ở nước khác ra, tại Pháp, Thanh và anh Lê đang tìm tòi và học cách thể hiện những ca khúc Việt Nam từ thời 1930 - 1960, ví như giai điệu “bà Tư bán hàng… có bốn người con…”. Cho nên, trước mắt Thanh và anh Lê chưa thể có cơ hội về lại Việt Nam.

NL: Cũng giống như Thanh, tôi luôn nghĩ về quê hương mình biểu diễn cho chính đồng bào mình nghe sẽ chẳng còn gì hạnh phúc bằng. Tôi và Thanh sẽ còn dịp về Việt Nam, tuy nhiên bao giờ thì hiện thời chưa thể nói trước được.

* Xin cảm ơn anh Lê và chị Thanh!
 
Xuân Tuấn - Trung Sơn (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm