Nghệ sĩ Linh Tâm: 'Không vương tơ, cũng phải nằm trong tơ'

16/09/2020 06:27 GMT+7 | Giải trí

(Thethaovanhoa.vn) - Linh Tâm vào nhiều loại vai thành công, ngay cả các vai dạng Sở Khanh, nên anh có một chỗ đứng vững chãi ở lãnh địa cải lương. Do dòng đời đưa đẩy, Linh Tâm đi định cư nước ngoài, nhưng vài năm gần đây, anh thường trở về Việt Nam để được sống với cải lương thường xuyên hơn.

 

Nỗ lực bảo tồn nghệ thuật cải lương trong thời đại số: Bài 1-Cải lương thật và đẹp

Nỗ lực bảo tồn nghệ thuật cải lương trong thời đại số: Bài 1-Cải lương thật và đẹp

Cải lương là loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống đặc sắc ở vùng đất Nam Bộ. Trải qua hơn 100 năm kể từ khi ra đời, cũng như nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác, để tồn tại và phát triển, có vị trí lâu bền trong lòng khán giả, nghệ thuật cải lương đang đứng trước nhiều thách thức.

Linh Tâm vừa về nước để ghi hình phim truyện cải lương và tham gia vài chương trình liên quan đến cải lương. Anh dành cho báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) một cuộc trò chuyện về nghề.

* Do anh có nhiều năm ở hải ngoại, có thể cho biết một chút về đời sống nghệ thuật của một nghệ sĩ cải lương bên đó?

- Tôi nghĩ nghệ sĩ ai cũng muốn đem lời ca tiếng hát để phục vụ khán giả, dù sống ở nước ngoài hoặc trong nước. Tại hải ngoại, đa số phải làm việc quần quật, nên thời gian thưởng thức cải lương cũng không được nhiều, hơn nữa, sự kiện cải lương cũng rất ít. Mỗi tuần, chúng tôi chỉ hát được 1 hoặc 2 ngày vào thứ Bảy và Chủ nhật.

Hạnh phúc của người nghệ sĩ là được nhìn sân khấu sáng đèn, được hòa nhịp con tim vào vai diễn, vào sự thưởng thức của khán giả. Chúng tôi muốn hát, muốn phục vụ khán giả như kiếp con tằm, hát đến khi không còn đủ sức nhả tơ nữa. Nói cách khác, người nghệ sĩ sống ở nước ngoài rất khao khát được hát thật nhiều, tiếc rằng điều kiện thực tế không cho phép mình thực hiện ước mơ đó.

Chú thích ảnh
Nghệ sĩ Linh Tâm

* Đây có phải là lý do chính mà anh thường về Việt Nam?

- Đúng vậy. Tôi luôn tận dụng các cơ hội để được hát phục vụ khán giả trong nước. Dùng chữ tận dụng, trong trường hợp này, tôi không thấy hổ thẹn, mà còn thấy vui nữa, vì ai ở hải ngoại cũng sẽ hiểu về sự bận rộn và eo hẹp thời gian.

Về nước mấy lần gần đây, tôi được làm việc với 2 ông bầu trẻ, đầy nhiệt huyết, đó là Vũ Luân và Gia Bảo. Sự thành công của vở Dương Quý Phi ở Nhà hát Bến Thành cuối năm qua, với khán giả đầy ắp, có thể là một ví dụ quan trọng cho chúng tôi làm việc lần này. Nếu chúng ta tập trung được nghệ sĩ lành nghề, kịch bản hay, tập dượt nhuần nhuyễn, khán giả sẽ không quay lưng với cải lương.

Ông bầu Vũ Luân cũng vừa khai trương một phim trường, quay vở cải lương Võ Tắc Thiên theo cách mới, dạng phim truyện cải lương. Tôi đang thấy rất hào hứng và thích thú với thể loại này.

* Nghe anh nói, có cảm giác như cải lương trong nước đang hồi sinh?

- Với quá nhiều loại hình nghệ thuật và giải trí trên mạng như hiện nay, việc khán giả ít đến rạp hát, không chỉ cải lương, mà nhiều loại hình sân khấu khác cũng khó khăn tương tự. Nhưng tôi nghĩ, trong hoàn cảnh nào, nếu còn yêu nghề, thì sẽ tìm ra lối đi mới, phù hợp với hoàn cảnh. Sợ nhất là bị mất nhiệt huyết, gặp khó khăn là nản chí, luộc nghề. Trong sự sa sút của cải lương, phụ thuộc khách quan chỉ một phần, phần còn lại do chính giới làm nghề, số người còn tha thiết với sân khấu không thật nhiều.

Chú thích ảnh
Linh Tâm (thứ hai, từ trái sang) quay phim truyện cải lương

Ai cũng muốn có một phép màu nào đó giúp cải lương sống lại thời hoàng kim, nhưng tự thân vận động thì chưa đủ. Tôi cũng phải chịu một phần trách nhiệm về sự sa sút này. Một sân khấu đúng chuẩn, một kịch bản hay, một sự đầu tư nghiêm túc… là việc mà tự mỗi người làm nghề phải phấn đấu để có, chứ không nên ngồi chờ. Chỉ có sự nhiệt huyết, xả thân như chính các tiền bối đã làm cho cải lương thì mới mong tạo ra sức tác động, tạo ra được phép màu.

* Vậy tôn chỉ làm nghề của anh là gì?

- Tôi xin nhắc lại một câu ca về phận đời nghệ sĩ: “Đã sinh ra kiếp con tằm/ Không vương tơ, cũng phải nằm trong tơ”.

* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.

Dấu ấn của Linh Tâm

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Tân Châu, tỉnh An Giang, trong một gia đình không có ai theo nghệ thuật, từ khoảng năm 1976, khi còn học phổ thông, Linh Tâm đã muốn đi theo nghề hát, nhưng gia đình không ủng hộ. Nếu không có huy chương vàng tại hội diễn tỉnh An Giang năm 1978, chắc chắn Linh Tâm đã không thể nào bước chân vào sân khấu.

Rất nhanh chóng, nghệ sĩ này đã có chỗ đứng trong lòng khán giả mộ điệu và giới đồng nghiệp. Anh đoạt huy chương vàng giải Trần Hữu Trang năm 1993. Anh có dấu ấn với vai Sang trong Khi bình minh trở lại, vai Ferdinand trong Âm mưu và tình yêu, vai Nguyễn Phục trong Bức ngôn đồ Đại Việt, vai Thúc Sinh và Từ Hải trong vở Vương Thúy Kiều, vai Pari trong Tình yêu và nước mắt, vai đại úy Hoàng Tuấn trong Bài ca tìm mẹ…

Tam Anh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm