Mối tình đẹp của “người thơ” Xuân Tâm

09/02/2012 09:46 GMT+7 | Đọc - Xem

Sự ra đi của nhà thơ Xuân Tâm đã khép lại một chặng đường “Thi nhân Việt Nam” với những “nhân chứng sống” là những tên tuổi đã làm nên một chặng đường thơ mới. Tuy nhiên những ký ức, giai thoại về ông vẫn còn nguyên vẹn trong trái tim những người yêu mến…

“Nguyện yêu thơ đến trọn đời”

Tôi vẫn nhớ như in một buổi chiều mùa đông, men theo phố Thụy Khuê, tôi tìm đến một địa chỉ dễ thuộc và dễ nhớ: nhà số 1, ngõ 234, tìm gặp nhà thơ Xuân Tâm. Ngôi nhà cấp 4 của ông giản dị, cũ kỹ theo kiểu nông thôn trước đây. Đi qua cái cổng nhỏ, giữa sân là một cây hồng xiêm cành lá khẳng khiu vào mùa rét mướt. Nhà thơ Xuân Tâm nằm ở giường, thấy tôi bước vào, ông ngồi dậy và đến ngồi cạnh chiếc bàn uống nước. Tôi mỉm cười kính cẩn chào ông, ông không đáp trả, cũng chẳng cười, chỉ hơi gật đầu, đôi mắt ông mở to trên gương mặt đã xương xẩu và bị những nét thời gian làm cho cũ kỹ.
 

Nhà thơ Xuân Tâm và người viết (Ảnh: Thiên Kim)

Nhà thơ Xuân Tâm tên thật là Phan Hạp. Ông sinh năm 1916 tại làng Bảo An, Phủ Điện Bàn, Quang Nam. Thuở nhỏ, ông học trường quốc học Huế, có bằng Thành chung và đã có thơ in ở từ tuổi thanh niên. Tập thơ đầu tay của ông là Lời tim non được xuất bản năm 1941, gồm 35 bài.

Nhà thơ Xuân Tâm từng kể lại rằng, dạo ấy, khi ông đang làm ở Sở ngân khố Trung bộ đặt tại Huế, ông đã có nhiều thơ gửi thơ in trên các tạp chí Tân Văn, Sông Hương và năm 1941 ông đã gửi tập bản thảo Lời tim non qua bưu điện tới một nhà xuất bản ở Hà Nội. Sau khi xem tập thơ có chất lượng tốt, nhà xuất bản liền gọi điện cho ông, hỏi ông in bao nhiêu tập? Ông đã bỏ tiền túi ra in 500 cuốn đem bán ở Đà Nẵng, Hội An được một ít, còn một ít tặng bạn bè.

Dạo đó, ông mới bước vào tuổi 25, sau khi lấy vợ được 1 năm. Cũng sau khi ra tập sách này, ông đã được hai nhà phê bình văn học Hoài Thanh - Hoài Chân để mắt tới. Sự tao ngộ của Xuân Tâm và cuốn Thi nhân Việt Nam rất tình cờ, tình cờ như chính việc ông đến với văn chương.

Nhà thơ Xuân Tâm từng kể lại rằng, năm 1942, sau khi cuốn Thi nhân Việt Nam ra mắt bạn đọc, ông được đồng tác giả Hoài Thanh, Hoài Chân gửi tặng một bản sách, có chữ ký của hai người và kèm thêm khoản tiền nhuận bút là 25 đồng. Đó là một khoản tiền lớn thời đó, có thể mua được 5 tạ gạo ngon hoặc một chiếc xe đạp loại tốt của Pháp.
 

Nhà thơ Xuân Tâm và cuốn Thi nhân VIệt Nam in lần đầu tiên năm 1941

Thời gian về sau, nhà thơ Xuân Tâm không dành được nhiều thời gian dành cho văn học, vì trong kháng chiến chống Pháp, ông làm Giám đốc Sở Ngân khố Liên khu Năm. Tập kết ra Bắc, ông được điều về công tác tại Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (nay là Bộ kế hoạch - Đầu tư) cho đến khi nghỉ hưu (năm 1977). Mãi đến năm 1990, ông mới cho xuất bản tập thơ thứ 2 Dòng thời gian. Tập thơ là lời tâm sự chân tình của một người yêu thơ, vướng vào thơ như một định mệnh khó rời. Ông viết: “Thơ ở cùng tôi giữa đất trời/ Đừng theo mây gió chốn xa khơi/ Tôi trông thơ đến từng mai sáng/ Và nguyện yêu thơ đến trọn đời”.

… Và là dịch giả cuốn thơ bi hài “Lecid” của Pierre Corneilie

Khi về nghỉ hưu, nhà thơ Xuân Tâm không chỉ sáng tác thơ mà ông còn dịch thơ. Cuốn kịch thơ bi hài Lecid của Pierre Corneilie (Nhà viết kịch nổi tiếng của Pháp) mà ông dịch đã được Nhà xuất bản Văn học in năm 1999 với số lượng lớn 3.000 cuốn (một số lượng kỷ lục thời bấy giờ), với lời giới thiệu của nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh. Trong cuốn kịch thơ, ngay ở trang đầu, đã có mấy câu thơ của dịch giả thay cho lời tựa: “Kính gửi hương hồn Piecor nây/ Người hơn tôi ba thế kỷ/ Nên ngày nay tôi mới dịch thơ Người/ Xin nhận nơi đây những lời tri kỷ/ Dịch thơ người, tôi dịch với thơ tôi...”.


Khi về nghỉ hưu, nhà thơ Xuân Tâm không chỉ sáng tác thơ mà ông còn dịch thơ

Chưa hết, trong cuốn sách còn lại trong tủ sách mà hiện nay gia đình ông còn giữ được, có một dòng chữ viết tay của Xuân Tâm: “Quyển sách này dành riêng cho hai ta”. “Hai ta” ở đây chính là ông và người vợ, người nữ sinh Đồng Khánh Huế đã khiến cho Xuân Tâm “ngẩn ngơ lòng” viết nên hai câu thơ đã đi vào đời sống văn học như hai câu ca dao tuyệt hay: “Học trò xứ Quảng ra thi/Gặp cô gái Huế bỏ đi không đành”.

Mối tình đẹp với cô nữ sinh Đồng Khánh

Có lẽ, hiếm có mối tình thi nhân nào đã ở lại trong văn học và người thơ vẫn ở lại với cuộc đời cho đến khi bóng của mối tình ấy đã trường tồn trong những câu thơ. Bây giờ hai câu “Học trò xứ Quảng ra thi/ Gặp cô gái Huế bỏ đi không đành” đã đi vào dân gian như một mối duyên kỳ ngộ của hai mảnh đất trai tài gái sắc.

Khi tôi hỏi về mối tình của ông với cô nữ sinh Đồng Khánh, nhà thơ Xuân Tâm kể lại rằng, đó là mối tình đầu tiên và cũng là mối tình duy nhất của đời ông. Những năm bốn mươi của thế kỷ trước ở Huế, chàng trai xứ Quảng là ông ra Huế và đắm say một cô nữ sinh bằng tuổi.
 

Nhà thơ Xuân Tâm khi còn sống, chụp ảnh cùng con trai, con gái và con rể

Hình ảnh của tà áo tím mộng mơ đi vào thơ nhưng với ông còn hiện hữu ở cuộc đời. Nàng áo dài thướt tha mỗi lần ôm cặp hay đạp xe đi qua cầu Trường Tiền đã làm cho nhà thơ Xuân Tâm mê mẩn. Những vần thơ tặng người thơ cũng đã được viết lên trong tập Lời tim non và cũng không ai khác, chính người con gái ấy, đã là nguồn thi hứng vô tận cho cây bút Xuân Tâm cất cánh: “Tuổi thanh xuân em nữ sinh Đồng Khánh/ Anh học sinh Quốc Học thân thương/ Hai trường bên nhau chung một con đường/ Con đường hẹp để cho tình mở rộng” (Áo tím). Sau này, cô nữ sinh Đồng Khánh cũng đã theo chồng ra Bắc làm cô giáo, cô Phạm Thị Mua giảng dạy ở trường Bưởi (nay là trường Chu Văn An).

Nhà thơ Tế Hanh, khi viết lời giới thiệu cho tập thơ Dòng thời gian đã viết đại ý rằng Xuân Tâm có cái may mắn là yêu và được yêu. Tình yêu giữa người học sinh trường Quốc Học và người nữ sinh Đồng Khánh, Huế trong khung cảnh sông Hương núi Ngự thật đẹp và đã trở thành tình bạn đời đến già. Cho nên nhà thơ khẳng định không thể có một mối tình khác thay thế được: “Thi sĩ không sao vá được tình/ Mỗi lời ân ái đóng hơn đinh/ Trong hồn trong thịt trong xương tủy/ Dưới sóng thời gian chẳng đổi hình” (Vá tình).

Sự ra đi của nhà thơ Xuân Tâm đã khép lại một chặng đường “Thi nhân Việt Nam” với những “nhân chứng sống” là những tên tuổi đã làm nên một chặng đường thơ mới. Cầu mong, nơi chín suối, ông sẽ được tao ngộ cùng những bạn hữu của một thời vang bóng.

Theo Dân trí

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm