Lợi bất cập hại

24/06/2014 11:34 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Nhiều live show ca nhạc mà những năm trước phải chi tiền triệu mới hy vọng có vé thì nay có thể xem miễn phí ngay tại các thị trường lớn của live show như TP.HCM hay Hà Nội nhờ các nhà tài trợ. Chuyện này hiếm khi (nếu không nói là khó thể xảy ra) ở các nước có nền công nghiệp âm nhạc và giải trí phát triển. Thế là sao?

Live show Elvis Phương giảm giá từ 30-50%, giá vé từ đắt nhất 900 nghìn giảm chỉ còn 630 nghìn đồng, live show Quang Hà giảm từ 20-50%, hay mới nhất, chương trình Cầm tay mùa Hè đã phải hủy mà người trong giới nhìn nhận là do không bán được vé...

Vậy thì người mua vé đi đâu?


Nhóm nhạc nữ nổi tiếng của K-pop, SNSD, trong lần biểu diễn tại Việt Nam hồi tháng 3/2014

Đa phần vé của những show lớn tại Hà Nội hay TP.HCM đều được miễn phí. Miễn phí ở đây được hiểu theo nghĩa “chơi đẹp”  của nhà tổ chức. Ai đã từng đi xem RockStorm hẳn sẽ rất hài lòng về công nghệ tổ chức, từ âm thanh, ánh sáng, sân khấu, tới cả chất lượng âm nhạc. Còn nữa: Lacuna Coil là thần tượng của khá nhiều thanh niên Việt Nam. Làm sao để xem họ diễn? Rất dễ, mở YouTube. Còn nếu không, xin mời đến Tiger Translate. Hoàn toàn miễn phí. Chưa bao giờ công chúng Việt được tiếp cận những mô hình âm nhạc, chất lượng âm thanh, tên tuổi nghệ sĩ đẳng cấp thế giới với mức giá gần như cho không như vậy. Tất cả thông qua nhãn hàng. Sự rộng túi của các nhãn hàng, từ điện thoại đến đồ uống, từ nội thất đến giày thể thao đang làm cho thị trường biểu diễn Việt tới rất gần với thế giới. Thích Shayne Ward từ X-Factor? Hãy đến với Yan Beatfest. Adam Lambert đã “thiêu đốt” công chúng Việt tại H-Artistry 2013, tất nhiên, miễn phí.

Thế nhưng “sự cho không” này đang đẩy thị trường biểu diễn Việt Nam vào thế thụt lùi. Việc đẩy mạnh xu hướng miễn phí cho những chương trình ca nhạc chất lượng cao tại Việt Nam thúc đẩy sự tò mò nhưng đã tạo thành một thói quen là “miễn nhiễm” với giá vé, khâu quan trọng nhất để nuôi cả một guồng máy sản xuất và tổ chức biểu diễn. Những ngôi sao thượng thặng của làng giải trí K-pop như SNSD, Big Bang đến Việt Nam gần như miễn phí thì chẳng trách gì công chúng trẻ chẳng bỏ tiền đi xem Yohio đến từ Thụy Điển làm gì cho mệt trong khi Yohio là hình mẫu điển hình nhất của giới trẻ Thụy Điển “nhiễm” nặng J-pop và rất tài năng. Mà nói gì Yohio, đến Backstreet Boys từng sang Việt Nam với sự chuẩn bị chu đáo nhất của nhà tổ chức, từ sân khấu cho đến hệ thống âm thanh có thể xem là hiện đại nhất vào thời điểm đó, vậy mà vẫn lỗ chỏng gọng vì không có khán giả! Trách chi nhiều nhà tổ chức lắc đầu, nhiều ngôi sao quốc tế gạt cái tên Việt Nam ra khỏi lịch tour diễn Đông Nam Á của họ vì không thể bán vẻ được cho những công chúng nhiễm thói quen xem miễn phí!

Và riết thì, khán giả sẽ chỉ có một lựa chọn duy nhất cho thực đơn nghệ thuật của mình: lựa chọn do các nhà tài trợ lựa chọn! Tưởng là nhờ tài trợ miễn phí sẽ mở rộng cánh cửa thị trường âm nhạc Việt Nam với khu vực và thế giới, song thực tế, cánh cửa ấy lại đang khép lại.

Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm