Lian Trần: Có những con ngõ cụt của quần vợt Việt Nam để khai mở

03/04/2016 10:18 GMT+7 | Tennis Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 19/7/2016, Lian Trần mới chính thức bước sang tuổi 14, nhưng đã tạo nên những thành tích đặc biệt với quần vợt Việt Nam.  

Gần nhất là việc Lian Trần giành chức vô địch giải nữ toàn quốc ở Hải Dương. Chưa đẩy nửa tháng sau, Lian Trần là tay vợt nữ Việt Nam đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này lọt vào trận chung kết giải U14 ITF nhóm 1 tổ chức trên sân nhà. Tài năng ở độ tuổi 13 của Lian Trần là tin vui nhưng cũng là bài toán khó với quần vợt Việt Nam.

Tài không đợi tuổi

13 tuổi đã vào chung kết giải nữ VĐQG, bán kết giải các tay vợt xuất sắc toàn quốc và vô địch giải nữ toàn quốc, những thành tích đó đủ chứng tỏ tài năng của tay vợt 13 tuổi quốc tịch Hà Lan gốc Việt.

Không đầy nửa năm quyết định từ Hà Lan về Việt Nam theo chân người cha Trần Thế Thắng, cô bé sinh năm 2002 cũng không ngờ rằng tài năng của mình sẽ phát tiết mạnh mẽ như thế.

Lian Trần mạnh dạn bao nhiêu trên sân bóng thì khi đứng trước máy quay, em hồn nhiên và có phần nhút nhát như lứa tuổi 13 của mình: “Em không biết là khi về Việt Nam em lại được nhiều người biết đến như thế. Rất nhiều người lạ xin làm quen, nói chuyện với em.


Lian Trần về Việt Nam với những hy vọng thành công

Em rất vui vì có nhiều bạn bè. Việt Nam là đất nước rất xinh đẹp. Em muốn gắn bó với mảnh đất này lâu hơn. Quần vợt là đam mê và em quyết tâm sẽ theo đuổi sự nghiệp chuyên nghiệp”.

Giới chuyên môn nhận định, Lian Trần là tay vợt có kỹ thuật khá hoàn hảo, dù còn rất trẻ. Em sở hữu những cú thuận tay ổn định. Đặc biệt, những cú trái tay của Lian Trần uy lực hơn bình thường. Lian Trần có thể lực dồi dào.

Bằng chứng là ở giải đấu thứ 2 U14 ITF nhóm 1 châu Á trên sân nhà mới đây, từ trận tứ kết đến chung kết, Lian Trần đều trải qua 2 giờ đồng hồ phơi nắng dưới tiết trời oi ả của TP.HCM hiện tại.

Thi đấu liên tục nhưng Lian Trần càng đánh càng sung mãn. Nước da ngăm đen vì cháy nắng, vóc người dong dỏng và khuôn mặt đậm nét Á Đông, Lian Trần chính là nỗi e sợ của mọi đối thủ ở giải đấu vừa qua. Em chỉ chịu thua Park So-hyun, tay vợt Hàn Quốc là hạt giống số 1 của giải.

Điều hơi tiếc nuối với Lian Trần là ở giải đấu đầu tiên, vì vấn đề tâm lý nên em chơi không đúng sức và để thua từ vòng 2. Tâm lý cũng là một điểm yếu của bất cứ người trẻ nào.

Thế nên, ở giải đấu thứ 2, dù đã lọt đến trận chung kết nhưng em cũng không thể giành 1 trong 4 suất cùng đội U14 ITF châu Á dự giải đấu ở châu Âu (tính thành tích trung bình cả 2 giải đấu vừa qua, Lian Trần xếp hạng 6).

Lian Trần cho biết: “Em chỉ có chưa đầy 3 tháng đến tập ở TP.HCM. Em đã nỗ lực hết sức nhưng cũng có thời điểm trận chung kết em không thể hiện được mình. Đối thủ cũng xứng đáng chiến thắng vì bạn ấy mạnh hơn. Giải đấu U14 ITF nhóm 1 này có rất nhiều VĐV mạnh tới từ rất nhiều quốc gia trong châu Á và đây là cơ hội tốt để em học hỏi”.


HLV Trần Quốc Phong (bìa phải)

Bài toán hóc búa nhìn từ Lian Trần

Chưa vội kể về những tài năng trẻ của quần vợt Việt Nam vì nhiều lý do đã bị mai một, tham khảo ý kiến trước tiên của ông Trần Quốc Phong (HLV đội quần vợt trẻ TP.HCM) mới thấy được thực trạng của quần vợt Việt Nam.

Khi hỏi ông Phong về những nghịch lý khiến quần vợt Việt Nam không biết khi nào mới chuyên nghiệp thực sự, ông Phong cho biết có vô vàn lý do: “Hiện nay, các VĐV Việt Nam có những suy nghĩ mà tôi cũng không hiểu được. Ở lứa tuổi 25, 26 là tuổi chín muồi của quần vợt thế giới thì các VĐV nữ Việt Nam mình nghĩ rằng đó là tuổi hết thời rồi, không thể và không còn động lực để phấn đấu hơn nữa.

Thực sự tôi đánh giá trình độ của những Tâm Hảo hay Bội Ngọc vẫn tốt hơn Lian Trần, nhưng vấn đề là họ không cố gắng, không nỗ lực tối đa để thắng VĐV trẻ. Nếu các em tập luyện nghiêm túc, nỗ lực hơn thì Lian Trần khó mà thắng được các đàn chị ngay bây giờ.

Quần vợt Việt Nam, đặc biệt là ở nữ hiện nay không VĐV nào được tham dự các giải nhà nghề hết. Họ chỉ thi đấu các giải trong nước hoặc chỉ thi đấu giải mở rộng ở các quốc gia lân cận như Thái Lan, Malaysia…

Tôi đánh giá Đài Trang là VĐV tiềm năng nhưng em đang học ở Mỹ, vừa học vừa đánh ở đó, chưa xác định rõ ràng có theo quần vợt luôn hay không. Gọi VĐV nữ Việt Nam là nửa chuyên nghiệp, nửa bán chuyên nghiệp bởi vì VĐV muốn chuyên nghiệp phải thi đấu nhà nghề để tích lũy điểm, sau đó tiến lên tham gia các giải thuộc hệ thống WTA.

Việt Nam mình hiện nay chưa có VĐV nào có điểm, duy nhất chỉ có Lý Hoàng Nam tham gia thi đấu ở các giải nhà nghề và tích lũy được điểm mà thôi”.

Điều khác biệt của Việt Nam so với thế giới, theo ông Phong nhìn nhận nữa là: “Đó là do cách quản lý, hệ thống thi đấu ở Việt Nam mình. Các VĐV nước ngoài xem quần vợt là một công việc. Họ tự đầu tư cho bản thân họ, sau đó nếu thành công thì họ sẽ kiếm lợi từ công việc đó. Nó khác với VĐV Việt Nam mình hầu hết sẽ được Nhà nước hoặc một đơn vị chủ quản nào đó đầu tư để họ phát triển tài năng. Nhưng tương lai, VĐV được đầu tư đó sẽ đem lại những gì cho quần vợt Việt Nam thì tôi chưa thấy thành quả cụ thể.

Nói chung, với hoàn cảnh kinh tế hiện tại, đòi hỏi Nhà nước đầu tư cho VĐV để thành nhà nghề thì rất khó. Thêm nữa, tính chuyên nghiệp của VĐV Việt Nam là không cao. Ví dụ chỉ Lian Trần muốn tập nhưng các VĐV khác không muốn tập thì vấn đề sẽ khác ngay.

Rồi vấn đề nữa, xem Lian Trần thi đấu ở giải U14 ITF nhóm 1 châu Á vừa qua, giải đấu đầu tiên Lian Trần dù có thứ hạng ITF cao thứ 2 của giải nhưng lại không thể hiện đúng khả năng. Phải đến giải thứ 2, Lian Trần mới cải thiện tình hình để chơi tốt hơn.

Lian Trần lâu không đánh giải nên gặp vấn đề tâm lý là bình thường. Đó là vấn đề của quần vợt Việt Nam. VĐV nước ngoài đánh giải để tập còn VĐV Việt Nam tập để đánh giải. 2 vấn đề đó hoàn toàn khác nhau, ảnh hưởng lớn đến VĐV.

Quần vợt khác với bóng đá nhiều đấy. Ví dụ như cầu thủ đá bóng hay thì ở ngóc ngách nào người ta cũng sẽ tìm đến, cơ hội thành ngôi sao cũng dễ đến với cầu thủ đó hơn. Còn quần vợt đánh cho hay cũng chưa chắc thành tài. Vì quần vợt muốn hay phải đi đánh giải nhiều. Đi nhiều, đánh nhiều thì tốn nhiều tiền.

Vấn đề “đầu tiên” mà không có thì không thể phát triển tài năng. Rồi khi thành công cũng phải có đội ngũ quản lý giỏi, chế độ ăn uống tập luyện, tâm lý nữa… Nếu tâm lý không vững vàng, bị phân tâm trong môn thể thao này thì sẽ thể hiện trên sân banh ngay, cú đánh của VĐV đó sẽ không tốt ngay”.

Lian Trần không thể viết tiếp kỳ tích

Lian Trần không thể viết tiếp kỳ tích

Tay vợt trẻ số 1 Việt Nam Lian Trần đã không thể hoàn thành giấc mơ vô địch giải đấu vừa kết thúc trên sân nhà chiều 25/3 dù đã nỗ lực hết sức.


Là HLV trực tiếp của Lian Trần, ông Phong chia sẻ: “Lian Trần từ ngày sang Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Em không còn thoải mái chơi quần vợt hồn nhiên, không toan tính suy nghĩ như những ngày đầu vừa sang đây. Mạng xã hội, báo chí đã có tác dụng ngược với Lian Trần. Bây giờ mở facebook ra, Lian Trần thấy nhiều người khen ngợi, rồi có áp lực chẳng hạn như những lời bình luận Lian Trần phải thắng đối thủ này, không thể thua tay vợt kia…

Đó thực sự là áp lực ảnh hưởng đến Lian Trần. 13 tuổi, Lian Trần mới chỉ là một cô bé chưa thể kiểm soát được bản thân chứ chưa nói đến những chuyện xung quanh mình. Báo chí cũng tung hô Lian Trần giờ như người nổi tiếng ở Việt Nam nên cũng là một áp lực đối với em ấy.

Không kể cả Lian Trần, một VĐV khi thành công ở lứa tuổi U14 thì không nói lên được điều gì trong tương lai hết. Đơn giản là không chỉ VĐV Việt Nam mà cả châu Á, như vừa rồi đội U14 Hàn Quốc thậm chí còn vô địch thế giới. Nhưng trong tương lai, để các VĐV đó nằm trong top 100 thế giới là một chuyện hoàn toàn khác.

Ở châu Á hiện tại có rất ít VĐV có thể lọt được vào top 100 thế giới. Một VĐV trưởng thành, bắt đầu từ 18 tuổi thì VĐV châu Âu đã có sự khác biệt so với VĐV châu Á từ thể hình, thể lực. Nhìn cách họ cầm vợt, di chuyển nhẹ nhàng, đỡ tốn sức hơn VĐV châu Á”.

Có thể lấy ví dụ ngay ở trường hợp Tiffany Nguyễn, tay vợt năm nay 16 tuổi từng làm mưa làm gió ở giải đấu nhóm 2 U14 ITF châu Á năm 2013.

Cô gái thuộc đội quần vợt B.Bình Dương sở hữu năng khiếu nổi bật, chiều cao và thể hình tốt hơn nhiều bạn bè đồng lứa nhưng hiện tại, Tiffany chưa có dấu hiệu trưởng thành vượt bậc.

Vì vậy, phía trước Lian Trần có nhiều con ngõ cụt của Quần vợt Việt Nam để khai mở!

Rời Hà Lan về Việt Nam vì cơ hội được đầu tư?

Sau khi từ Việt Nam về nước, gia đình Lian Trần đã gửi con mình tập luyện cùng đội quần vợt B.Bình Dương dù sau đó đăng ký thi đấu trong màu áo đội quần vợt Liên đoàn quần vợt Việt Nam.

Sau khi đi nhiều đơn vị để khảo sát, xem xét tình hình tập luyện, chế độ đãi ngộ VĐV như thế nào, ba của Lian Trần là ông Trần Thế Thắng đã quyết định cho cả 2 người con của mình (chị của Lian là Demi Trần) ký hợp đồng ngắn hạn 1 năm với TP.HCM.

Có thể nếu sớm được nhận quốc tịch Việt Nam, Lian Trần sẽ gắn bó lâu dài với địa phương này. Ông Trần Thế Thắng cho biết: “Chúng tôi quyết định từ Hà Lan về Việt Nam là để tìm cơ hội cho 2 chị em. Ở Hà Lan, Lian Trần không có người tập chung. Gia đình tạm thời chọn TP.HCM làm bến đỗ nhưng mọi thứ trong tương lai lâu dài vẫn chưa có gì rõ ràng. Chúng tôi mong muốn con mình sẽ được đầu tư tốt nhất. Gia đình ủng hộ đam mê của con và tạo điều kiện cho con thi đấu quần vợt chuyên nghiệp”.

Bà Nguyễn Thị Kiều Mỹ (Tổng thư ký HTF) cho biết: “Theo kế hoạch đã có, Lian Trần sẽ có 1 năm 2016 bận rộn, vừa tập luyện vừa thi đấu liên tục. Chỉ có khoảng tháng 4 và 5, Lian Trần chuyên tâm vào tập luyện, còn những tháng còn lại trong năm đều đánh giải. Từ giải thanh thiếu niên trẻ toàn quốc và đặc biệt trong năm nay có 2 giải U18 ITF tổ chức ở Việt Nam, Lian Trần sẽ được tạo cơ hội thử sức”.


Việt Hà
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm