Ký ức Thăng Long - Hà Nội (Kỳ 1): Từ cơm sáng đến quà sáng…

17/06/2019 14:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - … đó là một phần của lịch sử Thăng Long - Hà Nội, một phần thấm đẫm ký ức, kỷ niệm của bao thế hệ. Và gần đây, chuyện cho trẻ tiền ăn sáng cũng trở thành vấn đề tranh luận trên mạng xã hội. Thế mới biết, chuyện cơm sáng hay quà sáng quan trọng như thế nào.

Xem chuyên đề "Mọt sách, mọt sử, mọt phim tại đây"

Lần theo phong thủy kinh thành Thăng Long xưa (kỳ 1): Núi thiêng trong kinh thành

Lần theo phong thủy kinh thành Thăng Long xưa (kỳ 1): Núi thiêng trong kinh thành

Trong "Chiếu dời đô", Lý Công Uẩn đã tuyên bố, Thăng Long "ở nơi trung tâm trời đất, được cái thế rồng cuộn, hổ ngồi… đã đúng ngôi Nam Bắc Đông Tây, lại tiện nghi núi sông sau trước”. Không thể phủ nhận rằng, cùng với thiên thời và nhân hòa thì "địa lợi" là một trong những yếu tố để người xưa đi đến quyết định chọn Thăng Long là kinh đô muôn đời cho con cháu đời sau.

Thời Nhà Lý có chợ Tây Nhai (tương ứng khu vực chợ Ngọc Hà ngày nay), thời nhà Lê có chợ Cầu Đông (tương ứng với phố Hàng Đường, Hàng Buồm ngày nay), đông đúc và lớn nhất khi đó là bán xôi, bánh, chè, bánh đúc... Ngoài chợ, các bến đò ngang, đò dọc cũng có hàng quà bán cho khách.

Sinh hoạt như vậy kéo dài nhiều thế kỷ. Thế nhưng dân Thăng Long không ăn quà sáng, họ ăn cơm cho chắc dạ như nông dân.

Từ những tiếng rao đầu tiên

Trong cuốn Chuyện cũ bên sông Tô (thực chất là gia phả của dòng họ Nguyễn Đình, quê gốc Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội lên buôn bán ở Thăng Long từ thế kỷ 17) của Nguyễn Công Chí kể rằng thời vua Minh Mạng, cứ nghe trống canh 5 trong thành vọng ra là nhà nhà trong phố dậy nấu cơm.

Ăn xong, đàn ông thì làm tuần nước chè, còn các bà ăn miếng trầu chuẩn bị cho ngày mới. Gia đình có cửa hiệu buôn bán rục rịch dọn hàng. Thị dân cũng chuẩn bị làm công việc thường ngày. Bữa sáng bao giờ cũng nấu dư để trưa nếu đói thì ăn bát cơm nguội. Nhà có điều kiện có thêm đồ ăn vặt như: củ khoai, chè, cháo, bánh... Nhưng đến đầu đời vua Tự Đức, buôn bán phát triển, các cơ sở sản xuất thủ công mở rộng, việc nhiều hơn nên nhiều gia đình bắt đầu ăn sáng bằng quà cho tiện.

Bằng chứng là năm 1894, nhà nghiên cứu người Pháp Edmond Nordemann viết cuốn sách có tựa đề Quảng tập viêm văn: An Nam văn tập, phần về tiếng rao vào buổi sáng trên phố Hà Nội, Edmond thống kê cả thảy có 30 tiếng rao trong đó có rao quà như: “Ai bánh bao ra mua”, “Ai bánh cuốn Thanh Trì ra mua nào”, “Ai bánh giò ra mua nào”...

Chú thích ảnh
Gánh phở rong trên phố Hà Nội những năm 1890 - 1900. Ảnh tư liệu

Có tiếng rao quà vào buổi sớm có nghĩa là có người ăn quà sáng. Và như vậy, ngoài ăn sáng bằng cơm trong nửa cuối thế kỷ 19 ở Hà Nội đã có người ăn sáng bằng quà.

Khi thực dân Pháp chiếm Hà Nội đã làm xuất hiện nhiều loại quà mới như: phở, bánh Tây (nay gọi là bánh mì), các loại bánh ngọt, sữa... làm cho quà sáng phong phú hơn bên cạnh các loại quà vốn có từ trước đó gồm: xôi, bánh cuốn, bún ốc, bún chấm...

Đầu thế kỷ 20, xã hội Việt Nam có nhiều thay đổi, ở Hà Nội ngày càng nhiều người Việt làm công chức, viên chức cho các sở Tây, làm ký cho các hiệu buôn. Tầng lớp thị dân cũng chuyển sang ăn quà sáng thay cơm.

Tuy nhiên, kiểu ăn và miếng ăn quà sáng cũng bị ảnh hưởng bởi Nho giáo. Chỉ người lớn mới được quyền ăn ở quán, có bàn ghế đàng hoàng, ngồi ngoài đường nhai nhồm nhoàm là thiếu lòng tự trọng. Vì thế ngồi ăn ở các quán vỉa hè chỉ có người lao động.

Trước khi con cái đến trường, người lớn trong gia đình ra phố mua về cho con ăn trong nhà, không có chuyện cha mẹ dắt con ra quán. Ăn xong nếu nhà giàu thì có xe tay gia đình đưa đến trường, nhà không có, trẻ phải tự đi vì thời kỳ đó đường phố vắng vẻ. Mặt khác, trẻ cũng không được quyền đòi hỏi ăn quà này, quà kia, ăn gì là do người lớn quyết định. Không có chuyện người lớn cho trẻ vài xu để chúng tự ăn sáng, bởi quan niệm đứa trẻ còn quá nhỏ mà sớm biết đồng tiền sẽ sớm có thói quen tiêu tiền và lớn lên sẽ tiêu như phá thì không thể bao lo cho gia đình. Khi trẻ đã học trung học, lúc đó cha mẹ tin tưởng có thể cho vài xu, vài hào tiêu vặt và mua sắm những thứ cần thiết.

Đến cả một lối sống văn hóa

Thập niên 1930 - 1940, dân các vùng miền đổ về Hà Nội kiếm sống ở chật các khu trọ rẻ tiền và không ai đi làm với cái bụng trống rỗng, nên xôi là sự lựa chọn của người ít tiền.

Bán xôi phần lớn là bà già hay phụ nữ trung tuổi người làng Tương Mai. Bán bánh cuốn là dân Thanh Trì. Nhiều người cứ tưởng họ cho hành thái nhỏ li ti lên mặt bánh để cho ngon nhưng thực ra không phải như vậy, họ cho hành để khi bóc bánh sẽ không dính. Bên cạnh lớp bánh cuốn có chai nước mắm, vài lạng chả cùng ít bát đĩa.

Còn bà bán bún thang thì trong lúc cùng thằng nhỏ giúp việc bày biện đã rao đi rao lại: Ai bún thang nào... Khi người bán quà rong mỏi chân, họ dừng bên cạnh cửa nhà nào đấy và thế nào cũng mời chủ nhà ăn quà, rồi nhất quyết không lấy tiền như để cám ơn đã cho ngồi nhờ trước cửa.

Mùa nào thức nấy, đường phố luôn đầy ắp tiếng rao quà và các bà, các cô dù đang làm gì mà nghe tiếng rao thứ quà mình thích là gọi. Thậm chí họ rõ biết giờ này sẽ có hàng quà gì qua, giờ kia là hàng gì.

Cơm sáng, quà sáng - chuyển vận theo thời cuộc

Thời bao cấp, Hà Nội xuất hiện các cửa hàng ăn uống quốc doanh. Các cửa hàng này bán phở, mì, bánh mì ngọt... dẫn đến các cửa hàng phở, bún của tư nhân ít dần và cũng hạn chế người bán quà rong buổi sáng.

Cuộc sống khó khăn người lao động nghèo mất dần thói quen ăn quà sáng. Người làm nhà nước lương cao vẫn có thể ăn phở nhưng công nhân lương thấp thì chỉ dám mua gói xôi. Nhiều gia đình quay lại nấu cơm ăn sáng như từng có trong lịch sử. Cả nhà ăn rồi sau đó người lớn cho vào cặp lồng mang đến nơi làm việc để ăn bữa trưa. Cơm và thức ăn còn lại để cho con học buổi sáng về ăn.

Vào mùa Đông, cơm xới vào cái liễn sau đó ủ trong chăn bông để giữ ấm. Cách này chỉ có tác dụng giữ ấm được vài tiếng nhưng còn hơn cơm lạnh ngắt.

Lại có nhà lo ăn sáng bằng cách bữa chiều hôm trước nấu dư cơm để sáng hôm sau có cơm nguội rang cho cả nhà ăn. Vì thực phẩm bán bằng phiếu và theo tiêu chuẩn nên nhà nào mua mỡ thì thôi mua thịt hoặc ngược lại. Không sẵn mỡ nên rang cơm chỉ có chút nhờn nhờn cho khỏi cháy chảo. Có hôm hết nước mắm hay xì dầu đành phải thay bằng nước muối.

Lại thêm gạo mậu dịch để trong kho vài năm mới mang bán nên cơm rang vừa khô vừa rời rạc. Không ăn thì đói không học được nên trẻ dù không thích cũng phải ăn. Vì biết nhà thiếu thốn, hàng xóm cũng thiếu thốn như nhà mình nên trẻ con thời đó không bao giờ mè nheo, đòi hỏi. Và chúng cũng biết có đòi hỏi cũng chẳng được, đành trệu trạo.

Lại có giai đoạn Hà Nội ăn độn mì nên bữa sáng có khi là mì sợi nấu, bánh mì hay bánh bao. Mì sợi nấu với nước lã cho tí mì chính để dễ nuốt. Mùa có cà chua thì cho một, hai quả, nồi mì có màu hồng đánh lừa thị giác cũng đỡ ngắc ngứ hơn. Không có cà chua, nồi mì trắng như mắt ma.

Rồi những năm 1973 - 1974, Hà Nội ăn sáng bằng bánh mì, thời điểm đó mỗi gia đình được phát một quyển sổ ghi tiêu chuẩn bánh mì. Bánh mì để trong xe cỡ xe cải tiến được nhân viên ngành lương thực đẩy đến đầu phố, cứ mang sổ ra lấy, lấy bao nhiêu thì họ gạch sổ. Cũng có bánh mì ngọt nặng 100 gram cong cong nên gọi là bánh sừng bò. Sổ bánh mì rất đơn giản, làm giả rất dễ nhưng chẳng ai làm, phần vì lòng tự trọng, phần vì nếu không may bị phát hiện sẽ bị bắt vì mấy cái bánh mì thì quá nhục.

Rồi quà sáng cũng thay đổi vào đầu thập niên 1990 khi kinh tế đất nước khá lên. Hình như không muốn con cái phải trệu trạo nhai cơm rang như mình nên cha mẹ cố gắng cho con quà sáng trước khi con đến lớp. Và quan niệm cũng có nhiều thay đổi, nhất là ngày nay. Có gia đình đưa tiền cho con để chúng tự ăn. Lại có gia đình vẫn giữ nếp xưa, mua về cho con ăn và cũng không ít phụ huynh dẫn con đi ăn rồi đưa đến lớp.

Chuyện cho trẻ tiền ăn sáng cũng trở thành vấn đề tranh luận trên mạng xã hội. Bên thì cho rằng không nên đưa tiền cho trẻ ăn sáng mà người lớn nên cho chúng ăn để nhìn thấy chúng ăn vào mồm, ăn những thứ vệ sinh. Nhưng bên kia lại quan niệm khác, cho rằng đưa tiền cho trẻ để chúng tự ăn quà sáng là rèn cho tính tự lập đồng thời cũng cho chúng biết cách tiêu tiền.

Bên nào cũng có cái lý. Tuy nhiên có một thực tế là có trẻ chỉ dùng một phần tiền cha mẹ cho để ăn sáng, số tiền còn lại chúng để dùng vào việc khác, ví dụ như chơi trò chơi điện tử.

Phần lớn người nước ngoài đến Việt Nam đều có chung thắc mắc, từ người lớn đến con trẻ đều ăn sáng ở quán, trong khi ai cũng phàn nàn chuyện an toàn vệ sinh thực phẩm và ẩm thực đường phố chưa mấy vệ sinh? Đó là thắc mắc rất đáng lưu tâm.

Nguyễn Ngọc Tiến

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm