Kịch 'Rồi… mắc cái gì cười?': Tựa đề bông lơn, nhưng xem xong phải khóc

14/04/2021 19:06 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Vở kịch Rồi… mắc cái gì cười? (kịch bản: Quốc Nguyễn, đạo diễn: NSƯT Hữu Quốc) vừa mới công diễn tại Kịch 5B, TP.HCM. Tựa đề của vở diễn như một câu nói đùa cợt, nhưng nội dung vở diễn không chỉ dừng lại ở tiếng cười, mà có sự sâu lắng đủ lấy nước mắt của khán giả.

Hữu Quốc truân chuyên trên con đường thênh thang lẫn gập ghềnh

Hữu Quốc truân chuyên trên con đường thênh thang lẫn gập ghềnh

NSƯT Hữu Quốc là một tài năng của sân khấu cải lương, nhưng hiện nay anh đang xông xáo ở 5B và đạt được nhiều thành công trong lĩnh vực kịch. Có thể nói, Hữu Quốc là một nghệ sĩ đa năng, anh có thể vừa là diễn viên kiêm đạo diễn, kiêm cả sáng tác kịch bản, làm MC và cả “ông bầu”…

NSƯT Hữu Quốc là dân cải lương, nhưng khá có duyên với sân khấu kịch nói. Tại Kịch 5B, anh đã dàn dựng các vở như Diều ơi, Tía ơi con muốn lấy chồng, Bồ công anh… Tất cả các vở này đều lấy cảm tình khán giả nhờ tạo nên tiếng cười lẫn những giọt nước mắt. Cũng như các vở kia, vở Rồi… mắc cái gì cười? anh cũng chính là người viết kịch bản, nên khi đạo diễn cho nhiều thuận lợi hơn.

Tình huống lạ và hiếm

Theo Hữu Quốc, câu chuyện bắt đầu từ việc anh nhìn thấy đam mê nghệ thuật cháy bỏng của cặp diễn viên sinh đôi Võ Ngọc Tân và Võ Ngọc Tiến, để nảy ra ý tưởng về 1 câu chuyện mà 2 nhân vật giống hệt nhau về ngoại hình. Điều này sẽ làm cho vở diễn có được tình huống lạ và hiếm, điều mà thiếu diễn viên sinh đôi, khó làm được.

Lúc đầu, Hữu Quốc đặt tựa là Rồi… mắc cái gì phải khóc?, nhưng sau khi bàn bạc với NSƯT Mỹ Uyên thì thống nhất đổi thành Rồi… mắc cái gì cười? để giống một câu chất vấn có tính đùa cợt của giới bình dân Sài Gòn. Quả thật, khoảng nửa đầu câu chuyện, khi các nhân vật “bóng lộ” xuất hiện một cách ồn ào và màu mè, người xem thầm nghĩ chắc đây là một vở kịch mượn đề tài giới tính để chọc cười.

Chú thích ảnh
Nhờ sinh đôi mà Võ Ngọc Tân (trái) và Võ Ngọc Tiến (phải) đã có được những tình huống lạ và hiếm

Thế nhưng, khi bước qua màn 2, nhất là gần đoạn kết, vở hài kịch đã chuyển sang bi kịch, có chiều sâu cảm xúc, đưa người xem vào một trạng thái hoàn toàn khác. Đây cũng là 1 tình huống lạ và hiếm, đưa người xem đến với sự bất ngờ.

Anh em Võ Ngọc Tân và Võ Ngọc Tiến cộng tác khá lâu với Kịch 5B, nhưng các vai diễn trước chưa tạo được ấn tượng sâu sắc. Với vai Nhân và Tươi trong vở này, họ đã có cơ hội thăng hoa, tạo được cảm xúc khá tốt đối với khán giả.

Võ Ngọc Tiến hóa thân mềm mại vào Nhân, 1 chàng đồng tính yếu ớt, luôn muốn che giấu thân phận. Võ Ngọc Tân rất xù xì và mạnh mẽ trong tính cách của Tươi, 1 đứa trẻ bụi đời lớn lên từ đường ray xe lửa. Và tình huống đẹp nhất chính là lúc họ cùng sà vào vòng tay của bà vú điên (Mỹ Uyên), 3 mẹ con nhận ra nhau. Lúc đó, cả 3 đều khóc, những giọt nước mắt của họ làm khán giả thổn thức.

Một nỗ lực để sáng đèn

Vở này có sự tham gia của rất nhiều diễn viên, phần đông còn rất trẻ. Đây là điều rất khó thực hiện trong thời buổi mà các diễn viên thành danh thì rất bận rộn, còn các diễn viên trẻ thì thích tham gia truyền hình và trên mạng, dễ có lương cao, dễ nổi tiếng hơn diễn kịch nói.

Trong nỗ lực để Kịch 5B sáng đèn thường xuyên, bà bầu Mỹ Uyên đã nặn óc thực hiện tất cả các phương án khả thi. 1 trong các phương án đó là tạo ra 1 kịch mục hay, với hy vọng giữ chân được các diễn viên trẻ và lôi cuốn thêm khán giả mới.

Trong buổi diễn ra mắt, bà bầu Mỹ Uyên bộc bạch: “Chúng tôi xin cảm ơn sự có mặt của báo giới, đồng nghiệp và đặc biệt là khán giả yêu kịch nghệ đã đến đây trong suất hát đầu tiên. Thú thật, suất diễn đêm nay chúng tôi chỉ bán được hơn 10 vé, nhưng vẫn tin các suất sau sẽ bán khá hơn. Nhiều năm qua, tháng nào chúng tôi cũng bù lỗ, nhưng không vì thế mà chúng tôi nhụt chí. Chúng tôi cố gắng hết sức có thể để kéo khán giả đến rạp bằng những vở diễn chạm được vào cảm xúc. Chúng tôi cũng tin rằng khán giả yêu thích xem kịch nói tại rạp hát vẫn còn nhiều, họ luôn sẵn sàng đi xem và giới thiệu bạn bè đến xem những vở có chất lượng tốt”.

Rõ ràng trong tình cảnh hiện tại, để có được một vở diễn làm lay động tình cảm của khán giả như Rồi… mắc cái gì cười? là một nỗ lực rất lớn. Bởi ngay lực lượng biên kịch cũng ưu tiên sáng tạo của mình cho các hình thức nghệ thuật khác, dễ phổ biến và có thu nhập khá hơn.

Qua đây mới thấy rằng những nghệ sĩ còn say sưa với kịch nói quả là đáng trân trọng. Thánh đường sân khấu hôm nay không còn hào quang rực rỡ nhưng nó vẫn là 1 ngôi đền thiêng, vẫn rộng mở với những ai đủ đam mê, đủ niềm tin để cháy hết mình cho 1 tình yêu không giới hạn.

Tam Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm