Kể chuyện lịch sử từ trong lòng đất (Kỳ 6): Bộ hài cốt trong chiếc nồi đồng từ hàng ngàn năm

26/10/2020 19:12 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Đầu năm 2018, trong khi mở rộng phía sau khu nhà điều hành trạm khai thác và chế biến Nhà máy Apatit Lào Cai Tân Vinh, máy ủi làm vỡ xuất lộ một hiện vật đồng bên trong văng ra một vài hiện vật đồng Đông Sơn như rìu, giáo. Ngay lập tức Bảo tàng tỉnh Lào Cai đã cử cán bộ về khảo sát và giữ nguyên hiện trạng cho đến khi chúng tôi cùng nhau có mặt.

Kể chuyện lịch sử từ trong lòng đất (Kỳ 5): Hé lộ từ quả cân đồng trong con tàu đắm Bình Châu

Kể chuyện lịch sử từ trong lòng đất (Kỳ 5): Hé lộ từ quả cân đồng trong con tàu đắm Bình Châu

Trong cuộc khai quật tàu đắm thế kỷ 13-14 ở Bình Châu (Quảng Ngãi), ngoài số đồ gốm chủ yếu là hàng hóa con tàu chuyên chở đi buôn bán còn một số ít đồ do thương lái và các thuyền viên mang theo phục vụ cuộc sống đi lại và buôn bán, như đĩa chén, tiền đồng, gương đồng, nồi đồng… đặc biệt có một quả cân đồng.

Đây là một ngôi mộ thời Đông Sơn, dùng một chiếc nồi đồng dạng trống đặt ngửa, bên trong còn hài cốt người. Quan sát địa tầng chưa thấy dấu hiệu gì liên quan, như gạch hay than tro, cũi gỗ. Rất có thể là cũi gỗ đã bị tiêu hủy do đất đồi có độ pH cao.

Mộ cải táng vào nồi đồng

Dựa vào vị trí dấu in hiện vật đồng, có thể thấy đáy mộ nằm cách bề mặt hiện tại khoảng 150cm. Mộ đặt trong một khu đồi thấp, bên cạnh một khe nước nhỏ. Chúng tôi đã phối hợp với nhà máy mở rộng diện tích san gạt với sự quan sát của cán bộ chuyên môn bảo tàng Lào Cai. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa thấy thêm hiện tượng gì khác.

Chú thích ảnh
Phác họa mặt cắt nồi đồng và xương cốt người cùng vật tùy táng

Như đã nói, trong điều kiện quan sát trực tiếp, chúng tôi không nhận ra biên mộ. Nhờ phát hiện xương cốt người bên trong đồ đựng dáng nồi trống bằng đồng giúp khẳng định đây là mộ cải táng với những lý do sau đây: Thứ nhất, xương hông chứng tỏ đây là một cá thể trưởng thành. Không thể hình dung việc đặt một xác người trưởng thành vào một chiếc nồi có kích thước như vậy (cao 61cm, rộng miệng 53cm). Thứ hai, không thấy đủ vị trí giải phẫu cũng như đầy đủ các phần xương thân.

Có 4 chiếc rìu đồng dạng lưỡi xéo cong và xòe cân thân hình chữ nhật gài xung quanh thành và đáy nồi. Bản thân chiếc nồi đã vỡ, nhưng dễ dàng phục dựng lại được cho thấy nồi dạng trống 4 tai quai, đáy phẳng rất điển hình thường thấy ở Bắc Việt Nam và ở Vân Nam, Qúy Châu (Trung Quốc).

Chú thích ảnh
Cán bộ Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á đang xử lý mộ nồi trong kho Bảo tàng Lào Cai

Bộ xương còn phần chi dưới và hông nằm ở sát đáy nồi ôm lấy phần sọ bị vỡ do máy ủi. Xương bả vai và một phần chi trên còn thấy hình thù, còn lại tất cả xương cốt ở tình trạng rất mủn nát. Phần nắp đậy không còn, có thể dự đoán là gỗ.

Dấu vết của các thủ lĩnh thời An Dương Vương

Khu vực đồi gò dọc sông Hồng chảy qua vùng Cam Đường - Lào Cai đã phát hiện được khá nhiều mộ táng quý tộc Đông Sơn quan trọng. Chiếc mộ cải táng dùng nồi trống làm quan tài này nằm trong bối cảnh chung đó.

Chú thích ảnh
Hiện trường phát hiện mộ Đông Sơn ở Lào Cai

Điều cần thảo luận ở đây là tính trọng điểm khá đặc biệt của khu vực và đặc trưng Đông Sơn Tây Âu thể hiện qua bộ đồ đồng đã phát hiện. Chúng tôi đã 1 lần thông báo về tính chất Tây Âu của trống Đông Sơn và một ngôi mộ giàu có ở Bắc Cường (Lào Cai).

Kiểu dáng chiếc nồi trống dùng chứa hài cốt và tùy táng ở đây cùng loại với những khu mộ “Tây Âu” ở Quý Châu, Vân Nam, Quảng Tây bên Trung Quốc. Ở Việt Nam, loại nồi kiểu này cũng đã từng thấy trong mộ thân cây khoét rỗng ở Đồng bằng Bắc Bộ và rải rác ở các khu mộ Đông Sơn vùng bán sơn địa Thanh Nghệ.

Chú thích ảnh
Đuôi thuyền độc mộc thời Đông Sơn có niên đại C14 ở thế kỷ IV TCN

Rìu xéo đồng lưỡi cong tròn cũng đã thấy ở Miếu Môn (Hà Nội) và tập trung nhất ở Vĩnh Lộc, Thọ Xuân (Thanh Hóa), Nghĩa Đàn (Nghệ An) vào tận Bãi Cõi (Hà Tĩnh). Theo chúng tôi, đó là vệt “Nam tiến” của các thủ lĩnh Âu Lạc mà người đứng đầu huyền thoại là “Thục Vương tử” An Dương Vương (Xem Mầm Âu Lạc trong nhà nước Chăm Pa sớm trong Kỷ yếu Hội nghị “100 năm phát hiện và nghiên cứu Văn hóa Sa Huỳnh” tại Quảng Ngãi và trong Hà Nội thời Tiền Thăng Long - NXB Hà Nội).

Sự tập trung đồ đồng Đông Sơn quý tộc mang đậm phong cách Tây Âu ở thượng lưu sông Hồng, đoạn từ Lào Cai qua Yên Bái đến Ngã ba Hạc Trì cho thấy đây là vùng trọng điểm của các thủ lĩnh Tây Âu mà sau này rơi rớt lại là phân bố của bộ Tây Vu khổng lồ khiến Mã Viện phải xin Hoàng đế nhà Hán chia ra thành 3 huyện để dễ bề cai quản: Đó là Tây Vu, Phong Châu và Vọng Hải.

(Còn nữa)

“Mò” được thuyền độc mộc 2.000 năm ở
sông Kinh Thầy

Vừa qua, để tiếp tục thực hiện mở rộng đề tài liên quốc gia (Việt Nam, Australia, Pháp và Đức), chúng tôi tiếp tục triển khai công tác trục vớt các thuyền độc mộc đắm ở đoạn sông Kinh Thầy nhận nước từ Lục Đầu Giang. Kết quả đã thu gom được thêm 11 cá thể thuyền độc mộc thuộc các thời khác nhau, trong đó có 3 thuyền từ thời Đông Sơn, cách đây khoảng trên dưới 2.000 năm.

Thế nào là thuyền độc mộc Đông Sơn?

Chúng tôi đã công bố chiếc thuyền độc mộc Đông Sơn đầu tiên khai quật ở Động Xá năm 2004. Tôi cũng đã thông báo phát hiện thêm thuyền độc mộc Đông Sơn ở Hội nghị Thông báo Khảo cổ học năm 2016 và Hội nghị các nhà khảo cổ học Đông Nam Á ở châu Âu. Cụ thể tại khu mộ Động Xá (Hưng Yên), trong số hàng mấy chục quan tài thân cây khoét rỗng hay bó vỏ cây, bó mành tre... có 1 quan tài được cắt ra từ phần đuôi một con thuyền độc mộc. Chiếc thuyền này đã được lấy mẫu định tuổi C14, AMS (có 5 mẫu trực tiếp lấy từ gỗ quan tài và các vật dụng tùy táng, cho niên đại tập trung ở giữa thế kỷ 1 TCN) và ngay khi đó đã được chúng tôi nghiên cứu kỹ lưỡng để rút ra đặc trưng thuyền Đông Sơn ở Động Xá.

Thứ nhất: Thuyền có phần đuôi được đẽo nhô cao và có khoét khấc để ghép ván. Thứ hai: Mạn thuyền cách đều nhau khoảng 30cm lại có lỗ mộng hình chữ nhật rộng chừng 8-10mm, sâu 50-60mm và luôn có một lỗ tròn chốt ngang thân lỗ mộng. Chúng được dùng để ghép ván nhằm mục đích nâng cao mạn thuyền lên, tăng sức chứa của thuyền. Có bằng chứng thuyền được ghép ít nhất là trên 2 tầng ván như vậy (chúng tôi phát hiện ở Yên Bắc những ván thuyền như vậy với 2 rìa cạnh là những dãy lỗ mộng, chứng tỏ chúng được cơi nới ở cả 2 rìa. Chốt mộng là những phiến gỗ dài 12cm rộng 8cm dày 0,8-1cm có 2 lỗ tròn tương ứng với lỗ mộng ở mạn và ván ghép). Thứ ba, đầu thuyền thường giữ lại một phận nguyên lõi không đục lõm như các thuyền Đại Việt sau này.

Những thuyền mới vớt được ở sông Kinh Thầy được dự đoán là thuyền Đông Sơn là dựa trên các tiêu chí trên đây, và kết quả C14 khá phù hợp với dự đoán của chúng tôi. 

Hiện tổng số thuyền lưu giữ và đăng ký tại Bảo tàng Phạm Huy Thông lên con số 22 chiếc. Cho đến nay, chúng tôi đã phân tích tổng số 15 niên đại C14 liên quan đến các thuyền độc mộc vớt được. Trong số đó 10 mẫu thuộc 5 chiếc thuyền có giới hạn tuổi nằm trong phạm trù Đông Sơn (1.920 năm - 2.340 năm cách ngày nay). Hầu hết niên đại được làm từ phòng carbon Phóng xạ Đại học Quốc Gia Australia, Canbera. Giáo sư Peter Belwood, Tiến sĩ Judith Carmeron, Tiến sĩ Philip Piper đã cùng chúng tôi lấy mẫu, vận chuyển và lo kinh phí giám định tuổi carbon phóng xạ các con thuyền độc mộc của bảo tàng Phạm Huy Thông.

Kết quả niên đại C14 cho các thuyền Đông Sơn vừa mới phát hiện năm nay nằm trong phạm vi niên đại gần với thuyền Động Xá. Sau khi hiệu chỉnh vòng cây sẽ ở thế kỷ 1 trước Công nguyên.

Nguyễn Việt, Hoàng Thị Thùy Linh, Phạm Văn Cường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm