Ibrahimovic: 'Điều tôi tự hào nhất là khiến những kẻ chỉ trích phải câm nín'

15/05/2016 07:22 GMT+7 | Thế giới Sao

(Thethaovanhoa.vn) - Zlatan Ibrahimovic nhiều khả năng sẽ chấm dứt sự nghiệp ở châu Âu của anh vào cuối mùa giải này khi đã chính thức xác nhận không gia hạn hợp đồng với PSG. Tiền đạo người Thụy Điển để lại một di sản đồ sộ với rất nhiều danh hiệu và những bàn thắng, nhưng còn hơn thế nữa.
Ở tuổi 34, mùa Hè này Ibra nhiều khả năng sẽ chuyển sang “dưỡng già” ở giải nhà nghề Mỹ MLS, dẫu cho tới giờ anh cũng đã được liên hệ với Man United, AC Milan và Arsenal. Không phải ngẫu nhiên mà các ông lớn ở châu Âu đó vẫn muốn có anh. Vào sinh nhật 33 tuổi, Ibra vẫn còn là một trong những chân sút hàng đầu châu Âu. Ngày hôm đó, 3/10/2014, thật đặc biệt với anh. “Đó là một sinh nhật theo kiểu truyền thống. Các con trai tôi (Maximilian và Vincent) chạy vào phòng ngủ và hát bài chúc mừng sinh nhật, còn hơi sớm, nhưng thật dễ thương”.

Ibrahimovic cũng đã nhận được những món quà thú vị. Toulouse, một trong những đối thủ của PSG ở Ligue 1, gửi tặng anh một tuýp kem nóng để giúp Ibra vượt qua cơn đau gót chân. “Mừng sinh nhật 33 tuổi”, món quà của đội Toulouse kèm theo một tin nhắn. “Mọi cô gái trên thế giới đều muốn được thấy Ibrahimovic xuất chúng, Zlatan, hãy đưa các gia đình trở lại với bóng đá”.

Gia đình đương nhiên là điều quan trọng với Ibrahimovic. Anh đã trưởng thành từ một khu người nhập cư nghèo khó ở Rosengard, Malmo, Thụy Điển, để rồi trở thành người hùng của Milan và Paris. Bố mẹ anh đều là lao công, một người Bosnia và một người Croatia. Họ ly thân khi anh mới 2 tuổi và Ibra trở thành một gánh nặng. Giờ thì cậu bé đó đã là đội trưởng ĐT Thụy Điển, với 112 lần khoác áo ĐTQG và 62 bàn thắng, một kỷ lục.

“Bằng cách nào mà thằng nhóc hư hỏng ở Rosengard trở thành người như bây giờ?”, Ibra đặt câu hỏi (anh thường hay nói về mình ở ngôi thứ ba). “Không ai tin tôi có thể làm được. Mọi người chê bai tôi. Họ nghĩ tôi sẽ sớm thất bại vì quá đại ngôn. Họ nghĩ tầm nhìn của tôi là điên khùng. Nhưng tôi đã biến giấc mơ của mình thành hiện thực. Và giờ tôi đang ở đây. Hãy tưởng tượng 15 năm trước, tôi nói mọi giấc mơ của tôi sẽ thành sự thật, liệu có ai tin tôi không? Giờ thì những kẻ đó phải câm nín. Đó là danh hiệu đích thực của tôi”.

Ibra nói thế ngay cả khi anh đã là nhà vô địch Hà Lan, Italy, Tây Ban Nha, và Pháp. “Thật vậy, đó là khát khao của tôi”, Ibra nói. “Tôi luôn muốn chiến thắng. Nếu tôi thấy tự mãn và bắt đầu thua cuộc thì tốt hơn là tôi nên dừng chơi bóng. Tôi cần sự khát khao đó, tôi vẫn còn cảm thấy mình giỏi hơn những cầu thủ khác gấp 10 lần”.


Thằng nhóc hư hỏng ở Rosengard giờ đã trở thành một tiền đạo hàng đầu thế giới

Một bộ phim với tựa đề From Rosengard With More Than One Goal về cuộc đời và sự nghiệp Ibra đã được chiếu trên truyền hình quốc gia Thụy Điển. Đó là câu chuyện về một cậu nhóc ăn cắp xe đạp trở thành một nghệ sĩ của những cú sút xe đạp chổng ngược với tất cả trí thông minh, sức mạnh, khả năng tưởng tượng và cá tính trên sân bóng.

“Đó là một bộ phim nhiều cảm xúc và họ đã làm nó mất 6 tháng”, Ibrahimovic nói về cuốn phim tài liệu. “Tôi đã quen việc đối mặt với máy quay, nhưng vẫn chưa quen với việc đi đâu cũng có người quay phim. Khi tôi viết cuốn tiểu sử của mình, I Am Zlatan Ibrahimovic, cũng có người đi theo tôi, nhưng lần này là cả một đoàn phim. Nhưng tôi vẫn làm vì muốn cho mọi người thấy cuộc sống của tôi thực ra khác với những định kiến ra sao, và tôi đã thực hiện hành trình của mình từ Rosengard tới ĐTQG như thế nào”.

Trong cuốn phim, Ibra cũng kể lại nhiều câu chuyện cảm động, như câu chuyện về cha anh. Vào thời mà họ còn nghèo khó, Sefik Ibrahimovic dành dụm mua được cho Zlatan một chiếc giường Ikea, nhưng họ không trả được khoản phí vận chuyển. “Chúng tôi tự mang nó về nhà. Chúng tôi đã nỗ lực ghê gớm. Tôi cũng có gặp mẹ, nhưng về cơ bản là sống với cha. Có lần ông ấy lấy hết tiền dành dụm để cho tới tới một trại hè bóng đá”.


Bộ phim với tựa đề From Rosengard With More Than One Goal

Sefik gặp bất ổn về tâm thần do những ký ức của ông về chiến tranh Balkan. Zlatan thường bị bỏ mặc trên những con phố ở Rosengard, nhưng anh nói giờ đó mới là “thiên đường” của anh, và nói anh thấy thoải mái ở đó hơn so với ở những khách sạn đắt tiền mà Ibra đã nhẵn mặt. Nhưng khu phố đó cũng đầy tệ nạn, chính bóng đá đã cứu thoát anh. “Không có bóng đá, tôi sợ rằng rồi mình cũng sẽ trở thành một kẻ nghiện rượu hoặc ma túy ở đó”.

“Điều quan trọng là bạn phải khác biệt”, Ibrahimovic nói về bí quyết thành công của anh. “Nếu bạn khác biệt, bạn sẽ thành công. Tôi là bằng chứng sống cho điều đó. Tôi không sinh ra là một thiên tài, không lớn lên cạnh những thiên tài hay ở một khu xa hoa giàu có. Nên tôi muốn nói với mọi người rằng nếu họ tự tin ở bản thân, họ sẽ thành công. Mọi thứ phụ thuộc vào bạn”.

Ibrahimovic cũng bị coi là một kẻ ích kỷ ngổ ngáo, chỉ biết tới danh tiếng và tiền bạc, một kiểu lính đánh thuê chuyên nghiệp lang thang hết CLB lớn này tới CLB lớn khác (12 chức VĐQG ở 4 nước trong 14 năm qua), nhưng lớn lên từ một gia đình người nhập cư, với Zlatan điều khiến anh tự hào nhất là những gì anh làm được với ĐT Thụy Điển. Anh có trận khoác áo thứ 100 gặp Áo ở vòng loại Euro 2016, khi Zlatan ghi bàn gỡ hòa 1-1 và có cú thúc cùi chỏ vào mặt David Alaba mà các CĐV áo nói trọng tài đã “quá sợ” Ibra và không dám rút thẻ đỏ với anh.

“Trận thứ 100 là bằng chứng cho thấy giấc mơ của tôi đã thành sự thật. Tôi biết mình sẽ phá kỷ lục ghi bàn ở ĐT Thụy Điển. Kỷ lục đó (49 bàn) đã tồn tại 82 năm. Không ai nghĩ tới nó khi tôi tuyên bố tôi sẽ là người vượt qua. Chiếc băng đội trưởng cũng thế, nó chỉ quan trọng khi tôi là người đeo”.

Và không chỉ có số lượng, chất lượng của hầu hết các bàn thắng đó thật đáng nể. Những pha đánh đầu uy lực, những cú đánh gót điệu nghệ, vô-lê dũng mãnh và ngả bàn đèn như một nghệ nhân, Zlatan có thể làm nên điều kỳ diệu thật sự khi anh hưng phấn. Tuy nhiên, thành công không phải lúc nào cũng là điều chắc chắn. “Khi bạn thành công thì rất tuyệt, nhưng khi bạn thất bại thì cũng tệ tương đương”, Ibra nói.


Zlatan có thể làm nên điều kỳ diệu thật sự khi anh hưng phấn

Anh có vẻ ở phong độ tốt nhất mỗi khi nóng giận. Ở trận Barca gặp Arsenal năm 2010 tại Champions League, anh ghi 2 bàn trong cuộc đọ sức mà anh mô tả là “một trong những trận hay nhất tôi từng chơi. 30 phút đầu thật điên loạn”, Barca và Ibrahimovic hành hạ Arsenal và vượt lên dẫn 2-0 chóng vánh. Cũng điên rồ không kém là 4 bàn của Ibra vào lưới tuyển Anh tháng 11/2012, nhất là cú ngả bàn đèn từ ngoài vòng cấm địa. “Nếu bạn không ghi bàn vào lưới các đội Anh thì chứng tỏ là bạn rất kém”, Ibrahimovic nói. “Tôi luôn cảm thấy thế khi gặp các đối thủ Anh và không chọc thủng lưới họ”.

Sự tự mãn đó không xuất phát từ tài năng bẩm sinh, mà từ những nỗ lực không mệt mỏi trên sân tập của Ibra. “Tôi làm việc chăm chỉ hơn bất kỳ ai. Thực ra, vào trước ngày tôi ghi bàn thắng đó vào lưới tuyển Anh, tôi cũng đã ghi một bàn như thế trên sân tập sau hàng chục lần cố gắng. Trời mưa tầm tã, nhưng tôi đã thực hiện được cú đá đó vào gôn nhỏ. Không ai nhìn thấy, nên giờ tôi kể lại không ai tin. Tôi lúc nào cũng muốn trở thành một người giỏi hơn. Tôi không bao giờ hài lòng”.

Nhắc tới những người Anh, liệu anh có bao giờ tưởng tượng cuộc đời mình sẽ khác ra sao nếu Ibra chuyển tới Arsenal 15 năm trước, khi HLV Arsene Wenger mời anh tới tập thử. “Hiện giờ Wenger nói đó là chuyện hiểu lầm, nhưng tôi không thích bị yêu cầu phải chứng tỏ mình”, anh nói. “Tôi biết mình đủ giỏi, tôi không phải chứng tỏ với ai. Hoặc họ thấy thế, hoặc không thì thôi. Tôi nhớ đã vào văn phòng của Wenger và có thể thấy ngay ông ấy là chúa tể ở đó. Nhưng tôi không nghĩ mình sẽ tới đó. Tôi đã chuyển sang Ajax ngày hôm sau”.

Một trong những nuối tiếc lớn trong sự nghiệp của Ibrahimovic, nếu quả mùa Hè này anh sang Mỹ, là anh chưa bao giờ chơi bóng ở Premier League. “Tôi tôn trọng Premier League. Đó là một trong những giải đấu hay nhất thế giới và thu hút nhiều sự chú ý của truyền thông nhất”, anh nói. “Nhưng tôi hài lòng với việc đã chơi ở nhiều giải đấu lớn như thế. Ở Hà Lan, với Ajax là bóng đá đẹp. Hệ thống của họ rất thú vị. Họ không nói về các tiền vệ và tiền đạo, mà nói con số cụ thể. Số 7 là chạy cánh phải, số 9 là tiền đạo, số 10 là tiền vệ tổ chức. Sự cạnh tranh ở đó có thể không cao, nhưng là một nơi khởi đầu tuyệt vời, rồi tôi chuyển sang Italy”.


Ibrahimovic chưa từng thi đấu ở Premier League

Ở Juventus, Inter và Milan, Ibrahimovic trở thành nhà vô địch Serie A và được ca tụng là một chân sút “nửa vũ công ba-lê, nửa găng-xtơ”. “Serie A là khó nhất, thách thức nhất với một tiền đạo. Họ vẫn giữ lối tư duy không để thủng lưới quan trọng hơn ghi bàn. Ở TBN thì họ muốn ghi bàn thật nhiều”. Dù quan hệ của anh với Pep Guardiola ở Barca đã đổ vỡ, Ibrahimovic vẫn dành những lời trân trọng cho đội bóng: “Tôi được chơi ở CLB xuất sắc nhất thế giới. Bóng đá của họ thật đẹp mắt. Khi tập luyện thôi tôi đã biết là mình sẽ chiến thắng. Tôi nhìn các đồng đội xung quanh mình và thấy Messi và Iniesta và Xavi và Puyol và Pique và Dani Alves và Busquets. Đó là bóng đá từ một hành tinh khác, hoàn hảo về mặt kỹ thuật”.

Tuy nhiên, anh cũng nói rằng các cầu thủ Barca hành xử như những cậu học trò quá nhút nhát. “Họ bị kềm kẹp quá thể. Họ là những siêu sao nhưng lại giống như học trò cấp một. Họ làm theo mọi điều HLV ra lệnh. Ở Italy rất khác. Bạn có 22 cá tính lớn và mỗi người đều nghĩ họ là cầu thủ hay nhất thế giới”.

Chính vì thế, Ibrahimovic rất quý mến Jose Mourinho, người đã cùng làm việc với anh ở Inter trước khi anh chuyển sang Barcelona. Sau khi Ibra đã đi, Mourinho đưa Inter tới cú ăn 3 huyền thoại năm 2010, lật đổ chính Guardiola, Ibrahimovic và Barcelona trong một trận bán kết khốc liệt. “Mourinho rất thông minh”, Ibrahimovic nói. “Ông ấy không đối xử với các cầu thủ như nhau, mà như những cá nhân riêng lẻ, để họ phát huy tối đa khả năng. Đó là HLV thông minh nhất mà tôi từng được làm việc cùng”.

Chia tay Mourinho còn là sự nuối tiếc với Ibrahimovic vì Champions League là danh hiệu duy nhất còn thiếu trong bộ sưu tập của anh, và có lẽ sẽ là một điểm khiếm khuyết vĩnh viễn nếu mùa Hè này anh sang Mỹ. Liệu Ibra có thấy chút bất an nào khi sự nghiệp của mình đã sắp kết thúc? “Không, ngược lại là khác. Tôi trông chờ ngày đó. Khi bạn chơi bóng đá và sống trong khách sạn quá nhiều, bạn mất rất nhiều thứ. Con trai lớn của tôi đã 10 tuổi. Không phải ngày nào tôi cũng được ở cạnh các con. Tôi là kiểu người của gia đình và muốn dừng lại khi còn ở đỉnh cao”.

Trần Trọng (theo The Guardian)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm