Huyền thoại MU Harry Gregg qua đời: Người hùng bất đắc dĩ trong thảm họa Munich

20/02/2020 21:55 GMT+7 | Thế giới Sao

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 16/2, tại bệnh viện quê nhà Bắc Ireland, Harry Gregg đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 87. Sự ra đi của Harry Gregg khiến Sir Bobby Charlton trở thành người duy nhất còn sống sót sau thảm kịch máy bay Munich 1958. Harry Gregg cũng chính là ân nhân của Bobby Charlton.

Lịch thi đấu bóng đá hôm nay, 20/2. Trực tiếp Club Brugge vs MU, Olympiakos vs Arsenal. K+, K+PM

Lịch thi đấu bóng đá hôm nay, 20/2. Trực tiếp Club Brugge vs MU, Olympiakos vs Arsenal. K+, K+PM

Lịch thi đấu bóng đá hôm nay. Lịch thi đấu vòng 1/16 Cúp C2 châu Âu: Trực tiếp Club Brugge vs MU, Olympiakos vs Arsenal. Lịch bóng đá ngày 20/2, rạng sáng 21/2.

Người hùng

Đêm 5/2/1958, MU làm khách trên sân Sao đỏ Belgrade ở tứ kết lượt về cúp châu Âu. Bị dẫn trước tới 3 bàn, MU đã nỗ lực để có 3 bàn gỡ, trong đó có cú đúp của Bobby Charlton. Kết quả hòa 3-3 cùng với trận thắng 2-1 trên sân nhà ở lượt đi giúp MU thắng chung cuộc 5-4, giành quyền vào chơi ở bán kết. Thêm một thành tích ấn tượng cho đội bóng của “Busby Babes”- những thành viên nổi bật trưởng thành từ lò đào tạo trẻ của CLB và Harry Gregg là sự bổ sung mới nhất. Chỉ vài tháng trước đó, MU đã trả cho Doncaster Rovers 23.000 bảng để chiêu mộ Gregg, biến ông thành thủ môn đắt giá nhất thế giới.

Một ngày sau trận đấu, toàn đội MU lên chiếc máy bay Airspeed Ambassador để trở về nhà. Trên đường về Manchester, máy bay phải dừng lại ở Munich để tiếp nhiên liệu. Hôm đó, tuyết rơi dày, 2 lần phi công James Thain và Ken Rayment cố gắng cất cánh nhưng không thành công. Một tiếp viên báo với mọi người trở lại phòng chờ do máy bay có “lỗi cơ học nhẹ” và sẽ sớm được khắc phục. Nhưng loa thông báo sớm gọi họ quay trở lại.

Ở chặng đầu tiên của máy bay từ Belgrade tới Munich, Gregg được đồng đội rủ rê xuống khoang giữa để tham gia nhóm chơi bài giải trí. Khá mệt do chặng đường di chuyển dài với không thích chơi bài Anh, Gregg đã trở về chỗ ngồi ở phía trước máy bay. “Quyết định đó có lẽ đã cứu mạng ông ấy”, Frank Taylor, một trong những nhà báo sống sót từng viết trong cuốn sách “The Day A Team Died”. Ngồi đối diện Gregg trên máy bay lúc này là một phụ nữ và một bé gái. Đó là Vera Lukic, vợ của tùy viên hàng không Nam Tư tại London và cô con gái bé bỏng Vesna.

Trong nỗ lực cất cánh lần thứ 3, máy bay gặp sự cố, trượt khỏi đường băng lao đi. Phi công Ken Rayment chỉ kịp hét lên: “Chúa ơi!”. Chiếc máy bay lao qua hàng rào bao quanh sân bay, đâm vào một nhà dân, phá nát cánh cổng rồi đâm vào túp lều dựng trên nền bê tông khiến thân máy bay bị xé toạc. Phần trước của máy bay, nơi có Gregg và Charlton, tiếp tục trượt về phía trước, xoay tròn và đâm vào những gốc cây, hất văng những hành khách bị thương xuống tuyết.

“Những tia lửa bắn lên từ khắp nơi. Miệng tôi cảm nhận thấy vị mặn của máu. Tôi cố bò ra phía có ánh sáng và nhận thấy HLV đội trẻ Bert Whalley đang nằm dưới tuyết. Tôi biết rằng anh ấy đã chết”, Gregg kể lại.

Chú thích ảnh
Harry Gregg đã cứu sống nhiều người trong thảm họa Munich

“Chạy đi đồ ngốc. Nó sẽ nổ tung”, cơ trưởng James Thain hét lên. Nhưng đó cũng là lúc Gregg nghe thấy tiếng trẻ em khóc. Nhớ lại đứa bé ngồi đối diện mình, Gregg lập tức quay lại. Bé Vesna, 22 tháng tuổi, bị thương và mất thị lực nhưng vẫn còn sống. Gregg bế Vesna, đưa cho một tiếp viên và quay lại để cứu tiếp mẹ của bé. Sau đó, Gregg bắt đầu tìm kiếm để cứu đồng đội của mình. Ông nhìn thấy Bobby Charlton và Dennis Viollet bị treo lơ lửng, một nửa bên trong và một nửa bên ngoài phần máy bay còn lại. Ông cũng tìm thấy Matt Busby trong tình trạng không quá tệ.

Sau khi cứu Charlton, Viollet, Busby và Jackie Blanchflower, cũng như vợ của tùy viên hàng không Nam Tư và em bé, Gregg được đưa tới bệnh viện. Ở đó, ông nghe tin tức về cái chết của những nạn nhân. “Tôi đau đớn tới tận cùng. Bi kịch và những gì xảy ra trước mắt đã đánh gục tôi”, Gregg kể lại.

Nhưng chỉ 13 ngày sau, Gregg đã trở lại chơi cho MU trong đội hình tạm thời với một số cầu thủ được mượn từ đội bóng khác. Gregg nói rằng việc được trở lại sân cỏ sớm đã giúp ông giữ được sự tỉnh táo sau thảm kịch. Mùa Hè năm đó, Gregg khoác áo ĐT Bắc Ireland chơi ở VCK World Cup tại Thụy Điển. Ông được bầu chọn là thủ môn xuất sắc nhất giải đấu.

Nỗi đau

Gregg gắn bó với MU tổng cộng 9 năm. Chấn thương đã buộc ông phải rời Old Trafford khi chưa giành được bất cứ danh hiệu nào cùng CLB. Gregg đến Stoke City rồi theo đuổi sự nghiệp quản lý từ đó.

Cầu thủ bóng đá, thủ môn, cầu thủ MU, tuyển thủ Bắc Ireland… Gregg vui vẻ khi được gọi với những danh xưng đó. Nhưng ông luôn cảm thấy khó chịu khi ai đó gọi ông là “người hùng”. Hai lần quay trở lại thân máy bay đang cháy để kéo đồng đội và hành khách tới nơi an toàn là hình ảnh cho thấy sự dũng cảm của Gregg, nhưng ông chưa bao giờ chấp nhận đó là một hành động anh hùng.

Trong cuốn tự truyện Harry’s Game, ông viết: “Thảm họa Munich đã khiến tôi được chú ý hơn, chẳng có gì nghi ngờ về điều đó. Nhưng sự nổi tiếng đã khiến tôi phải trả giá. Thảm họa Munich đã thành công trong việc tạo nên một cái bóng trong cuộc đời tôi và tôi cảm thấy khó có thể xua tan nó. Tôi đã thoát khỏi đống đổ nát trên đường băng ở Đức nhưng từ ngày đó tới giờ, tôi vẫn chưa có lối thoát”.

Ba năm sau thảm họa Munich, người vợ đầu tiên Mavis mà Gregg rất đỗi yêu thương qua đời vì bệnh ung thư. Năm 2009, con gái Karen của họ cũng ra đi vì căn bệnh quái ác.

Với những người còn sống sót sau thảm họa như Gregg hay Blanchflower, quãng đời còn lại của họ là cuộc chiến không ngừng chống lại sự đau buồn, cảm giác tội lỗi và cay đắng. Cho đến tận những năm cuối đời, Gregg vẫn hối hận vì đã không kịp vuốt mắt cho đội trưởng Roger Byrne khi tìm thấy ông trong xác máy bay. “Đôi mắt của anh ấy lúc đó mở to. Tôi hối hận vì đã không giúp anh ấy nhắm mắt lại”.

Khánh Đan

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm