Họa sĩ Uyên Huy: 'Một thoáng 49 chào 70'

19/09/2019 19:42 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Triển lãm Một thoáng 49 chào 70 của Uyên Huy khai mạc lúc 9h30 ngày hôm nay, 19/9, tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Đây là triển lãm cá nhân lần thứ 11 và cũng là triển lãm cuối cùng của họa sĩ Uyên Huy, nhân tuổi 70.

Họa sĩ Uyên Huy tái đắc cử Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP HCM

Họa sĩ Uyên Huy tái đắc cử Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP HCM

Chiều ngày 11/6, đại hội Hội Mỹ thuật TP.HCM nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã bầu ban chấp hành mới. Họa sĩ Uyên Huy đã tái đắc cử chức Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM.

Còn nhớ năm 2014, tại triển lãm cá nhân lần thứ 10, Uyên Huy đã nói đó là triển lãm cuối cùng. Tại sao bây giờ có thêm lần thứ 11? Họa sĩ Uyên Huy trả lời: “Lý do là vì cuối năm 2019 tôi hết nhiệm kỳ 13 của ban chấp hành tại Hội Mỹ thuật Việt Nam (2014-2019), tháng 6/2020 tôi hết nhiệm kỳ tại Hội Mỹ thuật TP.HCM (2015-2020), nên làm triển lãm như một lời tạm biệt. Tôi đã 70 tuổi rồi, vương vấn làm gì nữa. Về nghỉ để công việc cho giới trẻ sẽ hay hơn. Các bạn nghệ sĩ trẻ bây giờ hay lắm”.

Một hành trình đa dạng

Triển lãm này, vì vậy, cũng là dịp để nhìn lại con đường nghệ thuật mà Uyên Huy đã đi bền bỉ suốt 55 năm, trong đó có 45 năm giảng dạy mỹ thuật. Ngoài tranh vẽ trên nhiều vật liệu, nhiều phong cách, còn có tượng, các logo đã thiết kế và hơn 10 quyển sách nghiên cứu, trong đó có nhiều giáo trình mỹ thuật.

Chú thích ảnh
Họa sĩ Uyên Huy

Hoàn toàn có thể khẳng định Uyên Huy đã dành cả cuộc đời và tâm huyết cho sáng tác, giảng dạy, viết lách… mỹ thuật. Bên cạnh mảng hội họa giá vẽ, mảng thiết kế đồ họa và mỹ thuật công nghiệp, sáng tạo thương hiệu… cũng có nhiều dấn ấn của Uyên Huy.

Ông chia sẻ: “Tôi thấy hạnh phúc vì thỏa lòng mong ước từ nhỏ, đó là được học, được sống với mỹ thuật. Hơn nửa thế kỷ qua tôi chưa bao giờ cảm thấy nản lòng với mỹ thuật. Tôi có các ngôi trường mỹ thuật tuyệt vời, có quý thầy cô, đồng nghiệp, bạn học, học trò… hết lòng yêu nghề, yêu người, yêu tự trọng, yêu sự trung thực, say mê sáng tạo, liên tục đổi mới. Bước vào tuổi 70 với hành trình và tình cảm như vậy, còn mong gì hơn”.

Chú thích ảnh
Tranh và một số sách của họa sĩ Uyên Huy tại triển lãm

Uyên Huy nói thêm: “Về công việc sáng tác của tôi, xấu đẹp để mọi người tự bình luận. Tôi chỉ thấy mình hạnh phúc vì nói được tiếng lòng, nói được cảm xúc riêng… bằng các hình thái, ngôn ngữ khác nhau. Tôi thấy mình may mắn khi sống được, sống tốt với cả hai lãnh vực là mỹ thuật tạo hình và mỹ thuật ứng dụng. Và hạnh phúc nữa, vì đã cùng đồng nghiệp giảng dạy, đào tạo nên nhiều họa sĩ, giảng viên có lòng yêu nghề, có sức sáng tạo không mệt mỏi. Họ còn là những nghệ sĩ biết hy sinh vì quê hương, vì dân tộc”.

Chú thích ảnh
 Tác phẩm “Vườn hoa”, acrylic trên toan, 80cm x 120cm, 2010

Một ngòi bút sung sức

Uyên Huy đã xuất bản hơn 10 quyển sách dày dặn có tính cẩm nang, giáo trình về giảng dạy, sáng tác mỹ thuật tạo hình và mỹ thuật ứng dụng. Đây là một đóng góp đáng kể, vì các sách dạng này còn khan hiếm trong các trường dạy mỹ thuật, vốn thiên về thực hành hơn là lý thuyết, lịch sử và tư duy.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Thanh xuân”, acrylic trên toan, 120cm x 180cm, 2014

Quyển sách Mỹ thuật đô thị Sài Gòn - Gia Định từ 1900 đến 1975 của Uyên Huy là một ví dụ. Đây là một bổ túc thiết thực vào lịch sử mỹ thuật miền Nam trước 1975, vốn còn ít bài viết và công trình. Tại triển lãm Một thoáng 49 chào 70, quyển vừa đề cập và quyển Nghệ thuật thị giác và những vấn đề cơ bản vừa được tái bản, chứng tỏ phần nào sự đón nhận của độc giả. Năm 2018, quyển Mỹ thuật TP.HCM: Một thoáng hôm nay, một chút xưa của Uyên Huy tạo được ấn tượng tốt trong giới chuyên môn. Các sách này đã được trao một số giải thưởng chuyên ngành, cấp thành phố và trung ương.

Có vẻ như hơn 10 năm trở lại đây Uyên Huy dành nhiều tâm huyết với mỹ thuật miền Nam? Ông cho biết: “Tôi hạnh phúc vì thực hiện được lời dạy của thầy Bùi Văn Kỉnh. Thầy nói đại ý rằng em là người con đất Gia Định, đã sống với dân miền Nam qua các giai đoạn... Vậy thầy mong rằng trong quá trình sáng tác, giảng dạy, nghiên cứu mỹ thuật em làm sao để cho mọi người hiểu rõ, hiểu đúng về con người, về nền mỹ thuật của quê hương mình. Những quyển sách và hàng trăm bài viết đã công bố như là một một cách thực hiện lời dặn dò của thầy”.

Hỏi ông sẽ ưu tiên làm gì sau tuổi 70, Uyên Huy cười: “Vẫn vẽ và viết, nhưng sẽ ưu tiên mảng tranh sơn mài nhiều hơn”.

Người con của đất Gò Vấp

Họa sĩ Uyên Huy, tên khai sinh là Huỳnh Văn Mười, sinh năm 1950 tại xã Hạnh Thông, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định (nay là quận Gò Vấp, TP.HCM). Từ năm 1964 đến 1968, ông học trung cấp mỹ thuật ngành ấn loát, từ 1968 đến 1974 học cao đẳng mỹ thuật ngành sơn dầu. Ông được giữ lại trường làm giảng viên cho đến lúc nghỉ hưu năm 2010. Ông được phong Nhà giáo ưu tú năm 2000 và Nhà giáo nhân dân năm 2010. Hiện ông là Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm