“Hình ảnh ông Hai Lúa bàng bạc khắp thơ tôi”

04/08/2011 13:30 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Nhà thơ Trần Hữu Dũng vừa ấn hành tập thơ song ngữ Việt - Anh Lúc 0 giờ (NXB Hội Nhà văn). Đây là tập thơ thứ 7 trong hơn 30 năm cầm bút của anh. Tập thơ Lúc 0 giờ được đánh giá là có nhiều ý tưởng mang tính bứt phá và nhiều ý thơ táo bạo. Nhân dịp vừa ấn hành tập thơ, TT&VH trò chuyện với Trần Hữu Dũng về quãng thời gian khá dài mà anh đã gắn bó với Hai Lúa Võ Văn Chung, một điển hình nhân vật luôn bàng bạc trong thơ anh.

Cơ duyên giữa Trần Hữu Dũng và ông Hai Lúa Võ Văn Chung bắt đầu từ thời cậu sinh viên Trần Hữu Đức (tức nhà thơ Trần Hữu Dũng sau này) học ngành nông nghiệp và đi thực tập, ăn ở tại nhà ông Hai Lúa ở tỉnh Tiền Giang.

Con rể hụt của ông Hai Lúa


Nhà thơ Trần Hữu Dũng

* Thời trai trẻ, anh được ông Hai Lúa chọn làm con rể nhưng bất thành. Anh có thấy tiếc vì điều này?

- Không phải ông Hai Chung (tên thật Võ Văn Chung, nhân dân gọi là Hai Lúa) chọn riêng tôi, mà cả tổ sinh viên thực tập tại Tiền Giang gồm 5 chàng trai trẻ đều được ông yêu quý ngang nhau. Khi đó, tôi là tổ trưởng chuyên môn nên được ông tin cậy nhiều hơn. Lúc ông Võ Văn Kiệt làm Bí thư Thành ủy TP.HCM, có mời ông Võ Văn Chung đi truyền đạt kinh nghiệm về giống lúa chống rầy nâu ở các huyện ngoại thành năm 1978, tôi và 5 cô nông dân cấy giỏi có tháp tùng. Đây là chuyến đi lý thú và đáng nhớ!

* Tại sao ông Hai Chung lại được nhân dân gọi thành ông Hai Lúa? Và tại sao anh không thành con rể của ông?

- Ông chuyên trồng lúa giống để bán cho bà con nông dân, là con đầu lòng (Nam bộ gọi là anh hai) trong gia đình nên nhân dân gọi thành Hai Lúa. Ông Hai Chung là một nông dân tiến bộ, làm ăn giỏi, chứ không phải Hai Lúa dùng để gọi những người quê mùa, ấu trĩ như bây giờ.

Thật sự trong nhóm sinh viên thực tập có một anh bạn rất mê người con gái lớn của ông, người đó làm cô giáo tại xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Nhưng đó chỉ là chuyện tình thời sinh viên thôi, vì tôi tin chuyện trăm năm, nghĩa vợ chồng còn phải do duyên trời đất gắn kết nữa, không phải muốn là được.

* Vậy với riêng nhân vật Hai Lúa mà anh kính phục, anh có bài thơ nào tặng ông không?

- Sau này viết về nông thôn, hình ảnh ông Hai Lúa bàng bạc khắp trong thơ tôi. Quả tình tôi không có bài thơ nào tặng riêng ông. Ông là một người nông dân tiên tiến, mạnh dạn áp dụng kỹ thuật canh tác khoa học, chọn giống lúa mới có năng suất cao. Những năm đầu thập niên 1980 khắp cả vùng đồng bằng sông Cửu Long, chỉ có khoảng mười người như thế. Ông cùng giáo sư Võ Tòng Xuân qua Philippines, Ấn Độ... báo cáo kinh nghiệm về canh tác loại giống cao sản chống rầy nâu rất có uy tín và nhận được nhiều bằng khen của tỉnh nhà, của Bộ Nông nghiệp và Viện Nghiên cứu lúa nước ngoài. Tôi được bổ nhiệm về làm ở Sở Nông nghiệp TP.HCM một phần cũng nhờ uy tín từ ông.

Bưng chén cơm ăn, nhớ đến người tay lấm chân bùn

Tập thơ Lúc 0 giờ của Trần Hữu Dũng được Hội Nhà văn TP.HCM hỗ trợ xuất bản với kinh phí “khủng” đến 8 triệu đồng, trong khi một tập thơ của hội viên được hội này chi cao nhất cũng chỉ 5 triệu. Khi Lúc 0 giờ vừa rời nhà in, nhà thơ Lâm Xuân Thi đã xuất Quỹ tình thơ mua liền 200 tập trị giá 10 triệu đồng. Nhà thơ Trần Hữu Dũng cho biết kinh phí phát hành Lúc 0 giờ đủ để anh mời bạn bè uống “chén rượu gạo” mà không phải đắn đo giữa thời bão giá này.

* Anh là kỹ sư nông nghiệp, nhưng đến nay người đời chỉ biết đến anh qua thơ. Tại sao anh không gắn bó với nghề nông nữa?

- Năm 1979 tốt nghiệp khoa Trồng trọt, ĐH Cần Thơ, tôi được phân công về Công ty Giống cây trồng thuộc Sở Nông nghiệp TP.HCM. Còn việc gắn bó với thơ có lẽ là duyên số. Năm 1974, nhóm văn nghệ Con Đuông ở Cần Thơ có in cho tôi một tập thơ riêng mang tên Thơ Trần Hữu Dũng do họa sĩ Lê Triều Điển vẽ bìa. Lúc đó tôi vẫn vừa làm thơ vừa làm nông. Cho đến năm 2001 chuyển hẳn sang báo Văn nghệ TP.HCM để dành trọn thời gian cho thơ. Nếu hỏi vì sao có sự chuyển đổi như thế, tôi chỉ có thể nói vui là cái nghiệp văn chương nó “vận” vào mình hồi nào không hay.

* Bạn văn nghệ thường nói đùa rằng: Kỹ sư nông nghiệp Trần Hữu Dũng học về cây lúa rất giỏi, nhưng ông chỉ rành nhất về cây lúa ở các giai đoạn cuối khi lúa thành cơm và thành rượu. Anh có bình luận gì về lời nói đùa này?

- Bạn văn nghệ ít người biết tôi chuyên chọn giống lúa và làm nhiều năm ở Công ty Giống TP.HCM. Đây là công việc khoa học thầm lặng đem giống cây mới, kỹ thuật canh tác tiên tiến huấn luyện cho người nông dân, không phải trong nghề thì khó mà giải thích cho họ biết cặn kẽ để hiểu và chia sẻ. Câu đùa vui thôi, nhưng nên hiểu khi bưng chén cơm ăn hay uống ly rượu gạo, mình cũng nên nhớ đến công khó nhọc của người tay lấm chân bùn ở đồng sâu, nhờ họ mà mình mới được ăn no và có dịp vui vầy tiệc tùng bên nhau.

Trần Hoàng Nhân (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm