Hai nhân chứng sống của tình hữu nghị Pháp - Việt

19/06/2016 10:35 GMT+7 | Euro 2020

(Thethaovanhoa.vn) - Phóng viên TTXVN đã đã gặp hai nhân chứng sống, bà Hélène Luc, Thượng nghị sĩ danh dự, Chủ tịch danh dự Hội hữu nghị Pháp-Việt ; Ông Daniel Davisse, nguyên Thị trưởng thành phố Choisy-Le-Roi. Gặp lại họ càng thêm cảm kích những sự trợ giúp của người Pháp cho Việt Nam, đặc biệt là cho quận Đống Đa, Hà Nội.

Bà Hélène Luc kể về nhân duyên đã lựa chọn Đống Đa để kết nghĩa. Đấy là năm 1968, vào thời điểm Mỹ ồ ạt ném bom miền Bắc, Choisy-Le-Roi đã cử một phái đoàn sang Việt Nam. Đoàn của bà đã được Chính phủ Việt Nam và Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp đón, đưa đến thăm một trong những khu phố bị ném bom nhiều nhất tại Hà Nội, đó là quận Đống Đa. Trước cảnh đổ nát đó, Choisy-Le-Roi đã quyết định giúp đỡ quận Đống Đa tái thiết, bắt đầu bằng việc xây dựng một ngôi trường sau đó là một trạm xá.

"Vào thời điểm năm 1968, ông Fernand Dupuy là Thị trưởng thành phố ; chồng tôi, ông Louis Luc là Phó Thị trưởng, phụ trách trực tiếp quan hệ với phái đoàn Việt Nam. Phái đoàn đã nghỉ tại khách sạn Lutecia tại trung tâm Paris trong thời gian 1 tuần. Tuy nhiên, do chi phí quá cao và nhận thấy cuộc đàm phán sẽ kéo dài, phía Việt Nam đã đề nghị ĐCS Pháp hỗ trợ chỗ ở. ĐCS Pháp đã đề xuất bố trí cho đoàn về trường Đảng Maurice Thorez tại Choisy-Le-Roi.

Phái đoàn Việt Nam đã ở lại Choisy-Le-Roi trong 5 năm, bởi vì phía Mỹ không muốn ký Hiệp định chấm dứt chiến tranh. Họ nói nếu miền Bắc tiếp tục gửi quân vào miền Nam, chi viện cho chiến trường miền Nam, chúng tôi sẽ tiếp tục ném bom đánh phá miền Bắc. Trên thực tế, họ đã làm điều đó một cách trơ trẽn, vô liêm sỉ, gây biết bao đau thương cho người dân miền Bắc.

Sau rất nhiều cuộc đấu trí trên bàn đàm phán, Hiệp định đã được ký kết ngày 27/1/1973. Chúng tôi đã biết tin này khi Hội đồng thành phố Choisy-Le-Roi đang họp. Chồng tôi đã đứng dậy thông báo tin vui này với Hội đồng thành phố, chia sẻ niềm vui với các bạn Việt Nam đồng thời bày tỏ sự ngưỡng mộ dành cho nhân dân Việt Nam-một dân tộc dũng cảm, quyết không lùi bước trước các áp lực của Mỹ trên bàn đàm phán. Chúng tôi hiểu rằng chiến thắng này có được là nhờ thắng lợi của quân và dân Việt Nam trên chiến trường, nhưng tự hào vì có phần đóng góp của Choisy-Le-Roi và của nhân dân Pháp".

Rõ ràng, thành phố Choisy, do ông Fernand Dupuy là thị trưởng thời kỳ 1959 đến 1979 và các vị lãnh đạo thành phố, đã đóng vai trò quan trọng trong 5 năm đàm phán hòa bình cho Việt Nam. Nhiều cán bộ của Hội đồng Thị chính Thành phố Choisy và các đảng viên Đảng Cộng sản Pháp đã nhiệt tình giúp đỡ cả về tinh thần lẫn vật chất cho phái đoàn Việt Nam tại Choisy trong những năm đàm phán căng thẳng.

Ông Daniel Davisse vẫn còn khỏe, tràn đầy năng lượng: "Thật vinh dự cho thành phố của chúng tôi có được vai trò lịch sử là nơi chứng kiến và diễn ra các cuộc đàm phán của một trong những cuộc xung đột lớn nhất trong thế kỷ 20. Lịch sử chứng minh rằng thế giới vẫn luôn cần có hòa bình. Đấy là lý do đã khiến chúng tôi đặt tên quảng trường "Hiệp định Paris".

Xin chúc ông Daniel Davisse, bà Hélène Luc sức khỏe dồi dào để tiếp tục làm cầu nối hữu nghị cho hai nước.

"Năm 1968, Phái đoàn Việt Nam đã nghỉ tại khách sạn Lutecia tại trung tâm Paris trong thời gian 1 tuần. Tuy nhiên, do chi phí quá cao và nhận thấy cuộc đàm phán sẽ kéo dài, phía Việt Nam đã đề nghị ĐCS Pháp hỗ trợ chỗ ở. ĐCS Pháp đã đề xuất bố trí cho đoàn về trường Đảng Maurice Thorez tại Choisy-Le-Roi.

Phái đoàn Việt Nam đã ở lại Choisy-Le-Roi trong 5 năm, bởi vì phía Mỹ không muốn ký Hiệp định chấm dứt chiến tranh. Họ nói nếu miền Bắc tiếp tục gửi quân vào miền Nam, chi viện cho chiến trường miền Nam, chúng tôi sẽ tiếp tục ném bom đánh phá miền Bắc. Trên thực tế, họ đã làm điều đó một cách trơ trẽn, vô liêm sỉ, gây biết bao đau thương cho người dân miền Bắc" ( Phát biểu của bà Hélène Luc).


Việt Sơn- Hữu Quý (Từ Choisy-Le-Roi, Pháp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm