Hà Nội T&T thanh toán tiền phẫu thuật cho Minh Long

12/10/2015 10:51 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - “Người ta đi cấy lấy công/Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề” (ca dao). Với một bộ phận cầu thủ thời bóng-đá-kim-tiền, việc được cất nhắc lên đội tuyển còn hơn cả vinh dự, bởi nó liên quan trực tiếp đến giá trị trên sàn chuyển nhượng. Thế mới có lời đồn kiểu trà dư tửu hậu rằng “lên tuyển có dây” và quả thật không ít tình huống người ta phải “chạy dây” để được lên đội tuyển.

Trương Huỳnh Phú vốn dĩ đã là một hậu vệ tiềm năng ở ĐTLA và đó là lý do anh được gọi triệu tập lên U23 Việt Nam chuẩn bị SEA Games 26 (năm 2011). Tuy nhiên, cầu thủ này sẽ không thể có bản hợp đồng trên dưới 3 tỷ đồng/3 năm, nếu anh không được Minh Phương tiến cử lên đội tuyển. Giá trị thương hiệu, dù có thể là ảo, đi liền với tiền.

Nhưng Huỳnh Phú không phải là trường hợp điển hình duy nhất. Trước đó, Chí Công cũng đạt được bản hợp đồng nhiều tỷ đồng về B.Bình Dương nhờ việc HLV Henrique Calisto đưa anh vào danh sách dự tuyển QG để chuẩn bị AFF Cup 2008. Giai đoạn 2008 – 2011 chính là đỉnh cao của bóng đá kim tiền, mà theo ông Lê Tiến Anh, cựu Chủ tịch CLB K.Khánh Hoà, thì đấy là cuộc chiến tiền đấu tiền.

Để có cái nhìn chi tiết hơn, chúng ta sẽ lấy ngay trường hợp của Chí Công, khi trung vệ này không thể hiện được mình ở nhiều đợt tập trung khác sau đó, nhưng B.Bình Dương vẫn bỏ thêm 9 tỷ cho Chí Công, khi gia hạn hợp đồng (năm 2011). Tất nhiên với B.Bình Dương, tiền chưa bao giờ là vấn đề.

Rất, rất nhiều các bản hợp đồng tiền tỷ, thậm chí hàng chục tỷ, đã ra đời bởi sự lũng đoạn của các ông bầu khiến V-League một thời gian dài sống với giá trị ảo.

Và khi cầu thủ bạc tỷ chấn thương

Dài dòng như thế để thấy rằng, với việc gắn mác tuyển thủ QG, cầu thủ có thể tự được nâng giá mà không cần bất cứ biện pháp lăng xê nào (như môi giới hay truyền thông). Tuy nhiên, song song với việc được nâng giá, có thể là những mối nguy hiểm rình rập, những tai nạn. Đó là lúc mà các tuyển thủ QG gặp chấn thương.

Về vấn đề này, giữa VFF và CLB chủ quản đã xảy ra nhiều lần tranh cãi, rằng ai và tổ chức nào chịu trách nhiệm với các trường hợp chấn thương khi cầu thủ phục vụ các ĐTQG. Về nguyên tắc, VFF sẽ gánh chịu chi phí chữa trị, nhưng trên thực tế, phần nhiều các trường hợp chấn thương, tự cầu thủ phải tự bỏ tiền chạy chữa.

Mới nhất là trường hợp của thủ môn Phí Minh Long, học trò cưng của HLV Miura, nhưng cũng thuộc biên chế của Hà Nội T&T. Khi lên đội tuyển tập trung, Minh Long được chẩn đoán là bị đứt dây chằng bả vai và tổn thương các ổ khớp nối, nhưng trước đó, tại CLB, thủ môn này không hề hay biết. Vì thế, khi thấy đau thì Minh Long chỉ uống thuốc giảm đau, thay vì đi chụp, chiếu.

Minh Long, một thủ môn, nên tự trách mình trước, bởi sự cẩu thả của bản thân. Nhưng Hà Nội T&T cũng không hề vô can. Họ, một đội bóng thuộc hàng chuyên nghiệp nhất Việt Nam, có đủ các ban bệ và đội ngũ y tế - săn sóc viên, đã không phát hiện được chấn thương, rồi lại thêm một lần sơ suất, khi để Minh Long tự tìm đến viện. Minh Long đã không được phẫu thuật ngay vì không mang đủ viện phí tới Viện Quân y 108.

Giải thích về việc này, HLV trưởng Hà Nội T&T Phan Thanh Hùng cho biết: “Đây là thời điểm đội bóng đã nghỉ hết mùa, nên tôi có nói với Long rằng, cứ ứng tiền chữa trị, rồi báo cáo sau. Nhưng cậu ấy lại lưỡng lự”.

Cũng theo HLV Thanh Hùng, một mặt nói học trò ứng tiền chữa trị, mặt khác ông cũng yêu cầu các bác sỹ của Hà Nội T&T ngay lập tức “vác tiền” đến bệnh viện, đồng thời theo dõi, chăm sóc người nhà. “Hà Nội T&T sẽ chịu mọi chi phí chữa trị cho Minh Long, chứ không liên quan đến ĐTQG hay VFF”, ông Hùng khẳng định.

Như thế cũng gọi là phản ứng nhanh, khi HN T&T thấy được vấn đề. Nhưng suy cho cùng, nó vẫn là một ví dụ sinh động cho vấn đề y học thể thao của bóng đá Việt Nam.

Nguyệt Bàn
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm