Góc nhìn 365: Đường dài của… áo dài

30/06/2020 06:57 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Tổ chức vào cuối tuần trước, cuộc hội thảo Áo dài Việt Nam: Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc lập tức nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Đặc sắc đêm trình diễn 'Áo dài – Di sản văn hóa Việt Nam'

Đặc sắc đêm trình diễn 'Áo dài – Di sản văn hóa Việt Nam'

Chương trình trình diễn “Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam” diễn ra tối 28/6 tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) đã giới thiệu đến công chúng 21 bộ sưu tập với hơn 1.000 mẫu áo dài của 21 nhà thiết kế trong cả nước.

Quan tâm, không chỉ vì đây là cuộc hội thảo cấp quốc gia đầu tiên về di sản này. Xa hơn thế, những gì đang diễn ra cho thấy: Việt Nam thật sự có khát vọng - và cả quyết tâm - để đưa tà áo dài trở thành di sản thế giới được UNESCO vinh danh.

Cần nhớ, ý tưởng ấy đã được chính thức nhắc đến ít nhất từ 6 năm trước, khi bảo tàng đầu tiên về Áo dài Việt được xây dựng tại TP.HCM. Để rồi từ đó đến nay, chúng ta ngày càng thêm hy vọng - và háo hức - với câu chuyện này.

Bởi, trong nhận thức chung của cộng đồng, từ rất lâu, tà áo dài vẫn mặc định được coi là biểu trưng của vẻ đẹp và sự trang nhã của phụ nữ Việt Nam - đồng thời là sự kết tinh từ những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống trên mảnh đất hình chữ S. Nói cách khác, so với tất cả những di sản Việt Nam từng được UNESCO vinh danh, hiếm có trường hợp nào vừa quen thuộc, vừa nhận về sự ủng hộ tuyệt đối như vậy.

Chỉ có điều, việc áo dài đến giờ vẫn chưa trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - chứ chưa nói tới "cấp" quốc tế - cũng cho thấy những phức tạp đặc thù trong việc tôn vinh nó.

***

Nhiều phân tích tại Hội thảo đã chỉ rõ điều này. Trước hết, tà áo dài người Việt hiện tại vốn là một hiện vật (trang phục). Để đệ trình UNESCO xét danh hiệu Di sản Văn hóa phi vật thể, nó cần được nghiên cứu để đề cập cùng hàng loạt yếu tố phi vật thể đi kèm về hình thức thể hiện, biểu đạt, tri thức, kỹ năng… Đặc biệt, việc xây dựng hồ sơ cho di sản này cần có sự lựa chọn, tính toán theo hướng tiếp cận khả thi nhất.

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội thảo "Áo dài Việt Nam: Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc". Ảnh: Diễm Quỳnh - TTXVN

Cụ thể, trong hơn 500 di sản phi vật thể từng được UNESCO ghi danh, có 27 trường hợp thuộc loại hình “nghề thủ công truyền thống” và 4 di sản thuộc trường hợp “trang phục truyền thống”. Theo một số chuyên gia, nếu chọn hướng “nghề thủ công truyền thống” với việc khảo sát một số làng nghề áo dài đặc trưng tại Hà Nội, Huế hay TP.HCM, quá trình xây dựng hồ sơ sẽ đơn giản hơn. Tuy nhiên, cách tiếp cận này lại không tiêu biểu cho toàn bộ di sản áo dài khắp Việt Nam.

Ngược lại, nếu chọn hướng “trang phục truyền thống”, hồ sơ cho áo dài Việt Nam cần làm rõ nhiều vấn đề về tri thức, tập tục, cách thức thể hiện… của cộng đồng trong việc ứng xử với tự nhiên và xã hội. Và ở cách tiếp cận này, hồ sơ sẽ phải phân tích những yếu tố phức tạp về cộng đồng gắn với áo dài.

Thực tế, ở những hồ sơ đã hoặc đang đệ trình lên như dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh, nghệ thuật xòe Thái, hội Gióng... cộng đồng gắn với di sản thường được giới hạn trong làng xã, trong một vùng nên không quá khó để xác định cụ thể. Nhưng với áo dài, việc xác định các nghệ nhân, người thực hành, người tích cực tham gia liên quan đến nó cũng khá rộng.

Như chia sẻ của các chuyên gia, đến nay, chúng ta vẫn chưa tìm ra mối liên hệ gắn kết, chặt chẽ để xác định một cộng đồng chủ thể đối với toàn bộ quy trình nghề nghiệp, từ những làng nghề trồng dâu nuôi tằm và ươm tơ dệt vải tới những nhà thiết kế mẫu sáng tạo kiểu cách áo dài xưa hay những người thợ thủ công tài ba cắt may, khâu vá, thêu thùa vừa tạo hình, vừa trang trí cho tà áo dài truyền thống.

Ở góc độ khác, mối liên hệ giữa những người đã và đang khoác trên mình chiếc áo dài với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội - nơi áo dài được hình thành, duy trì, chuyển giao và liên tục phát triển để trở thành trang phục truyền thống - cũng là một vấn đề cần làm rõ.

Tất cả những vấn đề ấy gắn với một thực tế: Từ bao năm qua, việc mặc áo dài vẫn là một mỹ tục mang đậm bản sắc văn hóa của người Việt. Nhưng, chúng ta chủ yếu vẫn nhìn điều ấy dưới sự xúc động mang đậm màu sắc cảm tính, mà thiếu đi những nghiên cứu, khảo sát mang tính hệ thống và khoa học để hiểu thêm về thứ trang phục được yêu chuộng của mình.

Nói vậy, không phải để ngần ngại với việc đề cử áo dài cho danh hiệu di sản thế giới. Song song với chặng đường cho danh hiệu ấy là một chặng đường khác, có lẽ dài hơn: Nâng cao sự hiểu biết và nhận thức về áo dài, để nó được ứng xử như một di sản văn hóa theo đúng nghĩa.

Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm