EURO 2016: Pháp khẩn trương hành động sau vụ ẩu đả kinh hoàng tại Marseille

12/06/2016 21:45 GMT+7 | Euro ở Việt Nam

(Thethaovanhoa.vn) - Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, một cổ động viên Anh đang trong tình trạng nguy kịch và 35 người khác bị thương, trong đó 3 người bị thương nặng trong các trận ẩu đả kinh hoàng giữa cổ động viên Anh và Nga trước và sau trận đấu giữa hai đội vào tối 11/6 (rạng sáng 12/6 giờ Hà Nội) tại thành phố cảng Marseille, miền Nam nước Pháp. Báo chí Pháp đưa tin cổ động viên Anh trong tình trạng nguy kịch nhiều khả năng đã phải chịu nhiều cú đánh bằng thanh sắt vào đầu.

Cảnh sát trưởng thành phố Marseille Laurent Nunez cho biết hai nhóm cổ động viên Anh và Nga bắt đầu ẩu đả vào khoảng 16 giờ (giờ địa phương) ngày 11/6 tại khu cảng cũ (Vieux Port) của Marseille, nơi tập trung rất nhiều quán bar và nhà hàng. Mỗi nhóm gồm khoảng 300 người. Cảnh sát đã phải phun vòi rồng, xịt hơi cay để giải tán đám đông. Tuy nhiên, sau đó khu vực trung tâm thành phố Marseille lại trở nên hỗn loạn với mảnh kính vỡ rải đầy trên phố do các cổ động viên Anh đã ném chai lọ vào những người Nga. Khoảng 20 giờ cùng ngày, tại sân vận động Vélodrome, lại xảy ra các cuộc đụng độ giữa cổ động viên hai đội buộc cảnh sát phải trấn áp và cách ly các nhóm cổ động viên theo hai hướng khác nhau. Sau khi trận đấu kết thúc với tỷ số hòa, cổ động viên quá khích Nga tràn qua khu vực của người hâm mộ đội tuyển Anh để gây rối. Rạng sáng 12/6, khu cảng cũ (Vieux Port) tại Marseille lại biến thành bãi chiến trường giữa cổ động viên Anh, Nga và một số nhóm thanh niên địa phương.


Nhóm CĐV Anh liên tục gây rối trong nhiều ngày ở Marseille

Trước các cuộc bạo loạn tồi tệ trên, Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) đã ra thông báo lên án mạnh mẽ, cho rằng "những người tham gia các vụ ẩu đả này hoàn toàn không có tinh thần bóng đá". Thị trưởng thành phố Marseille Jean-Claude Gaudin lấy làm tiếc rằng "việc kiểm soát cổ động viên quá khích đã không được tiến hành ngay từ đất nước quê hương họ" và đã "không có việc hạn chế lượng đồ uống có cồn" đối với các cổ động viên trước trận đấu có nguy cơ xung đột cao giữa Anh và Nga.

Trong khi đó, Bộ Nội vụ Pháp cho biết nhà chức trách nước này đã yêu cầu Chính phủ Anh giữ hộ chiếu của 3.000 cổ động viên quá khích để ngăn không cho họ đến Pháp trong thời gian diễn ra EURO 2016. Bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazeneuve đã cấp tốc mời và triệu tập 180 cảnh sát nước ngoài để truy tìm, nhân diện các cổ động viên có khuynh hướng bạo lực và tránh để xảy ra các vụ đụng độ trong và xung quanh các sân vận động. Khoảng 50 cảnh sát đã được điều động về Trung tâm hợp tác cảnh sát quốc tế (CCPI). Đến nay, Pháp đã ban hành 2.533 lệnh cấm nhập cảnh với đối tượng tình nghi có thể gây các hành vi quá khích.

Các vụ ẩu đả giữa cổ động viên Anh và Nga vẫn diễn ra mặc dù Pháp đã triển khai 1.200 cảnh sát, 580 binh sĩ trong lực lượng hải quân, 51 nhân viên cấp cứu cùng 17 xe cứu thương được trang bị các phương tiện hồi sức cấp cứu hiện đại nhằm đảm bảo an ninh cho cuộc đối đầu Anh-Nga này. Sau trận cầu Anh-Nga, một số trận đấu đã được đưa vào diện quan ngại đặc biệt, như trận Thổ Nhĩ Kỳ-Croatia. Nhiều biện pháp chặt chẽ dự kiến sẽ được triển khai để tránh gây rối.




Nhiều CĐV đã phải đổ máu sau cuộc ẩu đả

Bạo lực giữa các nhóm cổ động viên đã lan sang thành phố thứ hai của Pháp là Nice (Nít) nơi diễn ra cuộc chạm trán giữa Bắc Ireland và Ba Lan vào ngày 12/6. Trong ngày 11/6 đã xảy ra cuộc ẩu đả giữa cổ động viên từ Bắc Ireland và người dân địa phương khiến ít nhất 7 người bị thương trong đó có một người bị chấn thương sọ não.


CĐV Ba Lan và Bắc Ireland đã bị nhóm CĐV địa phương Nice Ultras tấn công

Từ năm 1993, Pháp đã thiết lập hệ thống hồ sơ các đối tượng cấm đến sân vận động (IJS) và rất coi trọng đấu tranh chống những hành động bạo lực. Hình phạt dành cho tội danh liên quan thường khá nặng, ngoài các chế tài hình sự nếu bị xử lý, những đối tượng như vậy có thể không được phép tham gia hoạt động bóng đá tới 5 năm./.

PV

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm