EURO 2012 còn 7 ngày: Khi nhà vệ sinh trị giá tiền tỷ

01/06/2012 10:01 GMT+7 | Thế giới Sao

(TT&VH) - Đăng cai tổ chức EURO 2012 chính là cơ hội tuyệt vời để Ukraina chứng tỏ họ là một quốc gia “thân thiện” và “mở” về kinh tế để chào đón những luồng đầu tư từ nước ngoài. Thế nhưng, khi chưa có dấu hiệu thành công trong việc kêu gọi đầu tư thì chính quốc gia này đang bị hủy hoại bởi những “vết đen” trong quá trình chuẩn bị cho sự kiện bóng đá lớn nhất châu lục. 



Khâu chuẩn bị cho EURO 2012 của Ukraina còn nhiều vấn đề - Ảnh Getty

Nỗi lo lắng của các nước Tây Âu về nạn phân biệt chủng tộc, nạn mại dâm... là những điều phần nào đã phá hủy chiến lược PR được chuẩn bị công phu của hai quốc gia Đông Âu. Thế nhưng, sự hủy hoại về hình ảnh chưa thấm vào đâu so với việc chính đất nước đăng cai tổ chức giải đấu đang cho thấy những mờ ám từ bên trong bởi những nghi ngờ về nạn tham nhũng mang tính hệ thống trong quá trình chuẩn bị cho giải đấu.

Không chỉ có người dân, ngay cả Ostap Sermerak, một Nghị sĩ trong chính quyền của Ukraina cũng không hề biết trên thực tế Chính phủ đã đổ bao nhiêu tiền từ ngân khố cho việc xây dựng và đầu tư các dự án phục vụ cho EURO. Chỉ biết rằng chi phí "lót tay" cho các dự án hạ tầng EURO 2012 đã chiếm hết khoảng 40-60% chi phí xây dựng.

Vấn nạn tham nhũng

Tính đến ngày 27/3 vừa qua, nhà chức trách đã phát hiện 120 vụ tiêu cực liên quan đến hoạt động chuẩn bị cho EURO. Ông Sermerak cho hay doanh thu được duyệt để chi cho giải bóng đá hấp dẫn nhất châu lục cũng đã tăng từ 1 tỷ USD lên đến 10 tỷ USD, vượt khung gấp 10 lần so với những gì đã bàn bạc và dự tính khi Ukraina được lựa chọn làm nước đồng chủ nhà cho giải đấu vào năm 2007.

Không những thế tiến trình phân bổ tiền bạc cho các dự án cũng đã thay đổi hoàn toàn so với những gì đã được phác thảo ban đầu. Trước đó, Chính phủ của cựu Tổng thống Viktor Yushchenko và cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko hình dung ra rằng 80% chi phí cho các dự án sẽ đến từ các nhà đầu tư tư nhân thông qua quan hệ đối tác công-tư. Tuy nhiên, những bất đồng về chính trị tại Ukraina đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài dần dần mất đi sự quan tâm, đặc biệt là sau khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào cuối năm 2008.

Những dự tính ban đầu cuối cùng cũng thành công cốc khi vào tháng 2/2010, Tổng thống Viktor Yanukovych lên nắm quyền và thay đổi toàn bộ, lập ra một kế hoạch mới hoàn toàn cho EURO 2012. Sự thay đổi mạnh mẽ nhất, theo Sermerak, là việc Chính phủ mới hủy bỏ hồ sơ dự thầu đã kí kết trước đó khiến cho vấn đề “lót tay” nảy sinh và hậu quả là chi phí tăng cao. Những dự án chi tiêu sau đó trở nên rất mập mờ, thậm chí có những khoản được trích ra từ ngân khố mà không liên quan gì đến bóng đá.

Ông Sermerak cho biết đến nay đã có 48 sự thay đổi trong bản kế hoạch chính thức của EURO 2012 kể từ khi nó chính thức được thông qua bởi Nội các của Ukraina vào tháng 4/2010 đồng nghĩa với việc cứ một tháng người ta lại đưa ra hai thay đổi so với kế hoạch đã thống nhất trước đó. Khi được hỏi điều này có nghĩa gì đối với kỹ năng quản lý dự án của Chính phủ, Sermerak cho biết: “Chỉ cho thấy một điều rằng đang tồn tại vấn đề tham nhũng bởi quá trình đấu thầu không cho phép họ tăng lượng tiền chi tiêu và hưởng lợi từ những khoản lại quả rất lớn.”

Một số nguồn tin cũng cho rằng chỉ có những công ty có trụ sở ở Donetsk, quê hương của Tổng thống Viktor Yanukovych và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ xây dựng Ukraina Borys Kolesnikov, mới được nhận những công trình mà Chính phủ phân bổ. Đơn cử công ty Altkom đã nhận được 1 tỷ USD từ Chính phủ để thực hiện việc sửa sang tại sân bay Lviv và xây dựng một số cung đường kèm SVĐ Lviv Arena. Một công ty khác là AK Engineering, nhà thầu chính của dự án SVĐ Olympic đã được cấp 600 triệu USD, cao hơn 160 USD so với chi phí bỏ ra để xây dựng sân Allianz Arena ở Munich dù cùng diện tích.

Nạn tham nhũng cũng dẫn đến những vấn đề vô cùng bất cập. Giới truyền thông cũng phát hiện các dự án chi tiền hết sức vô lý, chẳng hạn 10 băng ghế gỗ ở các nhà chờ tàu điện ngầm tiêu tốn tới 80.000 USD. Sốc hơn cả là một cái toilet ở SVĐ Donbass tiêu tốn 50.000 USD (1,04 tỷ VNĐ) tiền xây dựng trong khi sân này có tới 10 toilet như vậy.

Từ những con số nói trên có thể hiểu vì sao việc nâng cấp sân Olympic ở Ukraine lại tốn kém hơn việc xây mới xây Warsaw ở Ba Lan tới 43 triệu USD và một nước có nền kinh tế mạnh như Anh lại chi chưa đến một nửa chi phí mà Ukraina (một nước đồng chủ nhà) bỏ ra cho EURO, để đầu tư cho Thế vận hội tại London vào mùa Hè năm nay.

Cẩm Oanh



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm