Đường sách TP.HCM: Cứ 3 lượt khách đến mới mua 1 quyển sách

17/01/2020 10:44 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Vừa qua, tại Trung tâm báo chí TP.HCM đã diễn ra Lễ tổng kết năm 2019 và nhìn lại 4 năm hoạt động của Đường sách TP.HCM. Nhìn vào các số liệu tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, có thể nói đây đã là một điểm sáng để nhiều nơi khác học hỏi, rút kinh nghiệm khi làm đường sách. Thế nhưng, nếu tính bình quân thì cứ 3 lượt khách đến mới mua 1 quyển sách.

Các dự án đường sách tại Việt Nam: Giải mã sự thành công của Đường sách TP.HCM

Các dự án đường sách tại Việt Nam: Giải mã sự thành công của Đường sách TP.HCM

Ngày 9/1 vừa qua, Đường sách TP.HCM kỷ niệm hai năm thành lập, với khoảng 1,2 triệu cuốn sách bán ra, tổng doanh thu các hoạt động hơn 67 tỷ đồng, thu hút hơn 4 triệu lượt người. Hơn thế, không gian này đã thật sự trở thành một điểm nhấn văn hóa - du lịch của thành phố.

“Trong bối cảnh các phương thức bán sách kiểu truyền thống đang bị các mô hình bán sách trực tuyến cạnh tranh khốc liệt, o ép, sự tăng trưởng của Đường sách TP.HCM là một tín hiệu đáng mừng, là một kinh nghiệm có thể chia sẻ và nhân rộng. Chúng tôi gọi phương thức của mình là bán sách trải nghiệm” - ông Lê Hoàng (Giám đốc Đường sách TP.HCM) cho biết.

Những con số biết nói

Sau 4 năm hoạt động, Đường sách TP.HCM đã đạt tổng doanh thu hơn 150 tỷ đồng. Doanh thu của riêng năm 2019 là hơn 44 tỷ đồng, tăng 10,7% so với năm 2018. Điều đặc biệt là 18 đơn vị tham gia kinh doanh đều có tăng trưởng so với năm 2018, với 14 đơn vị có doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm, 4 đơn vị có doanh thu trên 3 tỷ đồng/năm.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Lễ tổng kết năm 2019 và nhìn lại 4 năm hoạt động của Đường sách TP.HCM

Về lượng sách bán ra, nếu năm 2016 là hơn 500.000 quyển, năm 2018 là 775.067 quyển, thì năm đã là 913.243 quyển. Ngoài các sự kiện mới như Happy Reading Tour, Sinh nhật cùng sách, Sân chơi tương tác… các sự kiện cũ vẫn tăng trưởng về số lượng, chất lượng. Nếu 2016 có 100 buổi giao lưu giới thiệu sách, thì năm 2019 đã là 152 buổi.

Nổi bật nhất là 25 chương trình vui cùng sách (Happy Reading Tour), với mục đích giúp các em làm quen nhiều hơn với sách, thích đọc sách. Xác định chủ thể chính là các học sinh tiểu học, trung học, Happy Reading Tour mong muốn gieo những “hạt mầm sách” từ rất sớm.

Đường sách TP.HCM cũng ý thức rõ sức mạnh của liên minh, vừa để giảm tải cho nội bộ, vừa để tăng chất lượng chuyên môn, sự đa dạng. Ngoài 152 sự kiện tự tổ chức trong năm 2019, họ cũng đã phối hợp làm 100 sự kiện với các đơn vị bên ngoài, đặc biệt các sự kiện mang tính quốc tế, ngoại giao. Nổi bật có Ngày hội sách văn học châu Âu (từ ngày 12/5 đến 17/5/2019), chuỗi hoạt động Câu chuyện cải lương: Thật và đẹp (từ ngày 23/11 đến 8/12/2019)…

Chú thích ảnh
“Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng” của Nguyễn Nhật Ánh thuộc Top 10 sách bán chạy nhất Đường sách TP.HCM

Người Việt Nam vẫn còn đọc sách rất ít

Với hơn 3,1 triệu lượt khách và gần 1 triệu quyển sách được bán tại Đường sách TP.HCM năm 2019, trong đó số đầu sách mới ra đời trong năm 2019 là 5.256 tựa. Đây được xem là một kỳ tích trong bối cảnh văn hóa đọc đang sa sút. Thế nhưng, nếu làm tròn số và tính bình quân thì cứ 3 lượt khách đến mới mua 1 quyển sách, còn khá thấp.

Tháng 4/2019, tại buổi tọa đàm Làm gì để tạo thói quen đọc sách cho trẻ? do Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, Hội Xuất bản Việt Nam và báo Tuổi trẻ phối hợp tổ chức, cho thấy bình quân mỗi người Việt Nam chỉ mua hoặc đọc hơn 1 quyển sách mỗi năm.

Còn theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, dựa vào một khảo sát quốc tế năm 2016, cho thấy chỉ có 30% người Việt đọc sách thường xuyên, 44% thỉnh thoảng mới đọc sách, 26% hoàn toàn không đọc sách. Người Việt Nam dành chưa tới 1 tiếng đồng hồ mỗi tuần để đọc sách, trong khi Hàn Quốc là 3 tiếng, Nhật Bản 4 tiếng, Đài Loan (Trung Quốc) 5 tiếng, Ấn Độ gần 11 tiếng mỗi tuần.

Theo số liệu của Hội Xuất bản Việt Nam, năm 2018 mỗi người Malaysia đọc bình quân 12 cuốn sách, trong khi Việt Nam thì cộng cả sách giáo khoa và giáo trình mới vỏn vẹn 4 cuốn. “Phú quý sinh lễ nghĩa”, mà lễ nghĩa cũng sinh phú quý, như một tỷ lệ thuận, những nước đọc sách nhiều thì cũng thường là nước phát triển hơn và giàu có hơn.

“Nhưng điều này đang được cải thiện” - ông Lê Hoàng khẳng định. Nếu năm 2018 có trên 300 triệu bản in (sách giáo khoa và giáo trình), gần 20.000 tựa sách mới, thì chỉ 6 tháng đầu năm 2019 đã gần 300 triệu bản in. “Với tố chất thông minh, hiếu học và trước bối cảnh cạnh tranh nhân sự, tìm việc làm đang khá khốc liệt, người Việt Nam muốn thăng tiến - đặc biệt giới trẻ - không có cách nào hữu hiệu hơn việc đọc sách. Chúng tôi hoàn toàn có cơ sở xã hội học và khoa học để tiên đoán như vậy” - ông Lê Hoàng (Giám đốc Đường sách TP.HCM) nói.

Đến dự lễ tổng kết, ông Trương Quang Hòa (đại diện Đường sách Vũng Tàu) nói rằng, họ công khai học hỏi những hoạt động hiệu quả của Đường sách TP.HCM. Năm nay Đường sách Vũng Tàu đã đạt doanh thu gần 15 tỷ đồng, trong đó hơn 30% đến từ việc bán sách, một tín hiệu đáng lạc quan.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm