Dựng lại lịch sử ngàn năm của sông, hồ Hà Nội

12/11/2019 19:57 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Ra mắt vào cuối tuần qua, Sông hồ Hà Nội có thể coi là một cuốn sách đặc biệt - khi vừa tiếp cận mảng sông hồ Hà Nội dưới góc độ khoa học, vừa đi sâu vào kiến giải những vấn đề lịch sử liên quan tới vùng đất định đô mà vua Lý Công Uẩn đã lựa chọn.

Dịch giả Nguyễn Lệ Chi và tủ sách về Hà Nội

Dịch giả Nguyễn Lệ Chi và tủ sách về Hà Nội

Ngoài dịch sách, Nguyễn Lệ Chi còn là chủ thương hiệu sách Chibooks chuyên ấn hành các đầu sách văn học trong và ngoài nước.

1. Sách nằm trong loạt sách Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, do Hội Địa lý Việt Nam và NXB Hà Nội phối hợp ấn hành. Như chia sẻ của những người trong cuộc, Sông hồ Hà Nội, theo lý thuyết, thuộc thể loại sách đất nước học, tuy nhiên các tác giả đã cố gắng tạo cho nó dáng dấp của một “sách chuyên khảo”.

GS-TS Đào Đình Bắc - nguyên Phó Chủ nhiệm bộ môn Địa mạo, khoa Địa lý, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) - thành viên tham gia biên soạn cuốn sách chia sẻ: “Trong nhiều năm qua, nhóm tác giả đã dành nhiều tâm huyết cho vấn đề địa mạo và cổ địa lý vùng thủ đô Hà Nội, vừa theo cách tiếp cận kinh điển, vừa tận dụng ưu thế của Công nghệ viễn thám và Hệ thông tin địa lý. Nhờ thế, chúng tôi đã thu thập, tổng hợp được nhiều tư liệu quý về những dấu vết do biến động của sông và hồ trên vùng nghiên cứu và rút ra được một số kết luận có giá trị cả về mặt lý thuyết cũng như thực tiễn”.

Chú thích ảnh
Cuốn “Sông hồ Hà Nội”

Về kết cấu, sách gồm 5 chương, trong đó 2 chương đầu mang tính khái quát, các chương còn lại giải quyết những khía cạnh chuyên sâu liên quan đến địa lý sông, hồ thành phố Hà Nội.

Cụ thể, chương 3 (Sông, suối Hà Nội) mô tả tỉ mỉ tất cả những dòng sông có tên tuổi của vùng Thủ đô theo một sơ đồ thống nhất: Từ giới thiệu chung, địa danh học, đặc điểm hình thái, thành phần vật chất cấu tạo và địa hình, đặc điểm thủy văn đến môi trường nước và giá trị sử dụng. Các tác giả đã cố gắng liệt kê tối đa những địa danh, nơi các dòng sông chảy qua để giúp bạn đọc theo dõi được dễ dàng.

Chú thích ảnh
Bản đồ Hệ thống lòng sông cổ khu vực phía nam sông Hồng, TP Hà Nội trong cuốn” Sông hồ Hà Nội”

Chương 4 (Hồ và đầm Hà Nội) đưa ra được những lý giải có sức thuyết phục về nguồn gốc của những hồ nổi tiếng như Hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây, hồ Linh Đàm và cụm hồ Yên Sở… . Bên cạnh các mô tả chi tiết về địa lý, môi trường, các cảnh quan tự nhiên của mỗi hồ, đầm được mô tả gắn liền với các di tích văn hóa, lịch sử để giúp người đọc cảm nhận rõ ràng và đa chiều về giá trị của hệ thống hồ, đầm trên thành phố.

Cuối cùng, trong chương 5 (Biến động lòng sông và những dòng sông cổ của Hà Nội), bằng sự hiểu biết sâu về sự tiến hóa của địa hình dòng chảy, vận dụng nhuần nhuyễn công cụ viễn thám, các tác giả đã dựng lại bức tranh sinh động về quá khứ hàng nghìn năm của những dòng sông chính trong vùng Hà Nội như: sông Tô Lịch, sông Đáy, sông Cà Lồ… để đưa ra được những nhận định về biến động của các các dòng sông này theo thời gian.

Chú thích ảnh
Quang cảnh ra mắt các công trình về địa lý Hà Nội trong tủ sách Thăng Long nghìn năm văn hiến

2. Cũng trên quan điểm địa mạo học, các tác giả khẳng định việc chọn đất định đô của vua Lý Công Uẩn là có cơ sở vững chắc. Với bối cảnh của hơn một nghìn năm trước, đó chính là mảnh đất tốt nhất để xây dựng thành lũy. Đồng thời, chỉ rõ, vùng đất này còn nhiều dư địa cho mục đích đô thị hóa. Đó chính là tứ giác Xuân La - Nghĩa Đô - Tây Tựu ở phía tây Hồ Tây, nơi mà nhiều công trình hiện đại đang được triển khai và hình thành một vùng trung tâm mới của Thủ đô.

Đặc biệt, cuốn sách cũng đã lý giải nhiều vấn đề lý thú như: “Sông của Hà Nội có ý nghĩa cho việc đặt tên thành phố”, “Sông Hồng đã tạo ra Hồ Tây như thế nào và khi nào?”, “Bàn thêm về sông Tô Lịch”…

Cũng theo các tác giả, cách lý giải vẫn thường được biết tới về tên gọi Hà Nội (có nghĩa là “bên trong sông”) là khá hợp lý và chính xác. Cái tên này xuất hiện năm 1831 do vua Minh Mạng đặt cho Trấn thành miền Bắc. Với ý nghĩa phòng thủ đó, nhiều khả năng chữ “Hà” ở đây là “Nhĩ Hà”, nghĩa là Hà Nội nằm phía trong sông này, so với không gian phương Bắc thường bị kẻ thù xâm phạm.

Riêng về sông Tô Lịch, dựa trên lý thuyết về động lực dòng chảy, tác giả cho rằng đoạn sông Tô chảy từ Hà Khẩu đến Hồ Khẩu và dọc đường Thụy Khê có nguồn gốc nhân tạo, nhiều khả năng là ngoại hào của thành Thăng Long và Đại La.

Cuốn sách cũng đặc biệt chú ý đến Hồ Gươm khi khẳng định nó là đoạn sót lại của nhánh lòng sông cổ chảy từ Hồ Trúc Bạch qua Hàng Than, Cầu Gỗ, Hồ Gươm, Lò Đúc, Kim Ngưu và trở lại với sông Hồng tại Yên Sở.

“Chúng tôi hy vọng rằng quyển sách này là một trong những tác phẩm giúp cho quy hoạch, xây dựng đô thị một cách bài bản tính toán hơn. Rất vui khi quyển sách là tài nguyên chung trong tủ sách Thăng Long nghìn năm văn hiến” - GS-TS Đào Đình Bắc bày tỏ.

Cuốn sách Sông hồ Hà Nội được thực hiện bởi tập thể các nhà khoa học thuộc bộ môn Địa mạo và Địa lý môi trường biển, khoa Địa lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) do PGS-TS Đặng Văn Bào chủ biên, với sự tham gia biên soạn của GS-TS Đào Đình Bắc, PGS-TS Nguyễn Hiệu, TS Đặng Kinh Bắc.

An Đạt

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm