Một cột mốc quan trọng với ngành Thông tấn quốc gia sẽ diễn ra trong tuần tới: Ngày 15/9/2020 là kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống của Thông tấn xã Việt Nam.

Dòng thông tin chính thống không bao giờ ngừng chảy

(Thethaovanhoa.vn) - Một cột mốc quan trọng với ngành Thông tấn quốc gia sẽ diễn ra trong tuần tới: Ngày 15/9/2020 là kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống của Thông tấn xã Việt Nam.

Tròn 75 năm trước, ngày 15/9/1945, Việt Nam Thông tấn xã - danh xưng do Bác Hồ chấp bút - đã phát đi toàn văn bản Tuyên ngôn Độc lập cùng với danh sách Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thông qua những bản tin bằng 3 thứ tiếng Việt, Anh, Pháp. Để rồi, sự kiện này luôn có ý nghĩa trọng đại không chỉ với Thông tấn xã Việt Nam mà với cả dân tộc, khi 15/9 đã trở thành Ngày truyền thống của ngành Thông tấn quốc gia.

Và thực tế, trong 75 năm qua, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã luôn khẳng định được vị trí của mình trong tư cách một kênh thông tin chính thống và tuyệt đối đáng tin cậy, như lời Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong Thư chúc mừng nhân dịp này: “Tôi mong muốn và tin tưởng Thông tấn xã Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò là cơ quan thông tin chính thống, tin cậy của Đảng, Nhà nước, cung cấp nhiều loại hình thông tin trong nước và thế giới đến các tầng lớp nhân dân...”.

Thành tựu ấy gắn với nỗ lực, và sự quyết tâm của nhiều thế hệ phóng viên, cán bộ TTXVN những năm qua, trước tất cả những thách thức của thực tiễn.

Trong quá khứ, đó là những phóng viên đã có ở mặt ở những nơi nóng bỏng nhất suốt hơn 3 thập niên chiến tranh của Việt Nam. Bên cạnh gần 260 nhà báo liệt sỹ thông tấn đã vĩnh viễn nằm xuống, nhiều người trong số họ đã mang theo những bệnh tật trọn đời hoặc để lại một phần cơ thể mình trên chiến trường.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham quan Trưng bày ảnh "75 năm TTXVN - Dòng thông tin chính thống không bao giờ ngừng chảy" nhân dịp Kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Thông tấn xã Việt Nam (15/9/1945-15/9/2020). Ảnh: Thống Nhất - TTXVN

“Tôi vừa đi thăm phòng truyền thống của Thông tấn xã Việt Nam và thực sự xúc động khi thấy một không gian treo kín những tấm chân dung các nhà báo liệt sĩ. Lịch sử 75 năm của Thông tấn xã Việt Nam (15/9/1945 - 15/9/2020) được viết nên bởi những sự hy sinh thầm lặng đó, để “dòng thông tin chính thống không bao giờ ngừng chảy”! – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xúc động phát biểu.

Còn trong những thập niên gần nhất, đó là những phóng viên phải lăn lộn tại các điểm nóng về thiên tai, sự cố; phải bám sát hằng ngày, hằng giờ diễn biến của các phiên tòa “điểm”, thức trọn đêm để chờ đợi và lan tỏa các tin tức thời sự mà cuộc sống đem về. Ở đó, giữa thời bình, người ta vẫn thấy được tinh thần quyết liệt, xả thân của các phóng viên TTXVN, như trường hợp ngọn lửa tuổi trẻ Đinh Hữu Dư vào tháng 10/2017 đã hy sinh khi tác nghiệp để có những thông tin sống động về đợt lũ kinh hoàng tại Nghĩa Lộ, Yên Bái...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương gắn Huân chương Lao động hạng Nhất lên lá cờ truyền thống của Thông tấn xã Việt Nam. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN

Những hy sinh và dấn thân ấy, xét cho cùng, đều gắn với một tôn chỉ duy nhất: Phản ánh sự thật, đưa dòng tin chủ lưu “nhanh - đúng - trúng - hay”đến với độc giả, để dòng thông tin chính thống không bao giờ ngừng chảy.

***

Cũng cần nói thêm, ở giai đoạn hiện tại, bên cạnh những khó khăn đặc thù của nghề báo, các phóng viên TTXVN phải đối mặt với thách thức mới mà sự phát triển của xã hội mang lại: Sự lan tỏa của tin giả khi internet và mạng xã hội bùng nổ.

Là vấn nạn của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, tin giả (fake news) xuất hiện ở tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... và đặc biệt là các sự kiện “nóng”, được dư luận quan tâm. Và, dù gắn với nhiều mục đích khác nhau như: Hạ uy tín của các cơ quan quản lý, tranh thủ kinh doanh, bôi xấu về chính trị hay chỉ đơn giản là trêu đùa... thì sự xuất hiện của những luồng thông tin giả ấy đều gây nên những hậu quả nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến những suy nghĩ và quyết định của nhiều người trước nhiều vấn đề của cuộc sống, của đất nước.

Đặc biệt, một trong những hậu quả cơ bản mà tin giả gây ra là việc làm suy giảm niềm tin của công chúng vào truyền thông của đất nước nói chung và báo chí nói riêng, khiến độc giả hoang mang, không xác định được đâu là những nguồn tin đáng tin cậy để tiếp nhận.

Có nghĩa, bối cảnh đặc thù của xã hội hiện tại lại đặt các phóng viên của TTXVN, cũng như hệ thống báo chí chính thống nói chung, vào một “cuộc chiến mới” để khẳng định tôn chỉ duy nhất của mình: Sự thật.

Tờ rơi Nói không với Fake News. Ảnh: TTXVN

Trong bối cảnh ấy, dự án của TTXVN với tên gọi “Cuộc chiến chống tin giả -Những ý tưởng sáng tạo và giải pháp hiệu quả” đã vinh dự giành chiến thắng ở hạng mục Best Project for News Literacy trong khuôn khổ Giải thưởng Truyền thông Digital châu Á 2020 của WAN-IFRA.

Dự án nói trên gồm 3 phần: 1. Bài hát chống Fake News bằng 15 ngôn ngữ; 2. Tài khoản Factcheckvn trên mạng xã hội TikTok hướng vào giới trẻ; 3. Dự án "Nói không với Fake News" đào tạo kỹ năng phòng tránh tin giả cho học sinh từ tiểu học đến trung học phổ thông. Dự án đã triển khai tại nhiều tỉnh, thành phố trong toàn quốc, cho thấy nỗ lực đặc biệt của TTXVN để khẳng định sự nghiêm cẩn của những người làm báo trong cuộc chiến mới này, để bảo vệ dòng thông tin chính thống.

Và, để cuộc chiến ấy sớm ngã ngũ, những phóng viên TTXVN vẫn đang rất cần sự đồng hành của độc giả, với niềm tin vào dòng thông tin chính thống, như đã từng có trong 75 năm qua.

Anh Bảo