Đội tuyển Hà Lan khủng hoảng: Vấn đề của lòng tự trọng

08/09/2015 05:23 GMT+7 | Euro 2020

(Thethaovanhoa.vn) - Thảm bại ba bàn không gỡ trước Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan chính thức mất cơ hội giành quyền trực tiếp lọt vào vòng chung kết EURO 2016. Thậm chí, vé play-off giờ cũng rất xa vời với họ. Điều gì đang xảy ra?

Trên sân Torku Arena trong đêm ngày 6/9, người hâm mộ Hà Lan đã phải trải qua một cơn ác mộng thực sự. Các bàn thắng của Oguzhan Oezyakup, Arda Turan và Burak Yilmaz thực sự là những cú đấm quá mạnh vào lòng kiêu hãnh của Oranje.

Khi mọi lời chỉ trích đều đúng

Báo giới Hà Lan đang nổi giận. Một cơn giận hợp lý. Vào sáng thứ Hai, tờ Algemeen Daglad giật tít: “Không thể tin bất kỳ ai nữa”. Tờ Volskrant thì khẳng định đội tuyển của họ “thiếu tột cùng chất lượng, thể lực, tốc độ, sự gắn kết và quyết tâm”. Nhật báo De Telegraaf thì chỉ dùng một từ duy nhất: “Choáng”.

Vậy còn những người trong cuộc thì nghĩ sao?

Lão tướng Wesley Sneijder dường như vẫn chưa hiểu chuyện gì đã xảy ra. “Có lẽ là do vận đen, cũng có thể do chúng tôi thiếu tự tin” – cầu thủ của Galatasaray trả lời phóng viên. “Chúng tôi để thủng lưới 2 bàn quá dễ dàng, rõ ràng là chúng tôi thiếu tập trung”.

Robin van Persie khẳng định anh đang thấy vô cùng tồi tệ và chia sẻ: “Cả vòng loại này thật là khó khăn. Chúng tôi không còn nắm được quyền tự quyết trong tay nữa”.

HLV trưởng của Hà Lan – ông Danny Blind – nói rằng họ đã “tự bắn vào chân”. Nhưng ông không thể nói rõ rằng Hà Lan đã “tự hủy” như thế nào. Hoặc, lòng tự trọng đã ngăn cản ông nói ra nguyên nhân đích thực, và cũng lòng tự trọng đã khiến ông và các học trò lao tới vực thẳm.

Nhìn lại Van Marwijk, Van Gaal

Cũng như Guus Hiddink trước đó, HLV Blind đã vận hành ĐT Hà Lan theo phong cách tương đối truyền thống, được xác lập từ thời kỳ của Rinus Michels và Johan Cruyff: Chủ động kiểm soát bóng, kiểm soát thế trận. Cách chơi này đòi hỏi chất lượng tập thể rất cao, mỗi cá nhân nếu không phải là ngôi sao thì cũng cần phải là cỗ máy.

Nhìn vào Hà Lan suốt từ năm 2010 trở lại đây, thật khó để nói rằng họ đáp ứng được nhu cầu về chất lượng cá nhân cho lối chơi ấy. Hoặc có thể, họ đáp ứng được ở hàng công. Nhưng hàng công tốt không bao giờ là đủ.

Đó chính là lý do Bert van Marwijk quyết định tạo dựng một ĐT Hà Lan đậm chất... "côn đồ" trong thời gian ông nắm quyền. Với sơ đồ 4-2-3-1 mà ở đó hai tiền vệ trụ đều không phải chân chuyền bóng thượng hạng theo phong cách truyền thống (Nigel De Jong và Mark van Bommel), Van Marwijk đề cao sự chắc chắn từ tuyến dưới hơn là sự hoa mỹ từ tuyến trên.

“Thánh” Cruyff lập tức đăng đàn chỉ trích Van Marwijk, bất chấp Hà Lan thắng 8/8 trận ở Vòng loại và lọt vào trận chung kết World Cup 2010 tại Nam Phi. Bốn năm sau, Cruyff lại “phải” cau có với Louis van Gaal vì... Hà Lan không đá theo phong cách truyền thống.

Cũng như Van Marwijk, Van Gaal sớm nhận ra từ trước khi vòng chung kết World Cup 2014 bắt đầu rằng lực lượng Hà Lan không đủ chất lượng để chơi theo phong cách truyền thống, đặc biệt ở tuyến dưới. Kết quả là sơ đồ 3-5-2 được áp dụng, ba tuyến của Hà Lan ép chặt vào nhau trong mỗi trận và các bàn thắng được chờ đợi từ những màn bứt tốc phản công của Arjen Robben.

Kết quả là Van Gaal đưa Hà Lan tới vị trí đứng thứ ba tại ngày hội bóng đá trên đất Brazil 2014. Nói tóm lại, nếu có một điểm khác biệt giữa hai người tiền nghiệm của Hiddink và Blind, đó hẳn là... lòng tự trọng. Van Marwijk và Van Gaal hiểu rằng Hà Lan không đủ chất lượng để đá đẹp, đá sòng phẳng.

Các lão tướng Robben, Sneijder, Rafael van der Vaart, Van Persie... đã hết thời. Hà Lan đang chuyển giao. Họ sẽ cần khoảng nửa thập kỷ nữa để hào hùng trở lại với lối chơi đẹp.

7 Hà Lan đã thua tổng cộng 7/12 trận kể từ sau World Cup 2014.

19 Trong tổng cộng 12 trận đấu sau thời Louis van Gaal, Hà Lan để thủng lưới tới 19 bàn.

30 Trung vệ “giàu kinh nghiệm” nhất trong đợt triệu tập vừa qua của Hà Lan là Stefan de Vrij, đã có 30 lần ra sân và mới chỉ 23 tuổi.


Dũng Lê
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm