Độc giả đọc sử đã bớt tư duy 'nệ cổ'

22/04/2015 07:15 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Thay vì bó hẹp theo những luồng quan điểm một chiều, độc giả hiện tại đã không còn "nhầm lẫn" giữa lịch sử và các sáng tác có sử dụng sử liệu. Thậm chí, những góc nhìn đa chiều trong các công trình khảo cứu về lịch sử cũng đã được thị trường tiếp nhận dễ dàng hơn.

Đó là một trong nội dung được nhắc tới trong cuộc tọa đàm "Trong văn có sử - sự giao thoa của tư duy về quá khứ" do NXB Trẻ tổ chức chiều 20/3. Trước đó, rải rác trong vài năm gần đây, đơn vị xuất bản này đã phát hành khá nhiều ấn phẩm trên cả 2 lĩnh vực: tiểu thuyết có sử dụng chất liệu lịch sử như cuốn Me Tư Hồng, Cậu ấm... và các công trình tư liệu, khảo cứu về lịch sử địa chí, văn hóa, phong tục như:Lịch triều hiến chương loại chí, Đại Việt thông sử, Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ...

Có mặt tại tọa đàm, 2 nhà văn Trần Chiến (tác giả Cậu ấm) và Nguyễn Ngọc Tiến (Me Tư Hồng) đã lần lượt chia sẻ với độc giả quá trình thu thập tư liệu, cũng như sáng tác 2 tiểu thuyết này.


Nhà văn Trần Chiến (cầm mic) và Nguyễn Ngọc Tiến (giữa) trong buổi giao lưu

Dù lấy tư liệu về một Hà Nội cũ trong quá khứ, thậm chí là mượn cảm hứng từ những nhân vật có thật như học giả Nguyễn Văn Vĩnh và Me Tư Hồng, 2 tác phẩm trên gần như vượt thoát hoàn toàn những gì được ghi chép lại trong lịch sử để phát triển theo cảm xúc và sáng tạo riêng của người viết. Điển hình là, trái ngược với một "me Tư Hồng" từng bị thi hào Nguyễn Khuyến và các giai thoại dân gian bêu xấu đủ đường, me Tư Hồng của Nguyễn Ngọc Tiến lại là sự ngậm ngùi và thông cảm với bi kịch của một người phụ nữ trong buổi giao thời đầy hỗn loạn...

Có mặt tại tọa đàm, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên chia sẻ:"Giai đoạn trước đây, độc giả vẫn thường quen và tin tuyệt đối vào những gì được ghi lại trong sách sử. Chúng ta có thể thấy điều đó qua những tranh luận, thậm chí quy chụp gay gắt khi Nguyễn Huy Thiệp viết chùm truyện ngắn Phẩm tiết, Vàng lửa, Kiếm sắc cuối thập niên 1990. Nhưng, với những Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh, Vạn Xuân của tác giả người Pháp Yeline Frey hay gần nhất là Me Tư Hồng của Nguyễn Ngọc Tiến, rõ ràng người đọc bây giờ đã công tâm và có sự bình tĩnh hơn khá nhiều".

Ở một góc độ khác, khi nói tới những công trình khảo cứu về sử học được xuất bản và tái bản trong thời gian gần đây, nhà nghiên cứu Trần Trọng Dương bày tỏ sự lạc quan khi nhắc tới một số tác phẩm của giới nghiên cứu quốc tế hoặc các học giả miền Nam cũ. Tuy nhiên, TS Dương  hi vọng: “Còn nhiều công trình nghiên cứu tương tự chưa được chúng ta tổ chức xuất bản hoặc quan tâm đúng mức. Hi vọng, điều này sẽ sớm được thực hiện trong tương lai".

Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm