Djokovic và nghệ thuật đánh tie-break

09/03/2020 14:18 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Hai ngày nữa, BNP Paribas Masters 2020 sẽ khởi tranh, và từ giới chuyên môn đến người hâm mộ đều tin rằng Novak Djokovic là ứng viên số một không có gì phải bàn cãi. Bởi đơn giản, phong độ của anh ở mùa giải này là vô cùng thuyết phục.

'Sát thủ' U23 Việt Nam mờ nhạt trong sự kỳ vọng của HLV Park Hang Seo

'Sát thủ' U23 Việt Nam mờ nhạt trong sự kỳ vọng của HLV Park Hang Seo

Trận khai mạc mùa giải mới của đội bóng không đặt mục tiêu cao ở V-League 2020 như SLNA trở nên đáng quan tâm đặc biệt khi HLV Park Hang Seo trực tiếp đến sân Thống Nhất theo dõi. Tuy nhiên, các học trò của ông như Văn Đức đã không có được phong độ tốt.

Trong bài viết “Welcome to Novak’s Lockdown mode…” đăng trên trang chủ của ATP cuối tuần qua, chuyên gia phân tích số liệu Craig O’Shannesy đã khiến độc giả phải vô cùng thán phục trước bản lĩnh của tay vợt số một thế giới người Serbia.

Cứ đến tie-break là Nole chiến thắng

Djokovic chính là chủ nhân của Australian Open, giải Grand Slam đầu tiên của năm. Và thành tích của anh kể từ đầu mùa giải 2020 đến nay là 18 thắng – 0 thua, với ba danh hiệu tại Sydney, Melbourne, và Dubai. Trong khoảng thời gian ấy, Nole chỉ thua đúng 5 set đấu.

Không chỉ thuyết phục về phong độ, Nole còn cho thấy bản lĩnh đặc biệt của mình trong những thời điểm quyết định. Bằng chứng: Anh đã thắng 17 trong số 18 loạt tie-break mà mình phải thi đấu kể từ sau trận chung kết Wimbledon 2019.

Một phân tích của Infosys ATP Beyond The Number về sự thống trị của tay vợt số một thế giới đã chỉ ra rằng cơ thể của Djokovic thời gian gần đây đã vận động cực kỳ khoa học và chắc chắn, song điều khiến người ta thán phục hơn cả là khả năng kết thúc của anh ở cuối các set đấu. Đó là những chỉ số giống như từ… hành tinh khác.

Trên bảng xếp hạng Infosys ATP Stats Under Pressure Leaderboard – một bảng xếp hạng về khả năng chịu đựng áp lực – Djokovic đang đứng thứ 13, với tỷ lệ thắng ở các loạt tie-break là 64,5%. Nhưng đó là thống kê toàn bộ sự nghiệp của anh, còn trong hai tháng qua, anh là số một khi thắng 8/8 loạt tie-break.

Hãy nhìn lại chiến thắng 7-6 (5), 7-6 (6) trước Kevin Anderson tại ATP Cup trong trận đầu tiên của anh ở mùa giải này: Nole cứu một set point khi tỷ số tie-break ở set thứ hai đang là 5-6 nghiêng về đối phương, để rồi thắng ngược 8-6. Sau đó, Nole hạ Denis Shapovalov 4-6, 6-1, 7-6 (4) ở tứ kết, và đánh bại Rafael Nadal 6-2, 7-6 (4) ở trận chung kết.

Tại trận bán kết Dubai Duty Free cuối tuần trước, Djokovic đánh bại Gael Monfils 2-6, 7-6 (8), 6-1. Điều đáng nói là trong set thứ hai, anh bị đối phương dẫn tới 6-3, nhưng đã cứu 3 matchpoint liên tiếp, và thắng ngược 10-8.

Bí quyết nào giúp Djokovic liên tục chiến thắng trong những khoảnh khắc đầy áp lực như thế? Hãy nhìn lại trận chung kết Wimbledon 2019, khi anh đánh bại Federer 7-6 (5), 1-6, 7-6 (4), 4-6, 13-12 (3). Theo luật mới, trong set thứ 5 khi tỷ số là 12-12, hai tay vợt mới đánh tie-break, và Nole là người thắng thuyết phục 7-3.

Chú thích ảnh
Djokovic tỏ ra cực kỳ kiên nhẫn và lì lợm ở những loạt tie-break

Bậc thầy đánh tie-break

Cách mà Djokovic xây dựng chiến lược chiến thắng cho những loạt tie-break này có thể coi như kế hoạch chi tiết để anh áp dụng cho những thành công sau này. Đó là đánh đơn giản hết sức có thể, tập trung dồn bóng vào baseline, và không cố gắng tung những cú đánh có khả năng ghi điểm cao, nhưng cũng dễ hỏng.

Những loạt tie-break với Nole là thời điểm anh khiến cho đối phương cảm thấy không thoải mái khi phải đánh thêm một lượt nữa, theo cách mà họ không muốn. Sự kiên nhẫn ấy nghe thì có vẻ dễ, nhưng không hề đơn giản nếu muốn áp dụng vào thực tế.

Để phân tích rõ hơn, hãy nhớ rằng 3 loạt tie-break trong trận chung kết Wimbledon có tổng cộng 33 điểm. Khi Nole dẫn 5-1 ở loạt tie-break trong set thứ hai, anh chỉ mắc 1 lỗi thuận tay từ cuối sân, còn khi Federer dẫn 5-3 ở loạt tie-break trong set đầu tiên, anh mắc 4 lỗi tương tự. Tổng cộng, Federer ăn 7 điểm và mắc 20 lỗi trong 3 set tie-break đó, trong khi Djokovic chỉ mắc 5 lỗi đánh hỏng (4 trả giao bóng) nhưng chỉ có 2 điểm winner. Rõ ràng, sự kiên nhẫn của Nole đã khiến đối phương tự đánh hỏng rất nhiều.

Nếu không tính các loạt tie-break, Federer đã giành chiến thắng ở 13/15 pha giao bóng và volley, 51/65 điểm khi lên lưới từ vị trí baseline. Thế nhưng trong số 33 điểm ở ba loạt tie-break, Federer chỉ có hai lần lên lưới, và giành được 1 điểm. 20/33 điểm ấy (61%) giành được khi hai tay vợt đứng ở baseline, trong đó có 16 điểm thuộc về Djokovic. Trong 8 pha bóng bền với số lần qua lưới từ 10 trở lên, Djokovic giành thắng lợi 6.

Nghệ thuật đánh tie-break của Djokovic là như vậy, đơn giản, nhưng cũng rất khó thực hiện. Đó là buộc đối phương phải rơi vào thế rượt đuổi và tự mắc sai lầm vì những cú đánh ở tư thế không thoải mái. Nole đang là một bậc thầy ở những loạt “đấu súng” như thế này, và một khi khẩu đại pháo ấy đã “khóa mục tiêu” thì không ai có thể ngăn cản anh.

Phương Chi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm